Gần đây, rất nhiều phát ngôn, hành động của người nổi tiếng, nghệ sỹ và “người dưng” làm cho dư luận choáng, không phân biệt được thật - giả, tốt - xấu, không tìm thấy cái chuẩn đạo đức để dạy dỗ lớp trẻ. Phát ngôn sốc của sao; hành động không đẹp mắt của những người hôi của khi người khác bị nạn; những hành vi, thái độ ứng xử không đúng giữa thầy với trò; xum xoe, luồn cúi để thăng quan tiến chức; không dám đấu tranh trước cái sai…Tất cả những điều đóá, nếu áp theo chuẩn đạo đức truyền thống thì đều chưa tới, không thể xếp vào bất cứ thang bậc nào. Với pháp luật, những người thực thi sẽ xem xét áp dụng hình phạt “dưới khung” khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Song với hành vi chưa đến mức phải chịu sự xử lý của pháp luật nhưng lại có ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của thế hệ trẻ thì lấy gì để điều chỉnh?.
Thay vì giúp đỡ, nhiều người đã tranh thủ hôi của khi xe container chở 25 tấn trái măng cụt bị lật nhào giữa đường
Từ bao đời nay, câu nói “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn ngự trị trong mỗi người dân nước Việt. Ở trường mẫu giáo hay trường tiểu học, trung học đều nêu cao khẩu hiệu này. Nói như vậy để thấy, trước khi học chữ, học kiến thức, các học sinh sẽ được giáo dục đạo đức làm người. Có tài mà không có đức là rất nguy hiểm; có đức mà không có tài, đôi khi trở thành phá hoại. Có ý kiến cho rằng, nếu đem những chuẩn mức đạo đức trước đây áp dụng vào thời nay, đặc biệt là đối với giới trẻ, giới showbiz thì nghe không được khớp cho lắm. Nhiều vụ ồn ào, bóc mẽ những góc tối của giới diễn viên, người mẫu, hoa hậu trong thời gian qua đã khiến không ít người phải hoảng hốt, giật mình.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh thừa nhận, cuộc thi hoa hậu nào, ban tổ chức cũng nhận được đơn tố cáo cô A, cô B bán dâm. Suy cho cùng, đó là sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận giới trẻ. Họ có hình dáng, khuôn mặt đẹp nhưng lại có cái nhìn lệch lạc về cái đẹp. Và đạo đức lại là cái vô hình khó nắm bắt, khó kiểm tra. Người đẹp ngày nay giỏi che giấu việc thiếu đạo đức của mình trong vỏ bọc hoàn hảo của hình thể. Nguyên nhân sâu xa về sự xuống cấp đạo đức chính là sức mạnh của đồng tiền. Khi đồng tiền lên ngôi vương, nó đủ sức mạnh làm tha hóa đạo đức con người. Lý giải thế nào khi nhiều bạn trẻ đẹp, có điều kiện kinh tế nhưng vẫn dưới chuẩn đạo đức?. Nhà thơ Dương Kỳ Anh đã không ngần ngại khẳng định: “Lòng tham của con người là vô đáy, có tiền người ta còn muốn nhiều tiền hơn. Không chỉ là ăn ngon mặc đẹp, các cô gái còn muốn phải hơn bạn bè, phải xài hàng hiệu, phải đi xe sang”.
Trong một lần trò chuyện với PV, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh đã đưa ra nhận định: "Bản chất của ngân hàng là "cúi" càng sâu thì khả năng thu hút khách hàng càng nhiều. Đó mới là kinh doanh". TSä Dương còn cho rằng, hiện nay không phải duy nhất ngành ngân hàng “học cúi” mà nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ khác cũng vậy. Đặc biệt, trong quá trình bổ nhiệm nhân sự còn có nhiều cái cúi hơn. Phát ngôn này của TS Dương đã gây tranh cãi trong một thời gian dài, người đồng tình cũng lắm, người chê bai cũng nhiều. Có ý kiến rằng, TS Dương muốn thành chàng Đông-ky-sốt đời F1 của thế kỷ XXI nên mới nói to để người khác chú ý tới phát ngôn chứ không phải về vấn đề năng lực. TS Dương chắc cũng lường trước những tác động liên quan đến phát ngôn của mình. Theo lý giải của TS Dương, người ta biết cách cúi để cái đầu đỡ va khi đi qua một cái cửa thấp. Nhân cách của mình không ảnh hưởng thì nên cúi. Tức là cúi mà được việc còn hơn ngàn lần những phát ngôn gây sốc chẳng để làm gì ngoài việc khoe mẽ, khoe thân của những người nổi tiếng.
Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hòa Bình rất dị ứng với những phát ngôn sốc, hành vi hôi của khi người khác gặp nạn. TSä Bình khẳng định, đó là những hành vi lệch chuẩn đạo đức. Thấy người bị nạn, không giúp đỡ, tặc lưỡi, nhắm mắt đi qua, nếu chiểu theo tiêu chuẩn đạo đức, đã là thiếu. Nhưng thấy bị nạn, không những không giúp mà còn hôi của thì hành vi đó dưới chuẩn đạo đức nhiều lần. Hành vi này xuất phát từ ý thức, do ý thức điều chỉnh. Vì thế, người nào từng một lần hôi của, một lần ngoảnh mặt đi trước sự cầu cứu, van lơn của người bị nạn thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình đủ đạo đức để rao giảng, lên mặt với mọi người, dù đó là vợ con. Xung quanh chuyện ngoan mà không có đạo đức, không có chính kiến, sống bám, sống nhờ vào người khác, TSä Bình nhận định: “Sự chân thực mà người ta khoác lên cho những phát ngôn sốc không có giá trị theo quan niệm chân - thiện - mỹ. Người đó chắc chắn ngày xưa không nhìn thấy khẩu hiệu rất to ở trường học là “tiên học lễ, hậu học văn”. Chỉ sống để hưởng thụ, để thế này, thế kia thì thật phí. Có một câu hát trong lời bài hát dành cho thanh niên mà tôi tâm đắc: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Những người có “khuyết tật” về đạo đức, lối sống thì đừng đòi hỏi ở xã hội điều gì. Ngoan không phải là tội nhưng ngoan mà ngu thì sẽ có nguy cơ thành tội”.
GS Văn Như Cương nhìn những hành vi, lời nói dưới chuẩn đạo đức theo cái nhìn của người làm giáo dục. Theo ông, chuẩn đạo đức có sự thay đổi theo thời cuộc và sự vận động của cuộc sống nhưng cái tinh túy nhất, giá trị nhất của chuẩn thì vẫn lưu truyền từ đời này sang đời khác. GS Cương cho rằng, vấn đề này nên nhìn nhận ở nhiều góc độ. Song nói gì thì nói, đó cũng là sự thiếu hiểu biết, thiếu một cái phông văn hóa. Người có tầm ảnh hưởng trong xã hội cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức cần và đủ để mình không bao giờ bị lố. Chẳng học hành gì cũng thành đại gia, người mẫu, người nổi tiếng làm sao có kỹ năng để hành xử chuẩn. TSä văn học Đoàn Hương cũng rất khó chịu với những người đàn bà đẹp mà ngu ngốc, những chính khách thuyết giảng sáo rỗng, những người nổi tiếng có hành vi, lời nói thiếu đạo đức.
TS Nguyễn Thị Minh Thái (giảng viên Khoa Báo chí, trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) từng phát biểu: Tìm hiểu đạo đức của một con người không đơn giản. Chúng ta không thể đánh đồng tất cả những người thấy bất công nhưng không đấu tranh là khiếm khuyết về đạo đức được. Chúng ta cần đặt đối tượng vào các vị trí cụ thể để áp tiêu chuẩn đạo đức. Một người biết mười mươi sai phạm, có trong tay đầy đủ chứng cứ nhưng thỏa hiệp để đổi lại lợi ích cho bản thân thì đúng là dưới chuẩn đạo đức. Còn những người biết hiện tượng, không tìm được bản chất nên không thể đấu tranh, chúng ta cần có cái nhìn cảm thông…
Sốc vì định nghĩa “gái ngoan”
Trong thời gian qua, dư luận cảm thấy bất an khi căn bệnh hôi của tràn lan đang ăn sâu vào một bộ phận người Việt. Thay vì giúp khổ chủ thoát khỏi sự cố rủi ro, không ít người xung quanh lại tìm cách kiếm chác chút tài sản của người bị nạn. Gần đây nhất ngày 7/5, cảnh hàng trăm người chen chân múc xăng dầu khi xe chở 25.000 lít xăng từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình bị lật nghiêng trên Quốc lộ 1A khiến nhiều người vô cùng bất bình về lối ứng xử của người tham của.
Mới đây người mẫu nội y Ngọc Trinh cũng khiến cộng đồng mạng và giới showbiz một phen dậy sóng khi định nghĩa “gái ngoan” theo cách hoàn toàn mới. Theo cô, ngoan hoàn toàn không phải là bốn chữ vàng Công - Dung - Ngôn - Hạnh như ông bà ta đã chỉ dạy. “Ngoan” của Ngọc Trinh là người yêu nói gì cũng dạ, không nên gặng hỏi, cho gì lấy đó...Cái sự ngoan kỳ lạ kéo theo cách sống của Ngọc Trinh. Thay vì tự lao động để nuôi, Ngọc Trinh lại tự cho phép mình sống hưởng thụ. Cô sống theo kiểu "há miệng chờ sung", người tình cho bao nhiêu biết bấy nhiêu, tới đâu hay tới đó. Không những thế, người mẫu trẻ này còn nổi tiếng với phát ngôn: “Yêu không có tiền cạp đất mà ăn”.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đạo đức không chỉ ở lời nói
Tôi đánh giá cao tính trung thực. Cái thật là cái đẹp, xuất phát từ tâm chứ không phải là nói thẳng toẹt ra. Trung thực thì cũng phải bằng lời nói có văn hóa, chứ không phải là có gì nói ấy. Gặp đâu nói đấy là người thiếu hiểu biết. Mà thiếu hiểu biết thì không thể gọi là chuẩn mực đạo đức được. Tôi không chấp nhận quan điểm của một số người cho rằng phát ngôn “sốc” (của một người mẫu-PV) được coi là nói thẳng, nói thật, là trung thực, là có đạo đức. Đạo đức không chỉ thể hiện ở phát ngôn mà còn thể hiện trong cách hành xử, ứng xửã của người đó đối những người xung quanh, trong từng tình huống cụ thể.
TS Lê Thẩm Dương
TS Lê Thẩm Dương: “Cúi đầu” có văn hóa là cách khôn ngoan
Đạo đức, ứng xử văn hóa cần được xây dựng một cách hệ thống và có tính chiến lược. Cúi xuống thấp để thể hiện văn hóa cao, hiểu mình trọng người…là cách thức khôn ngoan. "Cúi đầu" là hành xử văn hóa chứ không phải là sự hèn hạ. Đâu phải chỉ trong ngành kinh doanh mới phải học "cúi", mà trong mọi lĩnh vực khác cũng cần phải học. Đừng để dư luận phải thêm bức xúc với những ông cán bộ hách dịch, cửa quyền với dân trong các cơ quan Nhà nước. “Cúi đầu” để biết mình là ai, là hành vi văn hóa nhưng “cúi đầu” để đạt được mục đích, rồi chà đạp lên người khác sẽ trở thành thiếu đạo đức, cần phải lên án.
GS Văn Như Cương
GS Văn Như Cương: Phải biết phát ngôn đúng chỗ
Với người bình thường, chuẩn đạo đức rất đơn giản, gần gũi với cuộc sống, công việc hàng ngày. Song, với người nổi tiếng, nghệ sĩ, quan chức, công chức, chuẩn đạo đức được nhìn nhận từ nhiều góc độ, khía cạnh. Những người chuẩn đạo đức đều có phát ngôn đúng lúc, đúng chỗ; có những hành xử kịp thời để làm tăng hoặc giảm sự ảnh hưởng của mình với người xung quanh. Tức là họ được trang bị kiến thức và có khả năng kiểm soát bản thân, biết kìm nén, bùng nổ đúng thời điểm.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nhiều người chỉ từ bỏ chiếc ghế khi có “mặc cả”
Ở Việt Nam chưa có văn hóa từ chức đúng nghĩa. Họ chỉ chấp nhận từ bỏ chức vụ khi không còn con đường nào khác. Khi có sức ép hoặc mặc cả được sẽ không phải chịu các biện pháp tố tụng tiếp theo. Nếu xét theo tiêu chuẩn đạo đức cán bộ là chưa phù hợp. Đạo đức của người cán bộ cách mạng mà Bác Hồ đã dạy, ai cũng biết, cũng hiểu. Song thể hiện sự hiểu biết ấy bằng các hành vi ứng xử có văn hóa không phải ai cũng làm được.
Tiến sỹ Đoàn Hương
Tiến sỹ Đoàn Hương: Đừng trở thành người thừa của xã hội
Học sinh tiểu học đã được học bài học đạo đức. Vì vậy, hành vi dưới chuẩn đạo đức của một số người, đặc biệt là những người nổi tiếng làm ảnh hưởng tới xã hội, cộng đồng dân cư, không thể chỉ đổ lỗi cho giáo dục, đó là do người đóá ý thức kém. Con người hơn con vật chính là ở ý thức. Đẹp mà khôn ngoan, tài năng thì có thể thành biểu tượng. Còn ai thiếu ý thức, không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám vận động để phát triển, để cuộc sống tốt hơn sẽ trở thành người thừa của xã hội.
Tiến sỹ xã hội Trịnh Hòa Bình
Tiến sỹ xã hội Trịnh Hòa Bình: Sống bám là hành vi dưới chuẩn
Ngoan như một con mèo, chỉ để người khác sở hữu như một thứ đồ chơi… không phải là định hướng tốt, chuẩn mực cho giới trẻ ngày nay. Đó là cái ngoan của một cái đầu rỗng tuếch, ngu ngốc. Người trẻ thừa sức để vươn lên, có nhiều cơ hội làm việc để tự lập cho cuộc sống của mình, giúp đỡ gia đình mình bằng chính đồng tiền mình làm ra. Tại sao lại phải sống bám vào tiền bạc của người khác?. Đây thực sự là suy nghĩ, hành vi không đẹp, không chuẩn với đạo đức. Cái này gọi là dưới chuẩn. Đã dưới chuẩn, chúng ta đừng quan tâm, đừng tung hô lên như một hiện tượng nghèo vượt khó như thế. Vì người ta có tự làm việc để thoát nghèo đâu. Người sống bám đó chắc chắn sẽ quẳng người tình ra đường như một mớ giẻ rách nếu họ không còn tiền để nhờ vả, lợi dụng.
Quế Ngân