Nhân vật may mắn này có tên là Vincenzo Peruggia, đã được vinh danh như là anh hùng trong một vở kịch mang tựa đề “vụ án Vincenzo Peruggia”, trong chương trình liên hoan mùa hè vừa qua tại Lombardia, quê hương của Peruggia, ở phía bắc nước Ý.
Bức ảnh Mona Lisa tại viện bảo tàng Louvre của Pháp.
Đạo diễn vở kịch nói, “chúng tôi tin rằng Peruggia là một người yêu nước“. Còn trên website của nhà hát Dumenza, nơi công diễn vở kịch, đã đặt cụm từ “kẻ ăn cắp” trong ngoặc kép khi nói về Peruggia. Để tránh dùng động từ “ ăn cắp”, người ta nói bức tranh nàng Mona Lisa của Leonard de Vinci được rút ra khỏi viện bảo tàng Louvre của Pháp.
Ngày 21 tháng 8 năm 1911, bức tranh nàng Mona Lisa đã bị đánh cắp. Sự kiện gây chấn động mạnh trong giới nghệ thuật và phải mất hai năm sau, người ta mới tìm lại được tác phẩm này.
Hôm đó là thứ hai, viện bảo tàng đóng cửa như thường lệ. Vào lúc 7h sáng Peruggia, 30 tuổi, đột nhập vào Louvre qua một cửa nhỏ bên phía sông Seine. Peruggia biết rất rõ nơi này, bởi vì năm trước, anh ta đã tham gia vào việc lắp đặt các tấm kính bảo vệ vây quanh bức tranh. Thậm chí, Peruggia còn biết bức tranh được gắn lên tường như thế nào. Chỉ trong vài giây, anh ta tháo được bức tranh và trốn vào một cầu thang. Ở đây, Peruggia tháo tranh ra khỏi khung, quấn vào trong chiếc áo blouse của thợ sơn và bình thản đi ra ngoài.
Ngày hôm sau, khi hai họa sĩ đến vẽ chép lại bức tranh thì mới phát hiện ra vụ mất cắp. Đi lùng sục khắp nơi trong viện bảo tàng, người ta tìm thấy khung tranh. Cảnh sát ra lệnh khám xét khách tham quan, nhưng đã quá muộn. Báo chí chỉ trích gay gắt việc canh gác, bảo vệ viện bảo tàng, giám đốc ngay lập tức bị sa thải.
Qua điều tra, khám xét hiện trường, cảnh sát phát hiện được dấu vết vân tay trên một tấm kính bảo vệ bức tranh. Đó chính là vân tay của kẻ trộm. Điều gây ngạc nhiên là cảnh sát lại không khai thác dấu vết này trong khi họ có đầy đủ hồ sơ và dấu vân tay của Peruggia.
Lúc đó, cảnh sát cho rằng thủ phạm vụ đánh cắp phải là nhiều người và chuyển hướng điều tra nhắm vào các băng đảng quốc tế, những kẻ chuyên buôn bán lậu các văn hóa phẩm đánh cắp.
Thậm chí, đã có lúc, cảnh sát nghi ngờ thủ phạm là nhà thơ Guillaume Apollinaire, bởi vì trước đó, ông đã cho một kẻ chuyên lừa đảo ở nhờ. Kẻ này là người Bỉ, vào năm 1907, đã từng ăn cắp một số bức tượng nhỏ trong viện bảo tàng Louvre.
Trong vòng hai năm, Peruggia đã dấu “nàng Mona Lisa” trong căn hộ ở quận 10 Paris. Sau đó, nhân vật này viết thư chào bán bức tranh cho các cửa hàng bán đồ cổ người Ý, viện lẽ bức tranh này là của người Ý, do vậy, nó phải quay trở lại nước Ý.
Đến tháng 12 năm 1913, một người bán đồ cổ của Ý nói với Peruggia mang bức tranh tới Firenze để xem xét. Ông đã đi cùng viên giám đốc một viện bảo tàng của thành phố tới khách sạn để gặp Peruggia và xác định đây là bức tranh thật, đã bị đánh cắp. Bức tranh nàng Mona Lisa được thu hồi một cách nhẹ nhàng. Peruggia bị bắt giữ. Trước tòa, Peruggia nói rằng đã lấy trộm bức tranh vì lòng yêu nước. Các chuyên gia tâm thần nhận định đó là một công nhân, suy nghĩ đơn giản, nông cạn. Do vậy, kẻ ăn cắp nàng Mona Lisa chỉ bị xử một năm và 15 ngày tù. Sau đó, mức án được giảm xuống còn 7 tháng.
Mặc dù Dumenza công diễn vở kịch “Vụ án Vincenzo Peruggia”, nhưng thị trường thành phố nói rằng ông không muốn Peruggia trở thành một người hùng của địa phương và người ta biết đến thành phố này chỉ vì nơi đây là quê hương của kẻ ăn trộm bức tranh nàng Mona Lisa.
Vũ Nguyên