Tưởng chừng chỉ những kỹ sư hay sinh viên trong các trường kỹ thuật mới học chế tạo robot, vậy mà gần đây tại nhà Thiếu nhi TP.HCM (đường Tú Xương, Q3) cũng mở lớp học chế tạo robot dành riêng cho những em nhỏ. Các em tới đây có thể học tập và chế tạo ra những con robot theo sở thích của mình. Đây không phải là mô hình lắp ráp theo trò chơi mà nó có thể chạy, nhảy, xoay… theo bộ điều khiển.
Các bé hào hứng tham gia lắp ráp robot
Các em nhỏ trong lớp học này chỉ từ 4-15 tuổi nhưng có thể tạo được những con robot đủ hình thù như ôtô, xe địa hình hoặc con rùa, cua, chim cánh cụt... Những ý tưởng chế tạo này đều tự các em nghĩ ra và được giáo viên hướng dẫn thực hiện. Lớp học bắt đầu bằng nghe giáo viên dặn dò và hướng dẫn quy tắc lắp ráp robot Huna.
Hệ thống lắp ráp bao gồm: Bo mạch (là bộ não của robot để điều khiển hoạt động), mô tơ động cơ, hộp đựng pin, các thanh khối tạo hình cho robot... mỗi người sẽ được phát một hộp dụng cụ đồ nghề đầy đủ để tự mình chế tạo ra những robot theo hình thù mình thích. Hào hứng hơn là trong những giờ thực hành, nhiều em tỏ ra say sưa với quá trình chế tạo robot của mình. Các cô cậu hết đứng lại ngồi, có em còn nằm bò xoài xuống dưới nền để theo dõi và điều chỉnh robot.
Sau khi tham gia vào lớp học chế tạo robot này, nhiều trẻ trở về nhà với hàng tá câu hỏi trong đầu vì chưa hiểu được nguyên tắc hoạt động của robot. Các em hỏi ba mẹ mình. Nhiều ông bố biết thì có thể trả lời được nhưng cũng có nhiều trường hợp phải chuyển sang câu chuyện khác vì không biết giải thích cho con ra sao.
Anh Nguyễn Hồng Hải, một phụ huynh, chia sẻ: “Cả hai cậu con trai của tôi đều rất mê robot nên khi vừa nghe có lớp học này là bọn trẻ đòi đăng ký tham gia ngay. Cứ mỗi buổi sáng cuối tuần, tôi lại đưa hai cậu con trai đến lớp học này. Hai đứa say mê lắm, mỗi lần đi học về lại háo hức khoe những loại robot làm được rồi hỏi tôi những câu hỏi liên quan đến nguyên tắc hoạt động của robot. May mà trước đây tôi từng học khoa Điện - Điện tử trường Đại học Bách khoa TP.HCM nên cũng khá rõ về các vi mạch điện tử nên mới giải thích cho các cháu được”.
Còn anh Đặng Hải Triều, khi gặp những câu hỏi hóc búa của đứa con trai thì đành phải chọn cách ậm ừ cho qua chuyện. Anh chia sẻ: “Mới học được vài hôm nhưng hễ nhìn thấy thiết bị điện tử nào là cháu lại thắc mắc hỏi tôi nó hoạt động như thế nào, làm sao nó di chuyển được, quay được… Thật sự là tôi không hiểu gì về các thiết bị điện tử ngay cả những thiết bị trong nhà hư hỏng tôi đều phải đưa ra thợ sửa. Những câu hỏi đơn giản thì còn trả lời nửa vời được nhưng những câu hỏi quá khó thì đành ậm ừ cho qua”.
Hiện lớp học lắp ráp và chế tạo robot Huna dành cho trẻ từ 4 đến 15 tuổi được tổ chức rộng rãi tại các nhà văn hóa thiếu nhi và một số trường học tại TP. HCM. Những lớp học này gồm 3 cấp độ: Cơ bản, trung cấp và nâng cao. Học sinh sau khi hoàn thành các hóa học sẽ được nhà trường cấp chứng chỉ và được tạo điều kiện tham gia các cuộc thi sáng tạo robot. Riêng các học sinh từ 13 đến 15 tuổi sẽ được tham gia lớp lập trình bo mạch điều khiển robot bằng máy vi tính.
Cô giáo Trần Thị Thu Hà đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn và giải thích về nguyên tắc hoạt động của robot cho biết: “Lớp học chế tạo robot đặc biệt ở chỗ các em tự mày mò, sáng tạo ra mô hình riêng cho mình. Đây không phải là đồ chơi mô hình bán sẵn mà đòi hỏi người chơi phải tự lắp ráp theo sách hướng dẫn hoặc tự sáng tạo thành những mô hình mình muốn. Qua đó giúp các em rèn luyện tư duy sáng tạo, sự khéo léo và nâng cao kiến thức về cơ khí, kỹ thuật”.
“Trước khi bước vào giờ học, các giáo viên luôn giải thích cho học viên hiểu những nguyên tắc cơ bản của một robot là: Không được gây tổn thương cho con người, không bàng quan khi con người đối mặt với nguy hiểm, robot nhất thiết phải phục tùng con người (trừ trường hợp đã quy định ở nguyên tắc thứ nhất), robot phải tự bảo vệ bản thân...” Cô Hà cho biết thêm.
Được biết, bộ môn robot Huna là trò chơi giáo dục mang tính sáng tạo xuất xứ từ Hàn Quốc. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mô hình này vào chương trình giáo dục chính khóa hoặc ngoại khóa nhưng nó vẫn còn khá lạ lẫm với học sinh Việt Nam |
Mai Phong