Cuối tháng 9, nhiều sinh viên của trường Đại học Cần Thơ nô nức đón nhận tấm bằng tốt nghiệp sau thời gian học tập vất vả mới có. Nhưng niềm vui này của họ lại bị xen lẫn bằng những hình ảnh vô cùng xấu xí, thậm chí nhuốm màu bạo lực, côn đồ.
Đó là khi bạn bè, người thân của các tân cử nhân vừa giơ máy ảnh, điện thoại ra để lưu lại khoảnh khắc đẹp, thì một loạt gương mặt “xấu” xông đến ngăn cấm, dọa nạt, thậm chí đuổi đánh… Những người này là ai mà lộng hành đến vậy?
Họ là những thợ ảnh xuất hiện tại sân hội trường trung tâm và Nhà điều hành trường Đại học Cần Thơ, rồi tự ban cho mình quyền “thay trời hành đạo” – à, đúng ra là “thay cơ quan chức năng, cấm quay phim chụp ảnh” – để giành cái độc quyền bấm máy kiếm tiền cho riêng mình.
Câu chuyện trái tai theo kiểu “luật rừng” này xuất hiện chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi có vụ nhân viên bảo vệ tại Bệnh viện Nhi TW bắt ép người nhà bệnh nhi phải thuê xe “chỉ định” thì mới được ra viện.
Ngoài 2 câu chuyện gây “bão” dư luận nói trên, chúng ta hoàn toàn có thể rơi vào hoàn cảnh trớ trêu tương tự trong cuộc sống hằng ngày, khi “luật rừng” lại được đặt cao hơn cả luật pháp!
Chẳng hạn như bạn và người thân thử lên hóng gió Hồ Tây, chọn những vị trí đẹp để ngồi thư giãn trên chiếc ghế đá công cộng xem… được không? Chắc là khó, vì theo “luật rừng” thì những chiếc ghế đá đó đều đã bị chiếm dụng cả rồi, với mốc đánh dấu là quả dừa, chai nước ngọt hoặc vài gói bim bim.
Từ những câu chuyện đời thường, cho tới các sự việc bất thường, gây bức xúc như vậy, chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Tại sao trong một xã hội tiến bộ, “luật rừng” vẫn có cơ hội soán ngôi… luật pháp phổ biến đến vậy?
Gần như chắc chắn, câu trả lời sẽ phải có từ khóa “bảo kê”!
Nếu không có sự bảo kê, liệu các tay máy côn đồ có ngang nhiên đi lại, áp đặt “luật rừng” của mình trong khuôn viên trung tâm của Đại học Cần Thơ như vậy không, khi các bảo vệ và quản lý nhà trường đều biết chuyện?
Nếu không có sự bảo kê, liệu các bảo vệ của Bệnh viện Nhi TW có hùng hổ tuyên bố “sai thì nghỉ việc”?
Và nếu không có sự bảo kê, liệu các chủ hàng nước trên Hồ Tây có ngang nhiên chiếm chiếc ghế đá công cộng thành công cụ kiếm tiền của mình hay không?
Với những người nghèo thực tế, họ có thể cho rằng “làm gì có bảo kê ở đây”, nhưng như thế thì chỉ có thể giải thích là các cơ quan chức năng quản lý trực tiếp có vấn đề về thính giác và thị giác, nên ai cũng biết, chỉ có họ là lúc rõ, lúc không…
Tiêu chí xây dựng một xã hội đáng sống chắc chắn sẽ không có những từ khóa như “bảo kê” hay “luật rừng”. Vậy những ai đang phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc phá hoại tiêu chí này? Những kẻ bảo kê hay những kẻ viết ra luật rừng của riêng chúng?
Câu trả lời thực ra rất dễ, thế mà nhiều vị quản lý lại bó tay! Lạ thật!
Bút Lãng
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả