Chuyên gia cũng không thể lý giải
Thạc sĩ, chuyên gia xã hội học Lê Văn Phú (trường ĐHKHXH&NV Hà Nội) chia sẻ: Thời gian qua, tôi cũng như các chuyên gia xã hội học trên cả nước nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Đã gần 20 năm nghiên cứu về tâm lý con người và xã hội học nhưng nhiều lúc tôi cũng không thể lý giải được những hành động vô cùng tồi tệ nêu trên.
Rõ ràng, nó thể hiện sự băng hoại đạo đức nghiêm trọng của một bộ phận người trong xã hội hiện đại. Trong vấn đề này, có thể nói những tên sát thủ kia lên mạng xã hội "khoe chiến tích" như một trào lưu nhưng chưa thể tùy tiện khẳng định đó là một trào lưu trong giới trẻ được. Bởi các vụ án kiểu trên diễn ra khá đơn lẻ và xảy ra chưa nhiều.
Theo tôi, đối với một con người có trí thức, có lương tri thì, khi làm một việc gì đó xấu xa, người ta sẽ cảm thấy lo lắng, xấu hổ. Những người này ban đầu còn lo lắng đến nỗi lẩn trốn sự truy vấn của xã hội và pháp luật rồi mới ra đầu thú. Còn đối với những tên hung thủ kia thì sao, họ đã giết người, đã gây nên một hành động tồi tệ mà vẫn còn đi khoe mẽ cái việc xấu xa của mình thì đến những người có đức tính nhẫn nại nhất chắc cũng sẽ căm phẫn tột độ.
Những kẻ sát nhân hãy thử đặt mình vào vị trí của gia đình những nạn nhân. Thử hỏi, khi thấy người thân mình bị giết mà hung thủ thản nhiên lên mạng bôi xấu, đùa cợt trên cái chết thương tâm, thật đau lòng! Chắc chắn, những kẻ gây ra tội ác sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Nhưng, trước khi nhận bản án trừng phạt, họ sẽ bị nhận bản án của lương tâm. Trong song sắt, những người này sẽ có thời gian suy nghĩ lại về tội ác, hành động của mình.
Chắc lúc đó, họ có hối hận cũng không kịp nữa. Với mọi người, chúng không còn là tên sát nhân nữa mà là kẻ máu lạnh khiến người khác rợn người. Đối với người có nickname Kẹo Mút Chơi Bời, đầu tiên chỉ là một vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, sau khi "đăng đàn" kể lại hành vi của mình, lời nói của hắn như kiểu vừa cố tình giết người vậy. Chính vì thế, việc cư dân mạng "ném đá", lùng sục dọa giết cũng là điều dễ giải thích. Và đó là hành vi mà hắn tự chuốc lấy.
Theo suy nghĩ và nhiều năm nghiên cứu tâm lý học con người của tôi, việc sát hại nhau rồi đưa lên mạng để "khoe" như một "chiến tích" không phải là bản năng của con người. Chúng ta đều biết, mỗi khi làm việc xấu, những tên tội phạm thường sống chui lủi. Thậm chí chúng còn thay tên đổi họ để tránh sự truy lùng của pháp luật và sự lên án của người đời. Chỉ có những con vật thì việc ăn thịt nhau mới được coi là một "chiến tích" và là chuyện bình thường.
Trước thực trạng này, gia đình, nhà trường cần phải xem lại cách quản lý con em mình. Những sự việc trên là tiếng chuông báo động đến cách giáo dục của họ đối với giới trẻ. Lâu nay, chúng ta thường giáo dục những kiến thức cao siêu cho học sinh mà quên mất lẽ ra phải giáo dục cả tình yêu thương gia đình và biết sống vì người khác.
Các cụ đã dạy rằng "tiên học lễ, hậu học văn". Có nghĩa phải học phép tắc, lối sống trước khi học kiến thức sách vở. Hình như chúng ta đang lãng quên những biện pháp giáo dục mang tính nhân văn cho trẻ. Tôi nhận định, nếu có được kỹ năng sống chắc chắn những đứa trẻ kể trên sẽ không hành động như vậy.
Những trang nhật ký khiến dân mạng "nổi da gà"
Mới đây, người dân trên cả nước xôn xao bởi một vụ án mạng kinh hoàng. Ngày13/4, sau khi sát hại người yêu, Đặng Văn Khuyến (28 tuổi, tạm trú tại phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) về nhà bật laptop, vào mạng xã hội, ngồi "rung đùi" khoe “chiến tích” giết người trước khi tới cơ quan công an đầu thú. Đoạn status dài ngoằng mà hắn kể lại cuộc tình và hành trình giết bạn gái mình khiến nhiều người căm phẫn, thậm chí đau đớn
Đầu tháng 11/2011, cộng đồng mạng "ngã ngửa" khi thấy lời kể man rợ, mất tính người của một nickname có tên là Kẹo Mút Chơi Bời. Sau khi đi xe máy đâm phải một cụ già, hắn đã thản nhiên "đăng đàn" khoe khoang hành động của mình.
Kẹo Mút Chơi Bời chia sẻ một cách vô cảm trên mạng: "Chúng tôi vừa đâm vào một ông già gần 60 tuổi… khả năng chết". Sau đó, đến chiều 2/11, hắn ta lại tiếp tục cập nhật thông tin: "Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy vào đã "cu tỏi" - tức đã chết, hồi 17h07'. Anh em “phang” lô đề nhiệt tình đi. Lão sinh năm 1953". Ngay sau đó, cư dân mạng đã tập hợp lại, rủ nhau đi xử lý gã trai vô lương tâm này.
Ít lâu sau, CQĐT đã xác định đối tượng tình nghi chính là Đặng Mạnh Linh (SN 1991, trú tại tỉnh Yên Bái). Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Hữu Giảng (SN 1953, phường Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái).
Trước đó không lâu, cư dân mạng lại "sốt" khi một sinh viên ở Hà Nội, là quản trị của một trang mạng xã hội mà có đến 7.000 người tham gia xin "tư vấn" về cách giết người. Được biết, hắn là Nguyễn Duy Quang (SN 1991, quê Thái Nguyên, sinh viên một trường ĐH tại Hà Nội).
Trước thời điểm xảy ra vụ "giết người cướp xe" khoảng 5 tháng, hắn ta thường tung lên mạng những câu hỏi khiến người khác cảm thấy rợn người. Đúng ngày 24/6, Nguyễn Duy Quang đã ra tay thực hiện vụ "giết người cướp của" dã man. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ, liệu Quang đã có âm mưu giết người từ nhiều tháng trước đó.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, vì muốn làm một bữa tiệc sinh nhật "để đời" cho người yêu tại một quán bar, Nguyễn Duy Quang đã rủ cô bạn mới quen trên mạng tên là Nguyễn Thị Ý (cũng là sinh viên) đi chơi và ra tay sát hại Ý để cướp xe.
"Nhật ký sát nhân" có thể coi là tình tiết tăng nặng
Luật sư Đoàn Minh Đức (Đoàn Luật sư Hà Nội): Giết người yêu, lên facebook giãi bày, gây tai nạn giao thông chết người, lên mạng xã hội khoe khoang... thú thực những hành động đó như một vết cứa sâu vào trái tim không chỉ riêng tôi mà còn tất cả người dân trên cả nước. Hiện nay, thời đại công nghệ, các trang mạng, đặc biệt là facebook đang trở thành một xã hội thu nhỏ. Nó chẳng khác gì một tấm gương phản ánh đời sống thực tế.
Ở đó, có những chiến tích được cả xã hội ca tụng nhưng cũng không ít hành vi xấu, tội ác nhơ bẩn khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Thậm chí, những lời "tự thú" không đúng lúc, đúng nơi cũng phản tác dụng. Theo tôi, trường hợp của cậu thanh niên giết bạn gái ở TP.HCM. rõ ràng, người này đã thực hiện hành vi tội lỗi của mình mà muốn lên mạng xã hội để giải thích, thú tội với mọi người. Đáng lẽ ra việc đó cậu nên làm ở đồn cảnh sát.
Việc, "tự thú" trên mạng khiến nhiều người căm phẫn, cho là hành vi khoe mẽ "thành tích" giết người. Còn đối với nickname Kẹo Mút Chơi Bời, kẻ sát nhân đã chai sạn, trở nên vô cảm, thỏa mãn cái tôi ích kỷ. Những con người này lương tâm của họ đã bị "số hóa" và suy nghĩ như một cái máy.
Theo luật sư Đoàn Minh Đức, có thể coi những "trang nhật ký sát nhân" trên mạng là một hành vi tăng nặng trong việc định tội. Đối với tên Nguyễn Duy Quang "giết người cướp xe" để tổ chức sinh nhật cho bạn gái, cách xin "tư vấn" giết người của hắn diễn ra 5 tháng trước khi án mạng xảy ra đã bóc trần việc tên này nung nấu kế hoạch giết người.
Trong Điều 93 của bộ luật Hình sự, việc giết người có tổ chức, có kế hoạch được coi là một tình tiết tăng nặng. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12-20 năm, chung thân, tử hình.
P.Hạnh - V.Chương