Khi mía… đắng ngắt!

Khi mía… đắng ngắt!

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 5, 14/06/2018 11:42

Niên vụ mía 2017-2018, người nông dân trồng mía ở nhiều tỉnh thành cảm nhận được vị đắng ngắt của mùa vụ vì chồng chất khó khăn, hầu hết đều thua lỗ.

Nông dân khóc ròng...

Báo Nông nghiệp Việt Nam có bài phản ánh về vụ mía năm nay ở tỉnh Khánh Hòa. Theo phản ánh, TX.Ninh Hòa là vùng trồng mía trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, với trên 11.000 ha mía. Những ngày này, nông dân cơ bản đã thu hoạch xong vụ mía, tuy nhiên không mấy ai vui vẻ.

Bà Hoàng Thị Hòa, Chủ tịch hội Nông dân xã Ninh Tân (TX.Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), cho biết đến ngày 12/6 bà con đã chặt bán cho 2 nhà máy đường của công ty CP Đường Việt Nam (Cam Lâm) và công ty CP Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (TX Ninh Hòa) khoảng 41.442 tấn mía (1.145 ha), năng suất từ 35- 45 tấn mía cây/ha (giảm 5- 10 tấn/ha).

Sở dĩ năng suất giảm do ảnh hưởng bão số 12 năm ngoái, làm mía đổ ngã, đẩy chi phí tiền công chặt mía lên cao ngất. Mặt khác do thiếu nhân công, cộng với niên vụ đầu tiên công ty CP Đường Việt Nam thay đổi phương thức thu mua mía, từ mua tại ruộng sang mua tại nhà máy, nên nông dân tự thuê xe rất chật vật.

Khi mía… đắng ngắt!

Nông dân trồng mía Khánh Hòa phải tự túc thuê xe vận chuyển mía để bán cho nhà máy

Hỏi về chuyện lãi lỗ, ông Võ Ngọc Phi Vũ, Chủ tịch UBND xã Ninh Tân cho biết, hầu hết bà con không có lãi, thậm chí còn thua lỗ nặng.

Ông Phan Dũng ở thôn Bắc, xã Ninh Tân xác nhận: “Chưa có vụ mía nào nông dân khổ như vụ này. Ngoài năng suất, chữ đường mía giảm thì giá mua mía cũng giảm 100.000 đ/tấn so với năm ngoái.

Nhưng khổ nhất là đỏ mắt thuê lao động chặt mía. Trước công chặt mía trên 1.000 đồng/bó, nay tăng lên từ 1.500- 2.000 đồng/bó (bó 10kg). Chặt mía xong rồi, nông dân phải tự kiếm xe chở mía, có khi tài xế gây phiền hà, đẩy chi phí tăng cao. Nhiều trường hợp mất 5 - 7 ngày, thậm chí 10 ngày mía mới được chở về nhà máy, hao hụt kinh khủng”.

Ông Dũng còn cho biết, hầu hết nông dân thua lỗ, ít nhất từ 5-10 triệu đồng/ha. Như gia đình ông với 8ha mía, tổng thu hơn 300 tấn, thấp hơn nhiều so với năm ngoái, ước thua lỗ 40- 50 triệu.

Khi mía… đắng ngắt! (Hình 2).

Một vụ mía đắng ngắt với bà con nông dân Khánh Hòa (ảnh: NNVN)

Ông Nguyễn Thanh Thụy, Chủ tịch hội Nông dân xã Diên Đồng cho biết, toàn xã trồng khoảng 700 ha mía, thu hoạch dứt điểm thường vào cuối tháng 4, còn vụ mía năm nay kéo dài đến tháng 6. Niên vụ này, với chi phí tăng cao từ chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, trong khi sản lượng mía thấp do bão, chỉ đạt 30-35 tấn/ha, cộng với giá mía thấp, nông dân thua lỗ là cầm chắc.

Tương tự tại huyện Diên Khánh, ai nấy đều thở dài ngao ngán. Do nếm vụ “mía đắng” nên nông dân chẳng mặn mà đầu tư cho vụ mía tiếp theo. Họ cho rằng, nếu việc thu mua mía cứ theo phương thức tại cổng nhà máy thì nông dân luôn bất trắc, thua thiệt.

Trước những khó khăn của nông dân, bà Lương Kim Ngân, Chi cục phó chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Khánh Hòa cho biết, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo về việc ổn định sản xuất mía đường cuối niên vụ 2017 - 2018 và những niên vụ sau.

Theo đó, UBND tỉnh giao các địa phương thống kê chính xác lượng mía nguyên liệu chưa thu hoạch, báo cáo tình trạng chậm hay ngưng thu mua mía của dân. Rà soát các vùng trồng mía năng suất kém, nhất là vùng đồi có độ dốc lớn hơn 10% để xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng khác.  Tuy nhiên bà Ngân gợi ý, việc chuyển đổi cây trồng phải căn cứ vào điều kiện từng vùng về khí hậu, đất và nước, để chuyển đổi cho phù hợp. Sở NN-PTNT sẽ tổng hợp nhu cầu chuyển đổi theo định hướng của tỉnh.

Cũng theo bà Ngân, việc niên vụ đầu tiên công ty CP Đường Việt Nam thay đổi phương thức mua mía từ mua mía tại ruộng sang thu mua tại cổng nhà máy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, phối hợp với hội Nông dân, hiệp hội Mía đường xem xét hợp đồng, tư vấn giúp người trồng mía thuận lợi trong đầu tư niên vụ mới 2018 - 2019.

Đề nghị công ty CP Đường Việt Nam gặp gỡ người trồng mía, kịp thời ghi nhận phản ánh, điều chỉnh hợp lý khâu hỗ trợ vận chuyển và thu hoạch mía. 2 công ty đường trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm ổn định vùng nguyên liệu và thu nhập cho người trồng mía.

Bà Lương Kim Ngân cho biết niên vụ mía 2017-2018, toàn tỉnh Khánh Hòa trồng 18.600 ha mía, đến thời điểm này đã thu hoạch trên 90% diện tích, năng suất 43-45 tấn/ha (giảm 5-7 tấn/ha so với năm ngoái). Bà Ngân cũng thừa nhận, không chỉ năng suất thấp, mà giá thu mua mía của 2 nhà máy đường đều giảm, từ 70-100 ngàn đồng/tấn so với năm ngoái. 

Được biết, giá mua mía nguyên liệu niên vụ mía 2017 - 2018 thấp là do hiệp định thương mại hàng hóa năm 2018 nước ta đã ký kết, theo đó thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam giảm từ 30% xuống còn 5%, nên đường giá rẻ tràn vào gây sức ép lên ngành mía đường nội địa. Giá đường giảm mạnh khiến giá thu mua mía của các công ty cũng giảm theo.

Bán nhà bán đất trả nợ

Không chỉ ở Khánh Hòa, tại Trà Vinh tình hình cũng không khả quan hơn khi nhiều nông dân trồng mía còn phải bán nhà bán đất để trả nợ, tuy nhiên lý do là nhà máy chậm thu mua và chậm trả tiền. Báo Lao Động hôm 4/6 đưa tin.

Khi mía… đắng ngắt! (Hình 3).

Nông dân lao đao vì vụ mía 2016-2017

Theo phản ánh, những ngày qua, nông dân trồng mía huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã cầu cứu chính quyền địa phương can thiệp, yêu cầu nhà máy Mía đường Trà Vinh trả nợ tiền mua mía của dân.

Ông Sơn Đông (xã Kim Sơn, Trà Cú) cho biết, vụ mía này, gia đình ông trồng hơn 1ha, thu hoạch được hơn 40 tấn. Sau khi “chờ dài cổ” được nhà máy thu mua, thì phải chịu thêm cảnh nợ tiền. “Nhà máy mua mía, nhưng 1 tuần mới trả tiền 1 lần, có khi cả tháng. Trong khi vụ mía năm nay, giá bán thấp, chi phí tăng cao, nông dân còn biết bao chi phí phải trang trải, khó khăn thêm chồng chất” - ông Đông nói.

Trước đó, khi nông dân trồng mía bước vào vụ thu hoạch thì bất ngờ, công ty CP mía đường Trà Vinh lấy lý do đang tiến hành cải tạo, nâng công suất nhà máy lên 4.000 tấn mía/ngày. Do quá trình thi công cải tạo gặp trở ngại về thời tiết, kỹ thuật nên tiến độ hoàn thành bị chậm so với kế hoạch, việc thu mua mía cho người dân diễn ra chậm hơn.

Ghi nhận của PV cho thấy, nhiều nông hộ bán mía cho nhà máy đã hơn 3 tháng nay nhưng chỉ nhận được số tiền từ 20 - 30%, thậm chí, nhiều hộ vẫn chưa nhận đồng nào. Trong khi đó, theo hợp đồng cam kết của nhà máy là sẽ thanh toán tiền mua mía của nông dân chỉ từ 3 - 5 ngày.

Một lý do khác khiến vụ mía năm nay khó khăn là do lượng đường tồn kho nhiều. Báo Người Lao Động cho biết, tính đến giữa tháng 4/2018, lượng đường tồn kho trên cả nước là 680.969 tấn, bằng một nửa lượng sản xuất ra.

Ngày 12/5, thông tin từ bộ NN&PTNT, tính đến ngày 15/4, lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến giữa tháng 4 là 680.969 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 37.292 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/3 đến 15/4 là 219.424 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 70.817 tấn.

Sau Tết Nguyên đán, lượng đường tồn kho khá lớn. Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) tồn khoảng 30.000 tấn đường. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh mua "giải cứu" lượng đường tồn kho của công ty Casuco.

ĐBSCL trước kia có 10 nhà máy đường nhưng đến nay có 3 nhà máy đã đóng cửa, phá sản do thua lỗ, không cạnh tranh được và 1 nhà máy tạm ngưng sản xuất nên trong vụ mía 2017-2018.

H.Y (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.