Điều tra viên “ghen” với nghi phạm
Ngày ấy, nghi án bán độ của các cầu thủ U23 lan rộng, báo chí quây quanh huấn luyện viên phó Nguyễn Thụy Hải khi mới từ Philippines về Hà Nội hỏi. Huấn luyện viên này khẳng định: "Ai bán độ, bán độ cho ai?" khiến nhiều người hy vọng mình đã nhầm.
Thế nhưng, lần lượt các cầu thủ bị triệu tập đến cơ quan điều tra với danh sách dài gồm: Văn Quyến, Bật Hiếu, Quốc Vượng, Quốc Anh, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Tấn Tài đã làm cho nghi vấn của dư luận thành hiện thực.
Các cầu thủ U23 bán độ ngày ấy trước vành móng ngựa
Không chỉ chịu sức ép bởi dư luận mà các điều tra viên còn vấp phải tình huống khó xử: Fan hâm mộ các cầu thủ này chẳng ngày nào không tụ tập ở cổng C14 - Bộ Công an để tận mắt nhìn thấy "thần tượng" của mình bằng da bằng thịt và cũng vì tò mò.
Cựu trung trá T cho biết: "Văn Quyến nhiều fan hâm mộ nhất, phần lớn là các cô gái và nhiều cô gái trẻ, xinh". "Chính các chiến sỹ công an làm nhiệm vụ ngày ấy còn cảm thấy chạnh lòng vì Quyến có nhiều cô gái "xin chết" quá, trong khi các chú công an làm việc âm thầm lại chỉ rất ít người biết đến, thậm chí có cô gái nghe đến công an là đã sợ", cựu trung tá T bộc bạch.
Phải khẳng định rằng, ngày đó, Quyến là cầu thủ hot, là chàng trai trong mơ của rất nhiều cô gái mới lớn. Khi người hâm mộ bình thường đã hết sự hiếu kỳ, cánh phóng viên đã về hết vì quá khuya thì các cô gái vẫn chờ để được nhìn thấy Quyến khi công an đưa ra khỏi trụ sở.
Cựu trung tá T nhớ rất rõ, có ít nhất hai lần, hai cô gái khác nhau, nấp ở đâu đó gần cổng trụ sở C14, khi anh từ cổng đi ra, các cô xuất hiện ngay trước mặt, xin rối rít: "Cho cháu gặp anh Quyến chỉ một phút thôi hoặc nhìn thấy mặt để anh ấy biết cháu nhìn anh ấy là được". "Vì sao các cô gái chỉ xin anh mà không xin đồng nghiệp khác của anh?", tôi thắc mắc. Anh T trả lời: "Chắc họ theo dõi, thấy tôi đi với Quyến là chính nên mới xin".
Người con gái bí ẩn của Văn Quyến
Cựu trung tá T khẳng định: Thời gian đầu, bị triệu tập lên cơ quan điều tra, Quyến rất cứng đầu, thể hiện chiến thuật im lặng là vàng. Hỏi gì Quyến cũng không biết, rồi lại im lặng. Hình như có ai đó tư vấn trước cho Quyến cách đối phó với cơ quan công an thì phải. Đưa cho Quyến tờ giấy, Quyến chẳng viết gì cả. Lúc đưa là tờ giấy trắng thì lúc nộp lại cũng là giấy trắng. Quyến bảo rằng "cháu chẳng biết viết gì, vì chẳng biết gì để viết. Các chú hỏi toàn những chuyện cháu thấy xa lạ với mình".
Được cái, Quyến rất lễ phép, một thưa, hai dạ chứ không hề trả lời trống không như một vài cầu thủ lớn tuổi khác. Quyến không trả lời câu hỏi thì im lặng, cười chứ không hỏi vặn lại câu hỏi của điều tra viên.
Chuyên án không tiến triển, anh cùng đồng đội phải tìm ra hướng đột phá là đánh vào tình cảm. Hỏi mãi thấy không hiệu quả, quay sang tâm sự chú cháu, tâm sự như hai người đàn ông với nhau. Thế là Quyến bộc bạch về tình yêu.
Quyến thừa nhận với điều tra viên rằng: Rất nhiều cô gái xinh xắn, ngoan ngoãn đến với mình bằng tình cảm chân thành, trong đó không ít những cô gia đình giàu có. Nhưng Quyến chỉ yêu một cô gái xinh xắn, hiền dịu, gia cảnh bình thường. Quyến kể rằng, cô gái này đã chia sẻ, cảm thông và hiểu Quyến nhất nên Quyến yêu.
Khi đó anh T hỏi rằng: "Trong số những cô gái hâm mộ, thường xuyên đứng ở cổng cơ quan điều tra ngóng tìm hình bóng Quyến, có người yêu của Quyến không?". Quyến thành thật trả lời, lần thứ hai ra Hà Nội theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, cô gái ấy có đi cùng Quyến đến cổng C14 rồi khóc và quay về ngay. Cứ theo mạch cảm xúc của những tâm tư, anh T biết, Quyến dành nhiều tình cảm chân thành cho cô gái đó.
Và từ đó, phương án bắt Quyến khai đã được lên kế hoạch. Trinh sát đã về quê, đón cô gái Quyến yêu lên C14, làm công tác tư tưởng với cô gái rất kỹ để cô gái động viên Quyến khai ra những việc làm sai trái của mình. Cuộc gặp gỡ bất ngờ của đôi trai gái yêu nhau có cả nước mắt, nỗi đau, nỗi ân hận và sự dằn vặt. Cô gái mảnh mai ấy đã có sức mạnh kỳ lạ với Quyến. Sau buổi gặp, Quyến đã xin tờ giấy, tự khai tất cả những gì đã biết, đã làm ở Philippines. Và đó là một quyết định đúng đắn, để bây giờ Văn Quyến đã trở lại với sân bóng, được người hâm mộ cả nước bỏ qua những lỗi lầm.
Đối mặt công lý, mỗi người một thái độ
Nói chuyện với tôi, cựu trung tá T nói rằng trong suốt quá trình điều tra vụ việc, anh cứ băn khoăn mãi với câu hỏi: “Các cầu thủ tham gia bán độ còn non dại, nhận thức chưa đầy đủ hay thèm tiền quá?” Và câu hỏi đó vẫn đeo đẳng đến bây giờ, chưa tìm được câu trả lời.
Bởi khi đó, theo như Quyến khai đã nhận 20 triệu đồng cho trận độ bóng với Myanmar. Quyến giải thích rằng, độ thắng, chứ có bán độ thua đâu mà phạm tội. Khi được giải thích, Quyến hiểu ra nhưng vẫn băn khoăn rằng, thắng mà được thêm tiền, kiểu như tiền thưởng để bớt khó khăn thì tốt chứ sao? Anh T hỏi: Quyến giải thích thế nào khi Tài Em được mời đến bàn luận, biết chuyện đã bỏ ra khỏi phòng, báo cáo lãnh đạo đội bóng? Quyến im lặng. Trong số các cầu thủ bán độ, Quyến nhận nhiều nhất là 20 triệu, còn lại các cầu thủ khác nhận ít hơn, có cầu thủ thì chưa cầm một đồng nào đã bị triệu tập đến cơ quan công an.
Thông tin về các cầu thủ U23 bán độ ngày ấy, dư luận biết được phần lớn qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều người trách rằng: Mấy ông công an quá thể, làm khổ bọn trẻ (tức cầu thủ trẻ) chúng nó tội tình gì đâu mà nay triệu tập, mai gọi đến cơ quan điều tra để chúng nó sợ, tâm trí đâu mà bóng bánh nữa đây.
Những dư luận đó, những người thực hiện chuyên án đều biết, điều hiểu nhưng là công việc thì phải làm và làm cho đúng. Anh T thừa nhận: Lực lượng fan của bóng đá hùng hậu lắm, nếu không nghi binh thì chẳng thể thực hiện công việc theo tiến độ.
Sau khi Quyến bị tạm giam, lần lượt các cầu thủ khác bị triệu tập, bị lấy lời khai và tạm giam. Hôm giải Quốc Anh, Phước Vĩnh về trại tạm giam, suýt bị báo chí quây như lần họ chạy theo xe thùng đưa Văn Quyến đi. "Quả thực, cũng là công việc, nhưng thấy anh em báo chí bám theo xe như thế, cũng thấy ái ngại", cựu trung tá T nói.
Theo anh T, các anh em cùng thực hiện chuyên án được chứng kiến các kiểu thái độ khác nhau của các cầu thủ ở cơ quan điều tra. Nếu như Văn Quyến chỉ im lặng, cười rồi khai thì Quốc Anh, Phước vĩnh lại khóc và rất run. Văn Trương ngày ấy đáng thương nhất, vừa cưới vợ được 3 hôm đã phải đến cơ quan điều tra trình diện theo giấy triệu tập. Văn Trương chưa nhận tiền bán độ.
Quốc Vượng "lỳ" nhất, chẳng khai báo gì cả, thái độ thì cứ như không có chuyện gì xảy ra, chẳng liên quan đến mình. Khi các điều tra viên công bố lời khai của các cầu thủ khác, Vượng có thay đổi sắc mặt đôi chút. Sau đó 2 hôm, Vượng mới nhận tội nhưng bản nhận tội của Vượng thì sơ sài, chẳng có đầu, cũng không có cuối.
"Nhưng rất may, giờ các cầu thủ đã sửa chữa sai lầm và quay trở lại với cuộc sống. Đó là điều mà những người làm án như chúng tôi mong muốn. Pháp luật trừng phạt là để người phạm tội thấy rõ lỗi lầm và sửa chữa", cựu trung tá T bộc bạch.
Cựu trung tá T kể, cùng chuyên án này còn có trọng tài Lương Trung Việt, chỉ vì nhận 2 triệu đồng trong lúc thi hành công vụ mà cũng phải trả giá là ngồi tù. Thực chất, mấu chốt của những vết chàm của bóng đá ngày ấy bắt nguồn thì sự xuống cấp đạo đức của một số cựu cầu thủ như Trương Tấn Hải (đội Cảng Sài Gòn), Nguyễn Phi Hùng (đội Sông Lam Nghệ An)...
Họ là những người bạn của nhau, thích làm ăn không chính đáng, móc nối với một đối tượng là trùm cá độ bóng đá, cờ bạc ở TP. Hồ Chí Minh tên là Lý Quốc Kỳ (sinh 1970, trú tại phường 18, quận 4, TP.Hồ Chí Minh) rồi dùng tiền rủ rê cầu thủ trẻ vào vòng lao lý. Sau đó, Kỳ đã bỏ trốn, bị cảnh sát truy nã.
Vũ Hoàng