Quan họ là "máu" trong người
Đặng Xá (Đương Xá), phường Vạn An, TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), là một trong số ít những làng có phong trào lưu giữ, phục hồi quan họ cổ tốt nhất của tỉnh. Để "giữ lửa" thắp sáng quan họ cổ Đặng Xá, người được nhắc đến với vai trò tiên phong là bà Nguyễn Thị Kim Quýnh. Bà đã bước sang tuổi ngoại lục tuần, nước da tuy đã kém phần căng mượt, thay vào đó là những nếp nhăn của tuổi tác nhưng đôi mắt thì vẫn nguyên cái lúng liếng thăm thẳm của một liền chị khiến người đối diện phải say lòng. Bà nhỏ nhẹ nói với tôi bằng giọng rất tự hào: "Theo lối quan họ cổ thì nhà tôi được coi là "nhà chứa" đấy. Bây giờ, cả làng thường tập trung về nhà tôi để hát và truyền dạy quan họ".
Quê gốc của bà ở làng quan họ Xuân Hội (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Ngay từ nhỏ, bà đã được theo cha mẹ và các cô, bác trong nhà (đều là những người có giọng hát quan họ nổi tiếng trong làng- PV) đi hát giao lưu với các làng khác. Bởi thế, đến bây giờ bà cũng chẳng nhớ nổi mình đã bắt đầu hát quan họ từ khi nào. Như đứa trẻ con đến tuổi thì biết nói, trẻ con ở làng bà, ngày ấy, cứ lớn lên biết hát ê a là hát dân ca quan họ. Như một lẽ tự nhiên, việc hát quan họ đối với bà cũng như máu nuôi sống cơ thể con người. Bà chưa theo học một lớp đào tạo quan họ chính thống nào, cũng chưa bao giờ tham gia vào một cơ quan đoàn thể chuyên hát dân ca quan họ. Bà không phải là một nghệ sĩ được Nhà nước vinh danh, nhưng tự trong lòng mỗi liền anh liền chị quan họ ở mảnh đất Kinh Bắc ngàn năm văn hiến này, không ai không biết đến bà với vai trò như một người thầy. Người trong làng thì luôn coi bà là một nghệ sĩ thực thụ, nghệ sĩ của nhân dân Đặng Xá.
Khi lớn lên, gặp buổi đất nước chiến tranh, bà chọn trường Y Hà Bắc (cũ), học tập, rồi về làm việc tại viện Quân y 110. Công tác tại đây, cô gái miền quan họ đã tận dụng cái vốn sẵn có trong con người mình để giúp thương binh quên đi nỗi đau, cố gắng chiến thắng mọi bệnh tật.
Bà Nguyễn Thị Kim Quýnh, người phục dựng quan họ cổ Đặng Xá, Bắc Ninh
Bị gọi là "hâm"vẫn say quan họ cổ
Cũng những ngày tháng trong quân ngũ, bà đã gặp được ý trung nhân của cuộc đời mình. Những làn điệu dân ca quan họ như sợi tơ hồng mang đến hạnh phúc viên mãn cho cuộc đời bà. Đều là những chiến sĩ của thời đại chống Mỹ cứu nước oanh liệt, vậy mà khi về hưu, hai vợ chồng bà đã từng bị gọi là "hâm" chỉ vì những ước muốn bị cho là… đi ngược với thời cuộc. Nhắc đến kỷ niệm này, bà Quýnh khẽ mỉm cười, đưa ánh mắt chất chứa nỗi nhớ lên di ảnh người chồng trên ban thờ. Bà Quýnh nghẹn ngào: "Nếu không có ông ấy chung một "chiến hào" thì tôi cũng không dám "xông pha" trên đầu "trận tuyến" như vậy đâu".
Rồi bà hồi tưởng những ngày của hơn 40 năm trước, khi bà mới chân ướt chân ráo theo chồng về Đặng Xá làm dâu. Cuộc sống vất vả nhưng với tâm hồn của một liền chị quan họ, bà vô tình biết quê hương chồng trước đây là một làng quan họ cổ gốc. Vốn yêu đến say quan họ, bà thấy tiếc, thấy đau lòng như mất đi một phần cơ thể mình khi làng quan họ cổ xưa nay đã không còn. Nhiều năm sau đó, vì cuộc sống khó khăn phải mải lo làm kinh tế, nhưng bà vẫn không thôi ý định muốn phục dựng lại truyền thống của làng.
Được biết, xưa, làng Đặng Xá là một trong 49 làng quan họ cổ từ những ngày đầu Bà Chúa quan họ gây dựng. Nhưng gần một thế kỷ do chiến tranh tàn phá và cuộc sống khó khăn, người trong làng đã dần để cho những câu hát quan họ trôi vào quên lãng. Rồi chẳng ai còn nhớ làng mình là làng quan họ cổ nữa. Trong suốt thời gian dài đó, cũng không có ai khơi lại mạch nguồn quan họ đã có tự ngàn đời. Bởi thế, lúc tuổi về hưu, bà Quýnh đã bàn với chồng ý định khôi phục lại những câu hát quan họ cổ xưa ngay tại làng mình.
Tuy nhiên, mọi việc khó khăn hơn ông bà nghĩ rất nhiều. Họ bị cho là vợ chồng "hâm", về hưu "thừa tiền rửng mỡ, bày trò". Những người không hiểu biết nói vậy đã đành, ngay cả đến những người có chức có quyền trong làng xã lúc bấy giờ cũng coi ý định của hai ông bà là "điên rồ, gàn dở". Không có được sự đồng tình ủng hộ, người nói vào thì ít mà người nói ra thì nhiều, đã có lúc bà thấy nản lòng nhưng chồng đã động viên và luôn duy trì tinh thần người lính cho vợ: "Chỉ có tiến, không có lùi".
Không nhờ đến chính quyền nữa, họ âm thầm đến từng gia đình trong làng trò chuyện, tâm sự và tìm hiểu về sức sống của quan họ cổ trong mỗi gia đình. Rồi ông bà bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình. Có những khi, chưa kịp bước ra khỏi cửa, ông bà đã nghe thấy những lời không hay của con cháu họ, cho rằng hai ông bà già rồi không có việc gì để làm. Cũng có những người hôm trước nói chuyện thì đồng ý, tỏ ra rất ủng hộ nhưng ngay hôm sau đã nói không tốt về ông bà.
Thế nhưng, trong suốt hai năm, kiên trì với những buổi gặp mặt tại nhà cùng nhau hát quan họ, ông bà đã đạt được nguyện vọng. Ban đầu một hai người tìm đến nhà để cùng hát quan họ cổ với ông bà. Rồi số lượng cứ tăng dần lên, có những lúc ngôi nhà nhỏ không đủ sức cho cả năm, sáu chục người đến cùng một buổi tối.
Tuy yêu quan họ, hát được quan họ cổ, có thể viết làn điệu và cũng có thể truyền dạy quan họ cổ cho người khác nhưng để tạo lòng tin và hứng khởi cho người dân trong làng, ông bà đã phải bỏ tiền túi của mình ra để mời những liền anh, liền chị quan họ có tiếng về nhà mình truyền dạy cho những lớp quan họ mà ông bà tập hợp được. Ban đầu là lớp người đã về hưu, rồi những lớp thanh niên, trung niên. Bây giờ, có cả những lớp mầm non thường xuyên sinh hoạt tại câu lạc bộ do chính bà quản lý ngay tại nhà mình. Nhiều năm qua, câu lạc bộ hát quan họ Đặng Xá đã vinh dự nhận nhiều giấy khen của tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong những làng phát triển mạnh trong việc phục dựng, gìn giữ quan họ cổ.
"Địa chỉ đỏ" của quan họ cổ Đến nay, gia đình bà Quýnh như một "địa chỉ đỏ" của quan họ cổ Đặng Xá. Bà cũng đã được bầu làm chủ nhiệm câu lạc bộ hát quan họ làng Đặng Xá hoạt động giao lưu với các làng quan họ khắp địa bàn tỉnh. Con trai, con dâu bà đều theo nghiệp hát dân ca quan họ. Cháu nội của bà đang là chủ nhiệm câu lạc bộ quan họ măng non của tỉnh Bắc Ninh. Đó là những phần thưởng mà bà Quýnh cảm thấy tự hào và xứng đáng nhất với những cố gắng của cả hai vợ chồng bà. |
Dương Thu