Ngày 12/4, tại cuộc họp tổng kết công tác 3 tháng đầu năm của bộ VH,TT&DL, ông Đào Đăng Hoàn – Cục phó cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) cho biết: “Ngày 22/3/2017, cục NTBD đã gửi tất cả các sở Văn hóa địa phương thu hồi 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 (Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) – PV). Việc thu hồi này dựa theo Công ước Berne, Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định. Những ca khúc này ra đời trước năm 1975 khi đất nước đang hết sức khó khăn nên chưa có điều kiện thẩm định cấp phép.
Có người nói rằng, cục NTBD nên lập một danh sách các bài hát bị cấm lưu hành thay vì việc khi nào biểu diễn thì bài hát mới được cấp phép. Nhưng, chúng tôi cho rằng, việc này không khả quan vì không biết bài nào để cấp, bởi có quá nhiều sáng tác. Vậy nên, phải thông qua danh sách xin cấp phép ở những nơi biểu diễn thì chúng tôi mới thẩm định để cấp phép lưu hành”.
"Về 5 bài hát bị tạm dừng phát hành, chúng tôi vẫn phải thu thập thêm các tư liệu về lời bài hát gốc, về tác giả để xem xét. Như bài hát Đừng gọi anh bằng chú có phải là của tác giả Diên An đâu, mà là của tác giả khác. Chúng tôi sẽ tập hợp tư liệu để trình lên bộ VH,TT&DL. Còn về các bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì phải có đơn vị làm đơn xin cấp phép, chúng tôi mới làm các thủ tục cho lưu hành ca khúc. Chúng tôi không tự cấp phép được" – ông Đăng Hoàn bộc bạch.
Khi được hỏi: Liệu cục NTBD có tồn tại cơ chế xin – cho hay không, khi mà việc cấp phép phổ biến dường như vẫn chưa có cơ chế một cửa thông thoáng? Ông Đào Đăng Hoàn cho biết thêm: “Chúng tôi không đồng ý với ý kiến nói cục NTBD đang tồn tại cơ chế xin – cho. Vậy là chúng tôi đang “cửa quyền”, tiêu cực sao? Chúng tôi đang thực hiện đúng pháp luật, theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ. Cục NTBD tuân thủ theo thời gian cấp phép, chất lượng bài hát chứ không có gì là xin – cho ở đây, đó là chế độ 1 cửa chứ. Khi cấp phép lưu hành ca khúc, các tác giả đều bình đẳng như nhau, cứ tác phẩm có chất lượng tốt là được thông qua thôi”.
Sáng 12/4, cục NTBD đã có văn bản cấp phép phổ biến trên toàn quốc cho ca khúc Nối vòng tay lớn của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn dựa trên đề nghị kèm hồ sơ của trường đại học Y dược Huế, biên bản thẩm định của Hội đồng nghệ thuật ngày 11/4/2017 và đề nghị của Trưởng phòng Quản lý Băng đĩa.
Tuy nhiên, thực tế thì vẫn còn 3 ca khúc khác của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn là Ca dao mẹ, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ vẫn chưa được cấp phép phổ biến, dù 3 ca khúc này cũng đã ra từng xuất hiện trong rất nhiều chương trình âm nhạc chính thống và một số sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ Việt.
Trước câu hỏi: Bao giờ 3 ca khúc Ca dao mẹ, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ mới được cấp phép lưu hành?”, ông Lê Minh Tuấn cục Phó cục NTBD cho biết: "Việc 3 ca khúc này chưa có trong danh mục ca khúc được cấp phép phổ biến là vì chưa có tổ chức hoặc cá nhân nào làm thủ tục xin cấp phép theo đúng quy định của pháp luật. Và khi đề cập đến quy định của pháp luật, Cục NTBD không thể làm khác đi được...".
Xem thêm:>>> Sau ồn ào, cục NTBD bất ngờ cấp phép ca khúc 'Nối vòng tay lớn'
Lạc Thành