Bạn đọc hỏi:
Tôi có câu hỏi về quyền nuôi con sau khi ly hôn. Rất mong nhận được câu trả lời.
Vợ chồng tôi có con trai 23 tháng tuổi. Do mẫu thuẫn gia đình, vợ tôi đã bế con về nhà ngoại ở đã được gần 1 tháng và cũng đang có ý định ly hôn với tôi.
Theo như tôi được biết thì con dưới 36 tháng tuổi thì quyền nuôi con thuộc về mẹ. Nhưng trong trường hợp của tôi, vợ tôi có bằng đại học nhưng chưa có công việc và thu nhập ổn định, mọi chi phí từ trước đều do tôi và gia đình bên nội lo.
Còn tôi là kỹ sư điện có công việc ổn định (có hợp đồng không xác định thời hạn) với 1 tập đoàn kinh tế. Thu nhập ổn định, làm việc 8 giờ/ngày và 5 ngày/1 tuần, có thể xin nghỉ 1 ngày rất dễ dàng. Hiện nay tôi ở với bố mẹ tôi (tôi là con trai duy nhất, tôi có 1 chị gái đã lấy chồng và có nhà riêng). Gia đình vợ tôi ở thành phố, còn gia đình tôi ở nông thôn, bố mẹ tôi là cán bộ đã về hưu và chị gái tôi tốt nghiệp đại Học.
Vậy với những điều kiện như vậy tôi có giành được quyền nuôi con sau khi ly hôn không? Tỉ lệ giành được quyền nuôi con là bao nhiêu phần trăm?
H.H (nguyenhuuhanh1982@...)
Luật sư trả lời:
Theo quy định của pháp luật, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều như vậy, trong trường người chồng chứng minh được khả năng đảm bảo tốt hơn về điều kiện vật chất và tinh thần cho con thì vẫn có thể giành được quyền nuôi con sau ly hôn.
Trong trường hợp của bạn, để giành quyền nuôi con, bạn nên áp dụng các phương án sau:
Phương án 1, thỏa thuận.
Thỏa thuận được xem là phương pháp tối ưu hàng đầu, tránh tranh chấp xung đột quyền lợi, vừa đảm bảo điều kiện tốt hơn cho con, vừa để thủ tục ly hôn trở nên đơn giản, nhanh chóng.
Phương án 2, chứng minh khả năng nuôi con của người cha và chứng minh người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng con.
Nếu phương án 1 thất bại, gia đình bạn vẫn cương quyết muốn nuôi con vì có cơ sở cho rằng nếu con ở với bạn sẽ nhận được sự quan tâm tốt nhất, sự đảm bảo về vật chất, tinh thần tốt nhất thì việc bạn cần làm lúc này là:
Chứng minh những lợi thế về mặt vật chất và tinh thần vượt trội hơn so với vợ:
+ Có công việc ổn định và mức lương tốt đảm bảo điều kiện tốt cho con.
+ Có chỗ ở ổn định, hợp pháp.
+ Có thể dành thời gian chơi với con, cho con sống trong một môi trường sống tốt về giáo dục, vui chơi, giải trí.
+ Bé có ông bà trông nom, nhận được nhiều sự quan tâm, chăm sóc.
+ Bố có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh đảm bảo một nền tảng giáo dục tốt cho con cái.
Để chứng minh được điều này, bạn phải có hợp đồng lao động, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và những tài sản khác....
Ngoài ra bạn cũng cần chứng minh được người vợ không đủ khả năng để đảm bảo đời sống tốt cho con.
Theo những gì bạn trình bày thì vợ bạn cũng đã tốt nghiệp đại học, có trình độ học vấn, có khả năng lao động... Mặt khác, nếu vợ bạn nuôi con thì bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng một khoản tiền hợp lý để hỗ trợ vợ nuôi con nhỏ. Cho nên, với những điều kiện như vậy thì khả năng lớn là toà án vẫn sẽ giao con cho vợ bạn chăm sóc, nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, đến khi con anh từ đủ 36 tháng tuổi trở lên anh có quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con. Lúc đó, tòa sẽ dựa vào xem xét thực tế mọi tiêu chí để giải quyết việc ai là người trực tiếp nuôi con.
Trên đây là ý kiến tư vấn liên quan đến câu hỏi của bạn dựa trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hi vọng ý kiến tư vấn sẽ hữu ích cho bạn.
Hoàng Mai