Đăng đàn trả lời chất vấn sáng 18/4 về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nhận được rất nhiều chất vấn của các ĐBQH từ 63 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận được một loạt chất vấn từ các ĐBQH: Vũ Trọng Kim (Hải Dương); Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang); Đinh Duy Vượt (Gia Lai); Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ); Lý Tiết Hạnh (Bình Định)... đặt câu hỏi về vấn đề: Giải quyết chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong (đã hy sinh, bị thương); giải pháp gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên ra trường; trách nhiệm giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên ra trường của cơ sở đào tạo; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề; giải pháp giải quyết chế độ đối với người có công (do thất lạc hồ sơ gốc); giải pháp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ; giải pháp đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác minh thông tin liệt sĩ...
Đáng chú ý, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé đã thẳng thắn hỏi một câu từ đầu cầu Kiên Giang: “Xin Bộ trưởng cho biết, khi nào giải quyết dứt điểm đào tạo lãng phí nhân lực như hiện nay?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Tình trạng thất nghiệp không phải chỉ Việt Nam mà nước nào cũng có. Nhưng không phải tất cả các nước đều giải quyết được. Kể cả một số nước tiên tiến, đào tạo nghề tốt như Đức, tỉ lệ này vẫn rất cao”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Bộ sẽ cố gắng ở mức cao nhất với quyết tâm chính trị cao nhất để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên ra trường”.
Về quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng cho biết, bên cạnh những việc đã làm được còn tình trạng xây dựng cơ sở đào tạo không gắn với thị trường dẫn tới cơ sở đào tạo "đắp chiếu", lãng phí; thiết bị mua nhưng không sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp; nhiều nghề được đầu tư không tuyển sinh được...
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ đang triển khai rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới đào tạo nghề; không lập mới các cơ sở công lập không cam kết tự chủ (trừ những nơi trọng điểm); khuyến khích các cơ sở đào tạo tư thục; sắp xếp lại các trung tâm ở cấp huyện (dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp tổng hợp) để tận dụng tối đa công suất phù hợp với địa phương; xử lý các cơ sở đào tạo yếu kém; đào tạo nghề cho khu vực nông thôn phù hợp với thực tế địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời khắc phục các hạn chế, sai phạm; phát huy vai trò chủ động của các cơ quan chủ quản...
Về giải quyết chế độ đối với thanh niên xung phong mà ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đã đặt ra trước đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc đề ra và thực thi chính sách đối với thanh niên xung phong, Chính phủ giao bộ Nội vụ chủ trì, bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp chặt chẽ với bộ Nội vụ để xây dựng chính sách.
Việc giải quyết chính sách còn tồn đọng đối với thanh niên xung phong được bộ LĐTB&XH quan tâm đặc biệt. Thời gian qua, hàng vạn thanh niên xung phong đã được công nhận là thương binh, liệt sĩ... thân nhân của các đối tượng này đã được hưởng chính sách của Nhà nước.
“Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với hội Thanh niên xung phong rà soát đánh giá tổng thể, thống nhất về số liệu đối tượng chính sách; tập trung giải quyết dứt điểm, chính xác các hồ sơ đang còn tồn đọng’, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Dương Thu (ghi)