Thành lập năm 1993, tiền thân là Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang, đến nay đã hơn 3 thập kỷ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và hơn 2 thập kỷ ghi tên trong ngành gạo Việt Nam với nhiều dấu ấn.
Từ lãi trăm tỷ… đến nợ nần tiền lúa
6 năm trên sàn chứng khoán, từ năm 2017-2018, doanh thu của Lộc Trời chạm đỉnh với mốc 9.031 tỷ đồng vào năm 2018; lợi nhuận đi ngang quanh khoảng 414 tỷ đồng.
Những năm sau đó, tình hình kinh doanh của công ty ghi nhận nhiều sự sụt giảm về cả doanh thu và lợi nhuận, song, đến năm 2021 Lộc Trời báo lãi 418 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020; là đỉnh lợi nhuận 6 năm của công ty từ 2015.
Đáng chú ý, năm 2023, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 16.088 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2022. Đây là mức doanh thu cao nhất mà công ty ghi nhận trong lịch sử hoạt động, nhưng cũng chính từ đây, loạt biến cố ập đến, khiến ông lớn ngành lúa gạo ngập trong cảnh khó khăn.
Cuối tháng 3 đầu tháng 4/2024, Lộc Trời này đã dính vào lùm xùm nợ tiền mua lúa của nông dân ở tỉnh An Giang, quá hạn tới hơn 2 tháng với số tiền lên đến gần 500 tỷ đồng.
Sự việc trên đã khiến Lộc Trời vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên ngay sau đó, công ty đã trả nợ tiền lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 với bà con nông dân và chính quyền địa phương khu vực ĐBSCL.
Để hoàn tất nghĩa vụ tất toán tiền lúa, Lộc Trời đã phối hợp với Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Thông qua văn bản thông báo vào tháng 5/2024, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn thay mặt trên 3.000 người Lộc Trời đang đứng trong đội ngũ, gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến bà con nông dân vì sự cố trên.
Trong bối cảnh đó, Lộc Trời chia sẻ, đã thực hiện việc tái cấu trúc tài chính, đối thoại và tìm tiếng nói chung với các đối tác tài chính cùng ngân hàng để tìm ra giải pháp khả thi và hiệu quả, cân đối giữa các nguồn vốn, dòng vốn nhằm ổn định và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của tập đoàn.
Lùm xùm cũ chưa qua, Lộc Trời lại nhận về vô vàn ý kiến trái chiều sau khi thông báo trúng thầu 60.000 tấn gạo xuất khẩu vào Indonesia - thấp nhất trong các doanh nghiệp dự thầu, thậm chí thấp hơn cả mức giá chào mua của Indonesia.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, xuất khẩu gạo Việt Nam hạ giá xuống thấp để trúng thầu xuất khẩu gạo sẽ đem lại nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh hạt gạo cũng như tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp…
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát thông tin về tình trạng doanh nghiệp Việt hạ giá gạo để trúng thầu xuất khẩu sang thị trường Indonesia.
Những khó khăn chưa dứt của Lộc Trời
Quay trở lại với bức tranh tài chính của Lộc Trời, quý I/2024, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.848 tỷ đồng, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm 2023.
Dù doanh thu tăng nhanh nhưng không bằng biên độ tăng của giá vốn hàng bán dẫn đến lợi nhuận gộp của công ty giảm gần 10% xuống còn 245 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, Lộc Trời lỗ hơn 96 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng so với số lỗ 81 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.
Giải trình về nguyên nhân thua lỗ, đại diện Lộc Trời cho biết để thu mua gạo và chế biến, xuất khẩu, doanh nghiệp phải ứng trước tiền sản xuất, giống... cho nông dân với lãi suất 0%. Trong khi doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng với lãi cao và lỗ tỉ giá trong giai đoạn thị trường vốn khó khăn.
Theo Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo Lộc Trời cho biết sẽ mất vài năm để vực dậy trong bối cảnh đối mặt nhiều khó khăn và vướng các lùm xùm về kinh doanh.
Tưởng chừng khó khăn đã vơi đi, Lộc Trời mới đây đã xin tạm hoãn công bố BCTC quý II/2024. Nguyên nhân là do công ty gặp phải một số sự kiện bất khả kháng dẫn tới chưa thể công bố báo cáo đúng thời hạn.
Cụ thể, Lộc Trời thông tin rằng đang gặp phải một số sự kiện bất khả kháng, cần phải tăng cường ổn định dòng vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, toàn bộ công ty phải tập trung vào việc xử lý các vấn đề tài chính trước mắt.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Lộc Trời được tổ chức muộn hơn các năm trước. Hơn nữa, Lộc Trời gặp phải một số biến động nhân sự, thay đổi một số nhân sự chủ chốt, việc này đã ảnh hưởng đến tiến độ tổng hợp, cung cấp số liệu để hoàn thiện báo cáo tài chính quý II đúng thời hạn theo quy định.
Chưa dừng lại ở đó, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, Lộc Trời đã miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Duy Thuận kể từ ngày 15/7. Vị này cũng không còn là người đại diện theo pháp luật cho công ty.
Trong thư ngỏ thông báo về việc thay đổi nhân sự chủ chốt, ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ Tập đoàn Lộc Trời vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và mong nhận được sự hỗ trợ của các bên, đặc biệt là các ngân hàng nhằm giúp tập đoàn có đủ tiềm lực tài chính, ổn định lại sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo thật bền vững.
"Sau khi ổn định nhân sự, ổn định sản xuất kinh doanh hiệu quả, chúng tôi sẽ hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ đối với tất cả quý vị đúng theo quy định của pháp luật hiện hành", Chủ tịch Lộc Trời nhấn mạnh.