Mới đây, TAND tỉnh P. đã mở phiên xử phúc thẩm vụ “tranh chấp tài sản gắn liền quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông PVL và bị đơn là ông PVT do ông T. có đơn kháng cáo.
Xin đổi thẩm phán
Tại phiên tòa phúc thẩm này, ngay trong phần thủ tục đã xuất hiện một tình huống pháp lý đáng chú ý: Ông T. đề nghị xem xét lại thành viên HĐXX phúc thẩm vì có một thẩm phán trước đây từng công tác tại tòa sơ thẩm, được phân công giải quyết vụ án. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, vị thẩm phán này đã ban hành quyết định tạm đình chỉ vụ án. Sau đó vụ án được phục hồi và được phân công cho một thẩm phán khác xét xử sơ thẩm…
Theo ông T., trong trường hợp này, tòa phúc thẩm cần phải xem xét thay đổi thẩm phán để đảm bảo tính khách quan, vô tư khi xét xử và không vi phạm tố tụng. Sau khi vào hội ý, cuối cùng HĐXX phúc thẩm đã quyết định hoãn phiên tòa để thay đổi vị thẩm phán này.
Hướng dẫn chưa chặt chẽ?
Khoản 3 Điều 47 BLTTDS quy định thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án đó. Trong vụ án trên, thẩm phán chỉ mới tiến hành tố tụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, sau đó ra quyết định tạm đình chỉ. Vậy thẩm phán có thuộc trường hợp bắt buộc phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi hay không?
Chúng tôi đã trao đổi với nhiều đồng nghiệp và nhận được những quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng trong trường hợp này thẩm phán vẫn có quyền tiến hành tố tụng, tức tham gia xét xử phúc thẩm. Bởi lẽ theo Phần II Mục 1 Tiểu mục 3.2 Nghị quyết 01/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn về khoản 3 Điều 47 BLTTDS), “đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm”... được hiểu là đã tham gia giải quyết vụ án và đã ra bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm hoặc quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định đình chỉ vụ án. Ở đây, thẩm phán có tham gia giải quyết án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm nhưng chỉ ra quyết định tạm đình chỉ, sau đó không tham gia nữa nên không thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi.
Quan điểm thứ hai thì ngược lại, cho rằng hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chưa thật chặt chẽ bởi thẩm phán rõ ràng đã tham gia vào giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án. Cho dù thẩm phán không tiến hành tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm, không ra bản án, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định đình chỉ vụ án nhưng về bản chất thì cũng không có gì khác nhau.
Nếu hiểu đúng tinh thần của điều luật thì trong trường hợp này, thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi để đảm bảo sự khách quan, vô tư. Cũng chính vì cân nhắc như thế mà cuối cùng, HĐXX phúc thẩm ở vụ kiện nói trên đã quyết định hoãn phiên tòa để thay đổi thẩm phán.
Theo luồng quan điểm này, nên chăng Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên hướng dẫn lại cho chặt chẽ hơn. Đó là nên hiểu tình tiết “đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm”... là có tham gia giải quyết vụ án và ra các quyết định tố tụng nói chung chứ không chỉ là ra bản án, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hay quyết định đình chỉ vụ án.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa (Pháp luật TP HCM)