Ngày 5-7, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở lại phiên xử phúc thẩm lần hai vụ Ngô Quang Trưởng (còn có tên là Ngô Quang Chướng, giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải, huyện Hóc Môn) phạm tội giết người.
Trước đây, năm 2011, xử phúc thẩm lần đầu, tòa này từng tuyên y án tù chung thân đối với Trưởng. Nhưng sau đó, theo kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã quyết định hủy bản án này để xét xử phúc thẩm lại theo hướng tăng án đối với Trưởng từ chung thân lên tử hình.
Hoãn xử vì thiếu bác sĩ chuyên môn
Tại phiên xử hôm qua, Trưởng được các cán bộ trại giam áp giải đến phiên xử bằng cáng cứu thương, sức khỏe có vẻ rất kém. Theo giấy xác nhận của bác sĩ trại giam Chí Hòa, bị cáo bị “xơ gan” giai đoạn cuối, không đi lại bình thường được, phải ngồi xe lăn.
Cán bộ dẫn giải khiêng bị cáo Trưởng trở lại trại giam sau khi tòa hoãn xử.
Theo tòa phúc thẩm, giấy xác nhận của bác sĩ không đóng dấu của trại giam nên chưa đủ cơ sở pháp lý để nhìn nhận chính xác tình trạng sức khỏe bị cáo nhằm quyết định tiếp tục xét xử hay hoãn phiên tòa. Sau khi hội ý, chủ tọa quyết định triệu tập bác sĩ trại giam đang điều trị cho bị cáo đến phiên tòa để xác định tình trạng của bị cáo có đủ sức khỏe tham gia phiên xử hay không (đi theo cảnh sát dẫn giải và bị cáo chỉ có y sĩ). Sau khi chờ hơn 40 phút, cán bộ trại giam báo lại là vị bác sĩ này đã đi công tác nên không thể đến phiên xử theo yêu cầu của tòa.
Trước tình hình đó, chủ tọa thông báo đây là tình huống ngoài ý muốn của hội đồng xét xử. Theo chủ tọa, muốn xét xử vụ án phải đảm bảo đúng luật cả về mặt nội dung lẫn tố tụng. Về mặt tố tụng, phải có người có chuyên môn xác định được tình trạng sức khỏe bị cáo có đủ điều kiện tham gia phiên tòa không. Về mặt nội dung, vụ án có cả kháng nghị lẫn kháng cáo yêu cầu tăng án nên phải thẩm vấn bị cáo về các tình tiết trong hồ sơ để làm rõ. Nếu bị cáo không đảm bảo sức khỏe tham gia phiên tòa mà vẫn tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo thì sẽ gây bất lợi cho bị cáo. Vì vậy, tòa muốn nghe ý kiến của các bên về chuyện nên tiếp tục xét xử hay hoãn phiên tòa.
Đại diện VKS, luật sư của bị cáo đều đề nghị hoãn phiên tòa. Luật sư của phía nạn nhân cũng đồng ý là nên hoãn xử nhưng kiến nghị tòa trong lần mở phiên xử sau, ngoài bác sĩ của trại giam thì cũng cần mời thêm một bác sĩ chuyên môn khác.
Riêng vợ của nạn nhân thì bức xúc yêu cầu làm rõ tình trạng sức khỏe của bị cáo Trưởng. Bà cho rằng vụ án đã kéo dài bốn năm chưa xong, gia đình bà đã tốn kém rất nhiều chi phí đi lại từ Bắc vào Nam qua bao lần xét xử. Trong phiên xử ngày 18-6 mới đây liên quan đến vi phạm đất đai tại TAND TP.HCM, sức khỏe của bị cáo vẫn tốt…
Cuối cùng, sau khi hội ý lần hai, chủ tọa tuyên bố hoãn phiên tòa vì không có bác sĩ chuyên môn. Chủ tọa cũng thông báo ở phiên tòa tới đây sẽ làm việc trước với trại giam để có phương án bảo đảm sức khỏe cho bị cáo tham gia phiên tòa.
Nếu tăng án, không thể xử vắng mặt!
Xung quanh tình huống này, một vấn đề pháp lý được đặt ra: Theo quy định, khi sức khỏe của bị cáo không đảm bảo để tham gia phiên xử thì tòa có quyền xét xử vắng mặt bị cáo hay không?
Trao đổi, Thẩm phán Phạm Công Hùng (chủ tọa phiên phúc thẩm trên) cho biết: Khoản 1 Điều 187 BLTTHS quy định bị cáo phải có mặt tại phiên xử theo giấy triệu tập của tòa, nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải theo thủ tục quy định tại Điều 130 bộ luật này; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn tránh thì hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo. Tại điểm c khoản 2 Điều 187 BLTTHS cũng quy định rõ là tòa chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo nếu sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.
Tại phiên xử nói trên, nếu tòa tiếp tục xét xử khi tình trạng sức khỏe của bị cáo không đảm bảo thì sẽ gây bất lợi cho bị cáo trong việc trả lời câu hỏi, tranh tụng, tự bào chữa… Nếu tòa xét xử vắng mặt bị cáo thì vi phạm điểm c khoản 2 Điều 187 BLTTHS vì sự vắng mặt này gây cản trở cho việc xét xử. Chưa kể, theo quy định tại khoản 2 Điều 245 BLHS, tòa chỉ có quyền xét xử vắng mặt bị cáo với điều kiện không được ra bản án hoặc quyết định bất lợi cho bị cáo. Trong khi đó, bị cáo đang bị cả kháng nghị lẫn kháng cáo theo hướng tăng án lên tử hình.
Từng có vụ đến tòa bằng cáng Ngày 20-7-2009, trong phiên xử sơ thẩm của TAND TP Đà Nẵng, bị cáo Trần Văn Thanh (thiếu tướng, nguyên chánh Thanh tra Bộ Công an, bị truy tố về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân) cũng được xe của bệnh viện đưa đến tòa bằng cáng. Trước tình hình này, hội đồng xét xử đã trưng cầu tổ pháp y của phiên tòa tiến hành kiểm tra sức khỏe. Sau khi kiểm tra lâm sàng, cận lâm sàng, đo nhịp tim, huyết áp..., tổ pháp y đã đề nghị đưa ông Thanh về lại bệnh viện để tiếp tục điều trị. Vì vậy, hội đồng xét xử đã tuyên bố hoãn phiên tòa do sức khỏe của ông Thanh không đảm bảo. Quyết định đúng Quyết định hoãn xử của tòa phúc thẩm thể hiện sự thận trọng cần thiết khi việc xét xử có thể theo hướng bất lợi cho bị cáo. Thật ra tình huống này cũng ít khi xảy ra. Việc bị cáo đau ốm đến mức phải nằm cáng, cho dù tinh thần đủ tỉnh táo để trả lời thẩm vấn đi chăng nữa thì cũng nên hoãn xử để chờ sức khỏe của bị cáo hồi phục hẳn. Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM |
Theo Hoàng Yến (Pháp luật TP HCM)