Việt Nam là một trong những nước “mở cửa” khá sớm sau đại dịch Covid-19. Đây là một trong những cơ hội để thu hút khách du lịch. Thế nhưng vẫn luôn có một số “hạt sạn to” khiến du lịch Việt Nam mất điểm trong mắt du khách quốc tế.
Mới đây, một du khách người Úc đã tố nhân viên hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cố tình gây khó khăn để vòi vĩnh. Ở cửa khẩu sân bay Nội Bài, một du khách người Singapore tố cán bộ đòi tiền “tip” khi làm thủ tục xuất cảnh. Trước đó, cũng tại sân bay Nội Bài, một tài xế xe “taxi dù” đã lừa đảo, ăn chặn 1 triệu đồng của một gia đình người Nhật Bản khi chở từ nhà ga T2 sang nhà ga T1.
Các du khách cũng đủ hiểu biết để tự bảo vệ mình. Như trường hợp du khách Nhật Bản bị lừa 1 triệu đồng, họ đã nhanh chóng liên hệ với Phòng An toàn & Kiểm soát chất lượng của sân bay để phản ánh; Còn du khách Singapore thì thông báo cho Bộ ngoại giao Singapore để phản ánh về tình huống của mình để nhận được các hướng dẫn và bảo hộ phù hợp.
Có một điều nhiều người không biết, hiện nay, các công cụ miễn phí như sách Lonely Planet, trang Trip Advisor…cung cấp hướng dẫn rất đầy đủ, chi tiết về các vùng đất (đương nhiên có cả Việt Nam), bao gồm các khó khăn, thuận lợi, chi phí, các khả năng rủi ro…cho những người đam mê du lịch toàn thế giới.
Thế nên, đừng nghĩ rằng, là du khách nước ngoài thì họ “không biết gì” để có thể vòi vĩnh hay lừa đảo là xong. Các hành vi xấu thường sẽ được các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý như một cách xoa dịu và trấn an du khách nhưng những đánh giá, phản ánh, bình luận sẽ tồn tại rất lâu trên mạng internet, nếu nghiêm trọng, có thể trở thành cảnh báo của các nước có công dân du lịch tới Việt Nam. Đây chính là một trở lực trong thu hút các du khách.
Từ nhiều năm qua, vấn đề khách du lịch quay trở lại lần thứ hai, lần thứ ba luôn là một bài toán khó của du lịch Việt Nam. Thống kê từ Tổ chức Du lịch Thế giới Liên hợp quốc (UNWTO) cho thấy, trung bình, số khách quay lại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% - so với con số trung bình trên 80% ở các nước lân cận như Thái Lan, Singapore thì cách nhau quá xa và thực sự phản ánh tính bền vững của ngành công nghiệp không khói này.
Hồi cuối tháng 12/2022, tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, một vấn đề được nêu ra là du lịch quốc tế vào Việt Nam còn nhiều “điểm nghẽn”. “Nghẽn” ở đâu, “nghẽn” thế nào ai cũng thấy, nhưng dường như du lịch ở ta cứ loay hoay mãi khi giải bài toán kéo du khách trở lại.
Và trong khi chờ đợi ý thức của mỗi cá nhân tham gia vào ngành du lịch trở thành đạo đức nghề nghiệp, có lẽ, tới lúc cần tăng cường các chế tài pháp luật để tăng tính răn đe với các hành vi xấu trong ngành dịch vụ, để bát cơm chung khỏi mất ngon chỉ vì những “hạt sạn”.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.