Khóc là một phần của... đời sống con người, nó vừa là nhu cầu tâm lý vừa là bản năng sinh lý. Ai mà chả khóc, không ít thì nhiều, không lâu thì chóng, không công khai thì... bí mật, kiểu “người ngoài cười nụ người trong khóc thầm”, kiểu nuốt nước mắt vào trong... Đau khóc, buồn khóc, vui khóc và sướng cũng có thể khóc... còn tự nhiên khóc tự nhiên cười đích thị là mấy anh vừa ở... Trâu Quỳ ra.
Nhưng nghệ sĩ, họ khóc khác.
Một là họ có rất nhiều người quan tâm, gọi là "phan" hâm mộ. Mà "phan", họ quan tâm tới từng li từng tí của nghệ sĩ. Ăn gì, mặc ra sao, đi xe như thế nào, thậm chí tới... ngủ, mà lại còn ngủ gật nữa, tới thả rông dù không phải ngày No Bra, tới vòng eo bất thường, tới nốt ruồi mới xóa, tới lông mày mới xăm... nói chung là tất tần tật.
Hai là, khi khóc họ hay... livestream hoặc tương tự như thế. Và té ra cái món “trực tiếp” ấy nó lan tỏa nhanh mạnh và bất thường hơn khóc thầm, khóc lén, khóc vùi đầu vào gối rất nhiều.
Mới nhất, hôm kia một cô nghệ sĩ livestream và... khóc, kể về việc cô mua bảo hiểm nhưng... bị lừa. Vòng vo một hồi cô lại bảo không bị lừa mà do cô không đọc kỹ hợp đồng làm cô mất một khoản tiền lớn. Một số báo đưa tin cô mất tới 7 tỷ đồng và phải đóng bảo hiểm tới 74 năm, làm cô lại phải đính chính bla bla...
Trước nữa, nghệ sĩ Trấn Thành cũng khóc. Anh này khóc hay cười rất khó phân biệt vì anh ấy là “danh hài”, nhưng hôm ấy thì anh ấy khóc thật, anh ấy bảo: “Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ rất nhiều. Nếu quý vị thích hào quang thì hãy thử chạm vào nó. Bốn chữ "hào quang rực rỡ" này, ai đã trải qua thì mới biết nó là cái gì”.
Có điều, giữa những hào quang rực rỡ, giữa những “the king”, giữa... Đàm Vĩnh Hưng... mà Trấn Thành khóc được thì dân tình “bèn bảo” anh rất tài, và thấy cái tên mà dân tình đặt cho anh là Thành Cry té ra hợp phết.
Một trong những nghệ sĩ tôi đánh giá là khá... ngoan cường khi không khóc, cương quyết không khóc, là XB. Đầu năm nay anh lên Facebook của mình mắng xéo khán giả khi dám chê chương trình mà anh là diễn viên đóng trong ấy, bị cả xã hội sôi sục lên án nhưng anh vẫn kiên gan trơ như đá vững như đồng, không... khóc, không xin lỗi, không gỡ bài.
Cũng có thể là phim ảnh và sân khấu của chúng ta đạo diễn để cho nhân vật của mình khóc nhiều quá. Khóc vô căn cớ, vô nguồn cơn, vô lý do, vô... trách nhiệm. Cứ bí là bèn khóc, khóc trở thành “cứu cánh” cho diễn xuất, cho xử lý tình huống. Thời trước còn có màn cho diễn viên đốt thuốc liên tục, trước nữa thì là... tắm, chả cơn cớ gì cũng phải tắm phát, không vào nhà tắm với vòi nước phun mưa lên da thịt thì xuống hồ với Bikini bé tí.
Thực ra giới nhà văn nhà thơ cũng rất nhiều người hay khóc, nhưng là họ khóc thật, cảm xúc thật, và đa phần là khóc xong thì họ... xấu hổ. Có người khóc lén, khóc thầm, khóc nhưng cố giấu.
Ngay bản thân tôi cũng nhiều lần khóc, nhưng cố giấu đi, nó là cảm xúc riêng của mình, chứ tồ tồ lên thiên hạ... khóc theo thì nguy. Tôi có lần viết về chuyện chứng kiến ông nhà văn thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, người dày dạn chiến trận, nguyên trợ lý Tổng Bí thư, từng kẹp súng Ak ngồi thuyền oánh nhau giáp lá cà với quân Pol Pot, nhưng đã khóc ào ạt, nức nở, nước mắt nước mũi giàn dụa khi nói về cái chết của nhà thơ Thu Bồn, đàn em của ông.
Nhưng ngay sau đấy, ông ra ngoài rửa mặt rồi quay vào... xin lỗi, ông bảo tôi xúc động quá, các bạn bỏ qua cho, xin lỗi vì đã làm các bạn mất vui, dù những người nghe ông nói cũng đang rất xúc động, có người khóc theo.
Hình như giới nghệ sĩ họ coi việc khóc là khả năng riêng của họ, là sự vượt trội của họ trong việc thăng hoa cảm xúc, vì thế hở ra là họ bèn khóc...
Chưa thấy hãng bảo hiểm mà cô nghệ sĩ nọ livestream để khóc vì “bị lừa” lên tiếng. Nhưng cũng may là, cuối cùng cô ấy cũng nhận ra rằng, lỗi là tại mình, tại mình không đọc kỹ các điều khoản, và nữa, không phải cô ấy mất tiền tỷ như đã nghĩ.
Và hôm qua, báo chí lại đưa tin, cô nghệ sĩ ấy đã làm di chúc ở tuổi... 35. Thực ra chuyện lập di chúc là văn minh, để khỏi phải cãi nhau khi qua đời, và lập ở tuổi nào là quyền của người lập. Nhưng việc báo chí đưa tin lại khác. Một số báo chí nước ta lâu nay luôn có mục về “đời sống nghệ sĩ”, tuốt tuột những gì liên quan tới họ: Ăn ngủ nghỉ yêu đương sinh con đẻ cái mặc kín hở đi lại sinh hoạt chơi bời... đều được quan tâm đưa lên một số tờ báo. Mà, cái danh xưng nghệ sĩ thì rất vô chừng, “cứ cầm mic lên là thành ca sĩ”, danh hiệu lại càng vô chừng hơn nữa, những là sao, danh hài, Diva, ông hoàng, nữ chúa, rồi "thần đồng", "thiên tài", "hoàng tử", "công chúa"...
Và giữa những thứ được quan tâm ấy, có khi nghệ sĩ nghĩ, khóc là sang trọng nhất, bình yên nhất, văn hóa nhất, “nghệ sĩ” nhất...
Và thế là, họ bèn khóc...
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả