"Vệ Nữ ở Việt Nam" là tên cuộc triển lãm mới đây của anh và cố nghệ sĩ cấp tiến Vũ Dân Tân - người từng gây chấn động giới Mỹ thuật Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước, nghệ sĩ đi đầu trong hoạt động nghệ thuật Việt Nam hậu Đổi mới. Triển lãm trưng bày những tác phẩm thể hiện cái nhìn về phụ nữ, về cái đẹp bằng chất liệu phi chính thống là bìa các tông vốn được coi là đồ phế thải. Lần này, vẫn với thái độ châm biếm, Cương vẽ lên hiện thực trần trụi về cái gọi là "hàng khủng", sexy, về thế nào là "hồng nhan bạc triệu"...
Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Cương
"Vẻ đẹp phụ nữ" - Hàng Việt Nam chất lượng cao
Những tác phẩm "Vẻ đẹp chất lượng cao" của Cương là hình cơ thể phụ nữ được vẽ trên hộp các tông như vỏ đựng phích nước Rạng Đông, bánh sinh nhật, thùng Cocacola hay Omo... Để cho cây cọ tự mình thỏa sức tô vẽ đến khi bắt gặp những biểu tượng, dòng chữ thú vị thì anh giữ nguyên hoặc biến hóa chúng để phù hợp với ý tưởng trong đầu. Dễ thấy nhất trong loạt tác phẩm của Cương là biểu tượng logo của Rạng Đông được anh biến thành "chỗ kín" hay một bên ngực tròn đầy của phụ nữ... Phụ nữ trong tác phẩm của anh có vẻ đẹp phi tỉ lệ, các cơ quan sinh dục được vẽ táo bạo với nhiều kích thước, vị trí khác thường.
Nguyễn Nghĩa Cương vừa ca ngợi, vừa xót xa, vừa châm biếm phụ nữ Á Đông trong xã hội hiện đại. Anh ca ngợi vẻ đẹp "thắt đáy lưng ong, vừa khéo nuôi con lại giỏi chiều chồng" của phụ nữ Việt - đẹp cả hình thức và đẹp cả tâm hồn. Thế nên, Cương cũng chua xót trước những cô gái chấp nhận coi thân thể mình như một món hàng để đem bán mà ngày nay chúng ta vẫn quen thuộc với những từ như "hàng khủng", lộ hàng, khoe hàng… trước xã hội mà giá trị đồng tiền lên ngôi.
Những hình ảnh rất dục tính, được thể hiện bằng nét vẽ trực diện, trần trụi trong tác phẩm của Cương với những ai chưa tiếp xúc nhiều với nghệ thuật sẽ ít nhiều liên tưởng tới những bức vẽ của lũ con trai nghịch ngợm vẽ bậy bạ trêu đùa về cơ thể phụ nữ. Nhưng nếu có một vốn kiến thức nhất định, một phông văn hóa căn bản và tìm hiểu sâu hơn, bạn sẽ thấy "Vẻ đẹp chất lượng cao" là những tác phẩm rất nhân bản. Đó là một thái độ châm biếm, lên án sâu sắc trước lối sống thực dụng, sự khủng hoảng về đạo đức của nhiều cô gái trong xã hội hiện nay.
Một số bức tranh của anh cũng ám chỉ đến lùm xùm trong giới showbiz, đến việc "khoe hàng" để nâng giá. Tác phẩm vẽ một cô gái trong trang phục bikini đứng uốn éo, bên cạnh là mặt trời, trăng, sao tỏa sáng; bộ ngực cô gái là logo hãng Cocacola kèm theo một câu ý nhị nằm ở góc phải cuối tác phẩm "Thik thì nhik" (thích thì nhích - PV) là một ví dụ điển hình cho những châm biếm, đả kích thói "khoe hàng" của các cô gái gây ấn tượng với nhiều người xem.
Vẻ đẹp được đánh giá “chất lượng cao” của họa sĩ Cương
Cuộc đối thoại Đông - Tây hiếm có
Nguyễn Nghĩa Cương cho biết: "Quy tắc của tôi là bất quy tắc". Nghĩa là, khi nào có cảm hứng thì anh sáng tác, những tác phẩm của anh cũng hoàn toàn tự nhiên, được tạo ra từ những cảm xúc bất chợt dựa trên những suy nghĩ, trăn trở từ lâu. Các tác phẩm trong lúc giải trí, xả stress cũng bất ngờ trở thành những tác phẩm được các nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật quan tâm mời triển lãm.
Các tác phẩm trong triển lãm được vẽ trong những lúc "nông nhàn" (chữ do Cương tự ví von), những lúc căng thẳng, bế tắc khi vẽ tranh lớn. Anh tình cờ thấy vỏ đựng phích nước có tỉ lệ tương đối giống con người và có nhiều chi tiết khiến anh thích thú như logo, ISO hay dòng chữ "Hàng Việt Nam chất lượng cao", vậy là anh vẽ và kết quả là loạt tác phẩm "Vẻ đẹp chất lượng cao".
Giám tuyển Iola Lenzi, chuyên gia nghệ thuật Đông Nam Á không hề ngẫu nhiên đặt tác phẩm của Nguyễn Nghĩa Cương bên cạnh tác phẩm của Vũ Dân Tân - một bậc thầy, nổi tiếng với những cách tân táo bạo trong nghệ thuật. Hai nghệ sĩ ở hai thế hệ khác nhau. Vũ Dân Tân sinh năm 1946, Nguyễn Nghĩa Cương sinh năm 1973. Một người đã ra đi cách đây ba năm, một người đang trên độ sung sức của sự nghiệp. Cả hai đều lựa chọn chất liệu giấy bìa các tông để thể hiện tác phẩm của mình.
Vũ Dân Tân là những tác phẩm điêu khắc, sắp đặt tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ mà đỉnh cao là hình tượng thần Vệ Nữ. Rất nhiều tác phẩm của ông làm với kích thước của người thật, chính xác là với kích thước của một người phụ nữ Tây. Hai loạt tác phẩm chính của ông là "Thời trang" và "Vệ Nữ" đều tôn vinh một vẻ đẹp rất Tây, một vẻ đẹp mang tầm thế giới, thậm chí vượt qua ngoài không thời gian hiện thực mà chìm đắm vào một thế giới của thần thoại.
Còn Nguyễn Nghĩa Cương là những bức tranh vẽ trên hộp các tông, anh đẽo gọt bằng chính cây cọ và màu vẽ. "Vẻ đẹp chất lượng cao" của anh là sự châm biếm một bộ phận phụ nữ Việt hiện nay. Mà sự châm biếm này là xuất phát từ tình yêu, sự trân trọng những giá trị cao đẹp của người phụ nữ Việt.
Sự tương phản Hai nghệ sĩ, hai thái độ về phụ nữ, hai cách thể hiện khác nhau. Một lãng mạn, một trần tục. Một mang tầm bao quát rộng lớn, một địa phương cục bộ. Một tôn vinh, một châm biếm. Một Tây, một Đông. Một sự tương đồng và cũng là một sự tương phản. Triển lãm "Vệ Nữ ở Việt Nam" là một triển lãm đáng xem, nên xem, bởi nó không chỉ gây ấn tượng về thị giác mà còn gợi lên nhiều suy ngẫm. |
Hồ Thu