LTS: Trong nhiều năm qua, hình ảnh hàng dài bệnh nhân chờ khám, hồ sơ giấy tờ chồng chất và quy trình thủ công chậm chạp đã trở thành vấn đề nhức nhối trong hệ thống y tế Việt Nam. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, chuyển đổi số đang dần thay đổi diện mạo bệnh viện, mang đến một trải nghiệm mới “bệnh viện không giấy tờ”.
Người Đưa Tin thực hiện tuyến bài “Bệnh viện không giấy” – Khi y tế bước vào kỷ nguyên số” nhằm phản ánh thực trạng trước và sau khi ứng dụng công nghệ vào y tế, giúp độc giả hiểu rõ lợi ích của chuyển đổi số không chỉ đối với bệnh nhân mà còn với bác sĩ và toàn bộ hệ thống y tế.
Những ngày vật vã chờ khám bệnh
Trước đây, mỗi sáng sớm, trước cổng các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức… luôn ken đặc người. Dòng người xếp hàng dài từ tờ mờ sáng, mắt nhòe vì thiếu ngủ, lòng thấp thỏm mong đến lượt.
Có người phải đi từ đêm hôm trước, thuê trọ tạm bợ gần viện. Người thân đi cùng cũng mệt mỏi không kém, vật vờ hàng giờ trong hành lang chật chội. Tất cả để có được tờ phiếu khám bệnh.
Trao đổi với Người Đưa Tin, nhiều người vẫn còn nhớ như in những ngày tháng nhọc nhằn đó. Bà Lê Thị Minh (Phú Xuyên, Hà Nội) lắc đầu ngán ngẩm: "Mỗi lần đi khám là tôi phải dậy từ lúc gà chưa gáy, bắt xe buýt lên thành phố, rồi xếp hàng rồng rắn chờ lấy số thứ tự. Có hôm chờ mãi đến trưa mới được vào khám, xong lại tiếp tục chờ lấy kết quả. Một vòng khám bệnh có khi mất cả ngày".

Hàng trăm bệnh nhân đã xếp hàng đợi số khám bệnh tại sảnh chính bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội - Ghi nhận năm 2019 (Ảnh: Phạm Tùng).

Nhiều người tỏ ra khá mệt mỏi sau quãng đường dài - Ghi nhận năm 2019 (Ảnh: Phạm Tùng).
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Dũng (Thái Bình) kể: "Tôi đưa mẹ già đi khám mà phải ngồi chờ gần cả buổi sáng chỉ để lấy số. Mẹ bị đau khớp, đứng lâu không nổi, nhưng không chờ thì biết làm sao? Ai cũng phải chịu cực như thế".
Không riêng gì họ, hàng ngàn người bệnh từ các tỉnh đổ về Hà Nội đều từng phải trải qua hành trình khám chữa bệnh gian nan như vậy, nơi mà thời gian chờ đợi có thể còn mệt mỏi hơn cả cơn đau trong người.
Những năm gần đây, nhờ làn sóng chuyển đổi số trong ngành y tế, nhiều bệnh viện lớn đã bắt đầu ứng dụng công nghệ vào quy trình khám chữa bệnh.
Việc đăng ký khám qua app điện thoại, lấy số thứ tự tự động, theo dõi tiến trình khám bệnh qua màn hình… giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm cảnh chen lấn, chờ đợi. Nhiều người trẻ, quen dùng công nghệ, đánh giá đây là bước tiến lớn, tạo nên sự thay đổi đáng kể trong trải nghiệm khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, với những người trung niên, người cao tuổi hay người ít tiếp xúc với thiết bị thông minh, chuyển đổi số vẫn là một hành trình đầy rào cản.
Clip: Thực tế cho thấy tại Bệnh viện K (Tân Triều, Hà Nội) chuyển đổi số chưa thể “chạm” tới tất cả mọi người.
Ghi nhận của Người Đưa Tin tại Bệnh viện K, Tân Triều, Hà Nội dù đã được trang bị máy lấy số khám bệnh tự động, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn loay hoay không biết cách sử dụng.
Bà Thu Thủy (55 tuổi) quê ở Thái Nguyên, là một trong số đó. Năm nào bà cũng xuống Hà Nội khám định kỳ. Bà kể: "Ở đây lúc nào cũng đông. Tôi quen rồi, cứ đến nơi là đi gặp bác sĩ lấy số rồi chờ đến lượt sẽ lên khám. Máy móc, công nghệ tôi không biết dùng".
Không chỉ riêng bà Thủy, nhiều bệnh nhân khác tại Bệnh viện K cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Khi được hỏi về việc đặt lịch khám qua điện thoại hay lấy số tự động, phần lớn đều lắc đầu. Họ cho biết thói quen lâu nay là đến viện từ sớm, tìm đến bàn bác sĩ để đăng ký trực tiếp, rồi kiên nhẫn ngồi chờ.
Dù công nghệ đã đến tận cửa bệnh viện, nhưng rõ ràng vẫn còn những rào cản khiến không phải ai cũng có thể bước qua.
Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06, phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022–2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện trong nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế. Tiếp tục cụ thể hóa chủ trương này, ngày 12/3/2025, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1366 nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai hiệu quả Đề án 06 tại tất cả cơ quan, đơn vị trong ngành.
Mục tiêu trọng tâm là đưa 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình, qua đó cắt giảm tối đa thời gian chờ đợi cho người bệnh, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng phục vụ.
Theo lộ trình đặt ra, đến tháng 6/2025, toàn bộ hồ sơ khám chữa bệnh sẽ được gắn với mã định danh cá nhân, cho phép đồng bộ thông tin giữa các cơ sở y tế trên cả nước. Người dân có thể đặt lịch khám qua ứng dụng VNeID, đồng thời theo dõi lịch sử điều trị qua sổ sức khỏe điện tử, không còn phải mang theo hồ sơ giấy rườm rà như trước.
Clip: Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội áp dụng linh hoạt chuyển đổi số trong y tế.
Bên cạnh đó, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đang được thúc đẩy mạnh mẽ, cho phép người bệnh sử dụng thẻ ngân hàng, ví điện tử hoặc quét mã QR ngay trên ứng dụng bệnh viện, góp phần nâng cao tính minh bạch và giảm thiểu phiền hà trong quá trình khám chữa bệnh.
Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chuyển đổi số còn mở ra một hệ sinh thái y tế kết nối chặt chẽ, giúp các bệnh viện phối hợp hiệu quả hơn. Tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, từ năm 2020, mô hình khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã được triển khai, mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân ở tuyến dưới khi có thể nhận tư vấn từ các chuyên gia mà không cần di chuyển lên tuyến trên.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, TS.BS Đinh Thúy Linh – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà là yêu cầu tất yếu trong lĩnh vực y tế. Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng bệnh án điện tử, thay thế bệnh án giấy, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tối ưu hóa việc lưu trữ thông tin và hạn chế sai sót trong theo dõi bệnh nhân”.

TS. BS Đinh Thúy Linh – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Hệ thống bệnh án điện tử không chỉ giúp bệnh nhân dễ dàng tiếp cận lịch sử khám chữa bệnh mà còn giúp bác sĩ theo dõi toàn diện tình trạng sức khỏe của họ trong suốt quá trình điều trị.
Việc tích hợp dữ liệu từ nhiều năm giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác, nâng cao hiệu quả điều trị, kể cả khi bệnh nhân đã xuất viện.
Bệnh viện cũng đang xây dựng hệ thống dữ liệu y tế lớn (Big Data), kỳ vọng tạo nền tảng cho các nghiên cứu chuyên sâu và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.
“Trước đây, nhiều bệnh nhân ở xa phải đến Hà Nội chỉ để được tư vấn. Giờ đây, thông qua Telehealth, chúng tôi có thể hội chẩn từ xa, đưa ra hướng điều trị phù hợp mà không cần bệnh nhân di chuyển. Hồ sơ bệnh án điện tử cũng giúp liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện, hỗ trợ bác sĩ tiếp cận tiền sử bệnh ngay khi bệnh nhân đến khám”, BS. Linh cho biết.
Không chỉ dừng lại ở đó, hệ thống bệnh án điện tử còn giúp bệnh nhân thoát khỏi nỗi lo mang theo hồ sơ giấy tờ cồng kềnh. Toàn bộ chỉ định xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh đều được lưu trữ trực tuyến, cho phép tái sử dụng khi bệnh nhân tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế liên kết, giảm bớt gánh nặng tài chính và tiết kiệm thời gian.
Thời đại bệnh viện không giấy đã bắt đầu
Việc triển khai bệnh án điện tử tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không chỉ là một bước tiến trong quản lý y tế mà còn mang đến những thay đổi rõ rệt trong trải nghiệm của người bệnh. Theo Ths.BS Nguyễn Tài Đức - Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán Trước sinh và Sơ sinh, bệnh viện đã nỗ lực tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào khám chữa bệnh, tạo ra nhiều lợi ích thiết thực.
Về phía bệnh nhân, bệnh án điện tử giúp rút ngắn đáng kể thời gian chờ đợi. Thay vì mất hàng giờ để làm thủ tục, họ có thể đặt lịch trước, tra cứu kết quả xét nghiệm từ xa và dễ dàng theo dõi lịch sử khám bệnh qua hệ thống trực tuyến. Không chỉ vậy, người bệnh còn có thể phản hồi trực tiếp về chất lượng dịch vụ, góp phần cải thiện trải nghiệm khám chữa bệnh.
Về phía bệnh viện, dữ liệu số hóa giúp bác sĩ truy cập nhanh chóng vào hồ sơ bệnh nhân, tiếp cận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh mà không cần lật giở từng trang bệnh án giấy.
Khi cần hội chẩn, bác sĩ có thể dễ dàng chia sẻ thông tin với đồng nghiệp ở các tuyến khác, nâng cao chất lượng điều trị. Việc lưu trữ hồ sơ cũng trở nên lâu dài và an toàn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học và nâng cao chuyên môn.

Ths.BS Nguyễn Tài Đức - Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán Trước sinh và Sơ sinh.
BS.Nguyễn Tài Đức chia sẻ, trước đây, việc tra cứu bệnh án giấy rất phức tạp, hồ sơ chỉ được lưu tối đa 10 năm và dễ bị thất lạc, hư hỏng. Nhưng từ khi chuyển đổi số, chỉ với vài thao tác trên hệ thống, bác sĩ có thể tìm kiếm thông tin bệnh nhân trong tích tắc, giúp quá trình điều trị liền mạch và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, không phải sự thay đổi nào cũng diễn ra dễ dàng. Giai đoạn đầu, các bác sĩ phải làm quen với hệ thống mới, thay thế thói quen ghi chép bằng bút bằng việc nhập dữ liệu trên máy tính. Nhưng với sự hỗ trợ từ phòng Công nghệ thông tin và ban lãnh đạo bệnh viện, việc chuyển đổi nhanh chóng đi vào ổn định.
Theo TS.BS Đinh Thúy Linh, bệnh viện đã tổ chức các buổi tập huấn liên tục để đảm bảo nhân viên y tế sử dụng hệ thống một cách thành thạo và chính xác.
Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống bệnh án điện tử, phát triển sổ sức khỏe điện tử và mở rộng hệ thống đặt lịch khám online nhằm tối ưu hóa trải nghiệm cho bệnh nhân. Không chỉ dừng lại ở đó, bệnh viện hướng tới tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào chẩn đoán và điều trị, mở ra những cơ hội mới trong lĩnh vực y tế.
Dù vậy, để đạt mục tiêu số hóa toàn bộ quy trình khám chữa bệnh trước năm 2025, ngành y tế vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua.
Việc đồng bộ dữ liệu giữa các bệnh viện, bảo mật thông tin bệnh nhân, nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ cho đội ngũ y tế là những bài toán cần lời giải.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng thời đại bệnh viện không giấy đã bắt đầu và người hưởng lợi lớn nhất chính là bệnh nhân – những người sẽ không còn phải xếp hàng dài chờ đợi, mà có thể dành thời gian đó cho những điều quan trọng hơn trong cuộc sống.
(Còn tiếp)
Hoàng Bích - Kim Thoa