Là sáng thứ Năm nhưng cả hai đứa con gái của anh, một lên 7 và một lên 9 đang nằm vắt vẻo trên cái ghế bành, tay cầm hờ quyển sách. Nhìn thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Stas bảo cả hai đứa chưa một ngày đặt chân tới trường học. Dạy hai đứa trẻ ngay tại nhà là chị Melisa, vợ anh Stas. Chị Melisa thực ra cũng chẳng phải là giáo viên. Chục năm trước, chị làm cho một công ty chuyên về khai thuế nhưng từ khi có con thì bỏ hẳn nghề, chỉ ở nhà dạy con.
Hai đứa con của anh chị cũng chẳng phải cá biệt. Chúng nhìn hiền lành, dễ thương và nhanh nhẹn như bao đứa trẻ Mỹ khác. Chúng cũng chẳng có vẻ gì là có vấn đề về sức khỏe. Chỉ đơn giản rằng hai vợ chồng anh quyết không cho con tới trường mà theo mô hình giáo dục tại nhà mà người Mỹ gọi là "home schooling". "Khu vực này là một cộng đồng rất lớn của "home schooling", Stas nói. Khu vực gia đình Stas ở cũng chẳng cách xa thành phố, chỉ chưa đầy 15 phút là tới khu phố cổ Alexanderia ở Virginia, và cỡ nửa tiếng là tới Nhà Trắng ở thủ đô Washington. Nghĩa là khoảng cách ấy thì không thể là một vùng xa xôi hẻo lánh, ít trường.
Stas không nói sai, không chỉ ở một thành phố hay một vùng, học tại nhà còn là trào lưu ngày càng phình to ra ở Mỹ. Nếu như 5 năm trước, ước tính cứ khoảng 100 đứa trẻ mới có một đứa chọn học ở nhà thì giờ đây tỉ lệ là nhiều hơn 2%. Nguyên nhân dẫn đến thực tế ấy không hoàn toàn do hệ thống giáo dục của Mỹ cũng đang có nhiều bất cập (đặc biêt là các trường công). Có nhiều yếu tố ảnh huởng như tôn giáo, hay một số người Mỹ tin rằng phương pháp giáo dục tại nhà do chính bố mẹ dạy là ưu việt nhất để cho một đứa trẻ làm người.
Nhà anh Stas và chị Melisa không sùng đạo tới mức bắt con ở nhà để truyền cho chúng những đức tin, được hành lễ bất cứ lúc nào họ muốn, và tránh cho đầu óc của chúng bị "vẩn đục". Anh chị quan niệm học ở nhà cũng có thể vẫn làm được toán và đọc nhiều môn xã hội khác, mà bọn trẻ còn được tham gia vào các công việc gia đình, được dạy cách ứng xử đúng với cái mà họ muốn.
Tất nhiên mô hình học ở nhà cũng có những hạn chế với trẻ, mà rõ nhất là thiếu bạn đồng lứa và đôi khi như bị cô lập. Thậm chí có cả những lúc bị bố mẹ lơ là chuyện dạy học, nên như ở thủ đô Washington D.C còn có luật là bố mẹ phải tốt nghiệp tối thiểu trung học, ai lười dạy con sẽ bị tước quyền làm giáo viên tại gia. Hay có nhiều chương trình ngoại khóa, gặp gỡ được tổ chức để những đứa trẻ không tới trường kết bạn.
Mới thử nghĩ nếu cho phép làm như thế, liệu ở Việt Nam có bao nhiêu gia đình sẽ chọn cho con ở nhà học thay vì tới trường? Có lẽ là nhiều nếu xét thấy sự bất cập hệ thống trường học, nhưng cũng có thể sẽ ít một khi tin rằng bố mẹ Việt Nam ngại chơi với con trẻ nhất.
Theo Thể thao Văn hóa