Thảm án tâm thần
Nguyễn Ba bị tâm thần phân liệt 5 năm nay, đang được điều trị ngoại trú tại địa phương. Người mẹ xấu số thường xuyên đến Trung tâm y tế huyện lãnh thuốc điều trị ngoại trú cho con, cho đến ngày bị chính đứa con bệnh tật ra tay sát hại.
Ông Nguyễn Cảnh, anh ruột của Nguyễn Ba, nói: “Nhà có ba mẹ con, tôi có vợ ra riêng còn mẹ với chú Ba ở với nhau. Chú ấy bị bệnh, gia đình không đủ tiền nuôi gửi ở trại tâm thần nên đành về nhà trông chờ vào nguồn thuốc miễn phí tại trạm y tế. Giá mà có tiền chữa chạy thì đâu có cảnh”.
Hiện trường gây đau lòng vụ Nguyễn Ba - con trai tâm thần đánh chết mẹ ruột
Chị Hà Thị Dung, nhân viên cấp phát thuốc tại Trung tâm y tế thị trấn Diêu Trì, cho biết: “Trung tâm đang theo dõi và cấp phát thuốc thường xuyên cho 22 bệnh nhân tâm thần điều trị ngoại trú. Riêng Nguyễn Ba là trường hợp nặng nhất, với đơn thuốc nặng gấp đôi các trường hợp khác”.
Trước đó, cũng tại Tuy Phước xảy vụ án vợ cầm dao giết chồng trong cơn điên loạn. Đầu tháng 4, vợ chồng ông Nguyễn Văn Khang, 42 tuổi, và bà Hà Thị Kim Danh (37 tuổi, thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc), xảy ra mâu thuẫn.
Trong lúc hai bên lời qua tiếng lại, bà Danh bất ngờ dùng dao đâm vào ngực chồng. Nguyên nhân là người vợ bị bệnh tâm thần, không kiểm soát được hành vi của mình. Hậu quả, 3 đứa con nhỏ bỗng chốc trở nên bơ vơ.
Tháng 3/2012, một thảm án tâm thần rúng động xảy ra tại xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định). Lê Minh Nay, 37 tuổi, dùng dao rựa chém mẹ là bà Lê Thị Đôi, sau đó châm lửa đốt xác mẹ. Nay từng điều trị bệnh tâm thần hơn một năm rưỡi tại bệnh viện, trở về nhà được 2 tháng thì gây án.
Ngoài tầm kiểm soát?
Trong vòng hai năm, tại Bình Định xảy ra trên 5 vụ thảm án do người tâm thần gây ra. Mới đây, người mẹ tâm thần Nguyễn Thị Hoa (35 tuổi, ở Ân Hảo Tây, Hoài Ân) nhốt 4 đứa con nhỏ, bỏ đói 5 ngày liền, còn đòi giết một đứa con để “tế trời”!
“Gia đình tôi rất hoang mang. Để chị Hoa nằm điều trị tại bệnh viện thì không kham nổi chi phí, lại phải có người nhà thường xuyên theo dõi. Còn đưa chị về thì sợ bệnh tái phát, nguy hiểm cho cả nhà” - anh Dương Văn Lưu, người nhà chị Hoa, lo lắng.
Theo BS Trương Quốc Hiền, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Bình Định, trách nhiệm của bệnh viện là điều trị, chăm sóc bệnh nhân tâm thần chứ không kiểm soát hay quản lý họ. Ở miền Trung, chỉ có Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng là nơi tiếp nhận quản lý, điều trị các bệnh nhân tâm thần nặng, thuộc diện điều trị bắt buộc. Những trường hợp khác chỉ điều trị một thời gian tại viện, bệnh thuyên giảm là đưa về điều trị ngoại trú.
Bác sĩ Huỳnh Mộng Đức, Trưởng khoa Khoa điều trị I (Bệnh viện tâm thần Bình Định), cho biết, người mắc chứng bệnh này thường bị hoang tưởng, ảo giác, kích động. Nếu không có biện pháp quản lý, điều trị thì mức độ nguy hiểm cho gia đình và xã hội là rất lớn.
Ngoài các bệnh viện điều trị và chăm sóc bệnh nhân tâm thần trực thuộc ngành y tế, tại Bình Định có một Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần thuộc quản lý của Sở. Tuy nhiên, đối tượng được điều trị, nuôi dưỡng ở đây chỉ miễn phí cho người nghèo, còn lại phải nộp phí nuôi dưỡng hằng tháng tương đối cao. Ông Phạm Văn Thi, Giám đốc Sở LĐTB&XH Bình Định |
Theo Việt Hương - Thu Dịu (Tiền Phong)