Thân gửi những "kẻ cắp" có khuôn mặt của sinh viên.
Có thể với cách gọi như trên, tôi đã động chạm đến cái tôi và sự tự ái của giới trí thức trẻ. Nhưng thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Sự thật đó là hầu hết chúng ta đều đã, đang và (có thể) sẽ là những kẻ cắp, kẻ trộm kiến thức với bộ mặt, động cơ và hành động khá… quen thuộc: Photo giáo trình.
Việc photo giáo trình, photo sách, truyện, chuyên đề... là câu chuyện quá quen thuộc với cánh sinh viên, học viên. Và nó trở nên bình thường, dĩ nhiên đến mức chúng ta thấy lạ lẫm, thậm chí bàng hoàng khi nghe tin một nữ sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM bị cảnh cáo bởi mang 8 cuốn giáo trình photo vào trường để tặng một bạn khoá dưới.
Bản thân tôi, tôi cũng mất vài giây bất ngờ khi đọc được mẩu tin đó trên báo bởi sự quyết liệt của Ban giám hiệu trường Đại học. Nhưng tôi còn mất nhiều thời gian để lấy lại bình tĩnh hơn khi đọc được những bình luận của đa số độc giả và chia sẻ của các bạn trẻ trên mạng xã hội.
Từng là sinh viên, từng sống những năm tháng mà một bữa ăn chi vài nghìn đã là “sang chảnh”, tôi thông cảm và đồng cảm với việc các bạn "ăn cắp". Đương nhiên, tôi không trông mong đó hành động phát sinh từ nghèo hèn (như dân gian vẫn nói rằng "bần cùng sinh đạo tặc") mà tôi chỉ hi vọng đó là hành động dại dột.
Tuy nhiên, khi đã có chút thành tựu ở đời, khi những công trình nghiên cứu của tôi được công nhận và xuất bản, tôi đã có suy nghĩ khác về việc "ăn cắp" trí thức. Từ thông cảm, rồi chuyển sang giận dữ và cuối cùng, sau tất cả, cảm xúc còn đọng lại trong tôi là sự thương hại.
Thực tế, với tôi (hoặc với những người chuyên về nghiên cứu như tôi), lợi ích vật chất mà việc xuất bản sách mang lại thực không đáng để lưu tâm. Bởi so với một công trình mà chúng tôi dày công nghiên cứu, trăn trở cả nửa đời người, thì bao tiền mới đủ để “bán” những đứa con tinh thần. Phải chăng có bần cùng như chị Dậu thì mới can tâm bán những đứa con của mình.
Thôi thì không nhắc đến “lý” - vấn đề bản quyền bởi Ban giám hiệu trường Đại học Luật TP. HCM đã giúp chúng tôi giải thích cho quý độc giả. Tôi chỉ bàn tới “tình”. Điều chúng tôi mong đợi nhất khi ra mắt những "đứa con" đó là sự công nhận và trân trọng của xã hội, của giới trí thức, của các bạn sinh viên cần tài liệu để học tập và tham khảo.
Tôi thực sự đau lòng khi thấy những giá trị mà mình tạo ra bị trả giá một cách rẻ mạt và dễ dãi. Đau đớn hơn khi những "đứa con" của mình bị nhân bản một cách tràn lan, không còn giữ đúng hình dáng ban đầu của mình. Tấm bìa cứng trang trọng, những dòng tiêu đề sách, tên tác giả được thiết kế hài hoà, bắt mắt, có dấu ấn riêng lại trở nên thô kệch, đại trà, giống với hàng ngàn tài liệu khác có mặt ở hiệu photo copy.
Chính vì quá dễ dàng có được những “đứa con” tinh thần đấy nên nhiều bạn không biết trân trọng chúng. Đành rằng việc “thí pháp” hay việc phổ biến kiến thức của mình là nên làm nhưng bù lại, thái độ của người được tiếp nhận cũng phải xứng đáng với sự “bao dung” của tác giả.
Có mấy ai bọc bìa cuốn giáo trình photo để lưu giữ, mấy ai biết trân trọng, gìn giữ những cuốn sách photo. Chỉ cần làm một phép quan sát và so sánh trên tủ sách của các bạn, các bạn sẽ thấy rõ những cuốn sách photo bị “ghẻ lạnh” như thế nào.
Tôi giận các bạn bao nhiêu, tôi lại thương các bạn bấy nhiêu. Tôi thương vì các bạn không nhận thức đúng được những giá trị mà mình được tiếp thu. Tôi thương vì các bạn đã trả giá quá rẻ mạt cho những kinh nghiệm của mình. Một khi bạn không dám đầu tư mạnh để đánh đổi thì bạn cũng không thể nhận được những giá trị lớn. Một cuốn sách với nội dung như nhau nhưng nếu bạn bỏ ra 300.000 đồng để mua, bạn sẽ “ngấu nghiến” những kiến thức trong đó, sẽ trân quý hơn là bỏ 13.000 đồng để photo.
Vậy nên các bạn ạ, nếu các bạn muốn nhận, hãy biết cách cho đi. Hãy tôn trọng những người đã tạo ra giá trị đó bằng cách… đừng "ăn cắp" những giá trị của họ.
Hoàng Minh
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả - một nhà nghiên cứu văn hóa đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội