Tuy nhiên hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông mới chỉ kiểm soát được việc tài xế vi phạm nồng độ cồn, còn xác định vi phạm về sử dụng ma túy là việc vô cùng khó khăn. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh tay để loại bỏ những người nghiện khỏi vô lăng, đem lại an toàn cho hành khách trên mọi cung đường.
"Ảo ảnh" sau vô lăng
Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong người có chất ma túy. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi chất ma túy sẽ ngấm vào từng mạch máu, dần dần ăn mòn hệ thần kinh. Tai nạn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào nếu tài xế không đủ tỉnh táo, mất tự chủ. Với những người làm nghề tài xế ngày ngày rong ruổi trên các cung đường, họ thừa hiểu mối đe dọa tiềm ẩn này. Thế nhưng không phải ai cũng tránh xa được sự cám dỗ của nó.
Trong quá trình chúng tôi thực hiện bài viết này, không ít tài xế đã thẳng thắn thừa nhận mình từng mắc nghiện trong thời gian lái xe đường dài. Nhiều đồng nghiệp của họ cũng đã vô tình trở thành đệ tử của... "nàng tiên nâu". Anh N.T.D. (quê Xuân Trường, Nam Định) vốn sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo. Học hết lớp 9, vì sức học kém nên D. không đỗ cấp 3 mà theo bạn bè trong làng lên Hà Nội mưu sinh. Thời gian đầu, anh trộn bê tông cho các công trình xây dựng, mỗi ca cũng được trả hơn trăm ngàn đồng. Nhưng công việc này đã dần vắt kiệt sức của D., tiền công kiếm được chẳng đủ sống giữa chốn Thủ đô đắt đỏ. Một thời gian sau, được sự giới thiệu của một anh bạn trong làng, D. quyết định học lái xe để xin đi lái xe khách, hy vọng cuộc sống sẽ bớt khổ hơn.
CSGT kiểm tra xe khách (ảnh Internet).
Bao năm lang thang kiếm sống, dành dụm được ít vốn, lại nhờ bố mẹ vay mượn thêm, D. đã học lấy được bằng lái. Cầm chiếc bằng trong tay, D. được người nhà giới thiệu làm tài xế xe khách chạy tuyến Nam Định - Hà Giang. Nói là xe khách đường dài nhưng thực chất là xe "dù".
N.T.D. kể: "Đặc trưng của lái xe đường dài là lấy đêm làm ngày. Ban ngày nghỉ ngơi, đến đêm sẽ khởi hành. Quãng đường dài vài trăm km nên tài xế thường rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng. Cảm giác mỗi chuyến xe dài vô tận, đầu óc lúc nào cũng như dây đàn. Một đêm, xe khách dừng tại trạm nghỉ chân khoảng 15 phút. Thấy phụ xe đi cùng lẻn vào nhà vệ sinh hít ma túy, tôi liền thắc mắc thì được trả lời: "Chơi cái này cho đầu óc thoải mái thôi, không hại gì đâu. Ông cứ thử sẽ thấy công hiệu tức thì!".
Nghe đồng nghiệp rủ rê, D. đã tò mò hít thử. Về sau gia đình phát hiện ra mới đưa cậu đi cai nghiện. "Có lần cầm vô lăng mà không định hình được. Chợp mắt lúc nào không biết. Đến khi mở mắt ra thì xe đã nằm trước cửa nhà dân", chàng trai 27 tuổi nhớ lại.
Câu chuyện của D. có lẽ không hiếm gặp trong thế giới của cánh tài xế. Anh N.V.H. (Mê Linh, Vĩnh Phúc) là một lái container thời vụ. Từ Bắc chí Nam, ai thuê H. đều chạy. Sau vài lần nghe đồng nghiệp rủ "hút thử", H. đã dính vào "nàng tiên nâu". Từ lần đầu tiên đó, H. luôn có cảm giác thèm thuốc và dần bập sâu vào ma túy. Những tệ nạn khác cũng theo đó hủy hoại cuộc sống của anh ta.
Sau mỗi chuyến xe, cả nhóm giết thời gian bằng đỏ đen, thậm chí tìm niềm vui từ các... "em út". Gia đình biết chuyện liền xin cho N.V.H. nghỉ việc và đưa đi trại cai nghiện. Sau khi trở về, cả nhà không dám cho H. đi làm xa. Hiện tại anh đang quanh quẩn tại địa phương làm phụ hồ.
"Nghề lái xe có lẽ là một trong những nghề phức tạp nhất. Xa nhà, thiếu thốn tình cảm nên luôn thấy buồn chán. Chỉ cần thiếu bản lĩnh, nghe bạn bè rủ rê sẽ rất dễ sa ngã. Nếu sau chuyến xe lần ấy, tôi không tò mò xin hút thử, thì cuộc đời đã không mất hết vì ma túy như thế này", H. chua chát nghĩ lại quãng thời gian làm tài xế của mình.
Từ mặt đường đến trại cai nghiện
Tại trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số 2 (sở Lao động Thương binh và Xã hội), thành phần học viên có nghề nghiệp là lái xe chiếm đến 15%. Một con số vô cùng đau xót và đáng báo động. Trong số những lái xe này có người tự nguyện, có người bị gia đình ép buộc phải đi cai. Rõ ràng, lái xe đường dài đang là nhóm đối tượng có nguy cơ cao dính nghiện. Nếu họ đứng trước vô lăng, tính mạng hành khách sẽ chẳng khác nào "ngàn cân treo sợi tóc". Rất nhiều tài xế sau thời gian gắn bó với các cung đường đã phải vào trại cai nghiện, viện tâm thần để điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần nam và điều trị nghiện chất (bệnh viện Bạch Mai) nhận định, chính áp lực tăng chuyến là nguyên nhân khiến lái xe dùng ma túy. Theo lời của bác sĩ Dũng, tài xế sử dụng ma túy, chất kích thích nhằm mục đích duy trì thời gian lái lâu và nhanh hơn. Tuy nhiên, trên thực tế ngoài việc chống buồn ngủ và mệt mỏi, những chất kích thích này có tác dụng kích thích tâm thần, làm giảm khả năng tư duy, phán đoán khi tham gia giao thông. "Chất kích thích sẽ khiến họ thiếu kiềm chế dẫn đến tranh giành khách, phóng nhanh vượt ẩu, rất nguy hiểm. Bất cứ tác động nào từ bên ngoài cũng có thể khiến tài xế không kiềm chế được và có hành vi mạo hiểm. Lực lượng lái xe đường dài lại chủ yếu là thanh niên, tính hiếu thắng, dễ bị kích động nên việc gây tai nạn là khó tránh khỏi", bác sĩ Dũng giải thích.
Bác sĩ Dũng cũng cho biết, bản thân viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cũng đang tiến hành điều trị cho nhiều tài xế nghiện ma túy. Những đối tượng nghiện ma túy nói chung nếu không quyết chí cai thì cuộc đời sẽ tàn lụi. Tàn lụi về tài sản, về sức khỏe, tàn lụi về tương lai, sự nghiệp, rồi HIV, AIDS... Tàn lụi cả danh dự, nhân phẩm. Đó là chưa kể nỗi đau tận cùng mà họ gây ra cho cha mẹ, vợ con, cho người thân và xã hội. Và cái chết chờ đợi họ ở phía trước.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tuấn, phó viện trưởng viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia phân tích, thời gian chạy của lái xe phải theo quy định. Có những lái xe bị doanh nghiệp ép chạy đủ tuyến, đủ định mức dẫn đến trạng thái căng thẳng và họ tìm đến chất kích thích, ma túy. Bài toán giải quyết ở đây phải đảm bảo hài hòa 3 bên gồm lợi ích người lái xe, doanh nghiệp và xã hội (có thể là hành khách hoặc người tham gia giao thông). Trong 3 yếu tố đó phải đặt lợi ích của xã hội lên hàng đầu.
Để giảm thiểu những tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra, ông Tuấn cho rằng, những đối tượng lái xe đường dài, xe hạng nặng cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Kiểm tra từ khâu nguồn hoặc thiết lập các trạm kiểm soát dọc tuyến đường để kiểm tra tình trạng sức khỏe của lái xe. Lực lượng CSGT, thanh tra giao thông cũng phải thường xuyên tuần tra, phát hiện dấu hiệu khác thường để xử lý... kiên quyết không để những tài xế nghiện ma túy cầm vô lăng.
Anh Văn - Nguyễn Hường