Khi niềm tin bị lợi dụng

Khi niềm tin bị lợi dụng

Nguyễn Thị Thanh Xuân

Nguyễn Thị Thanh Xuân

Thứ 7, 29/03/2025 07:00

Thời đại công nghệ bùng nổ đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Bán hàng online từng là cơ hội đổi đời cho nhiều người, nhưng giờ đây, nó cũng trở thành một con dao hai lưỡi. Khi niềm tin bị lợi dụng, không chỉ người mua chịu thiệt, mà cả những người bán chân chính cũng lao đao.

Thời gian qua, những vụ lừa đảo trong bán hàng online liên tiếp xảy ra, mà đáng nói nhất là sự tham gia của những người có sức ảnh hưởng lớn. Một hoa hậu từng giành vương miện quốc tế, một chàng trai nổi tiếng với hình ảnh thiện nguyện, và một bà mẹ bốn con được biết đến qua những câu chuyện về cuộc sống nơi xứ người – tất cả họ cùng xuất hiện trên livestream, hào hứng giới thiệu một loại kẹo rau củ với đủ thứ công dụng thần kỳ, chỉ một viên kẹo bé bằng ngón tay cái mà có hàm lượng dinh dưỡng như một đĩa rau?. Người xem tin tưởng, đổ xô đặt hàng, để rồi nhận về những hộp kẹo có chất lượng không như quảng cáo, không rõ nguồn gốc.

Không chỉ vậy, nhóm này còn tiếp tục tham gia vào các chiến dịch bán hàng khác, điển hình như vụ tổ yến 30gr. Người tiêu dùng bị hấp dẫn bởi mức giá siêu rẻ, tin vào những lời cam kết "yến nguyên chất, thu hoạch từ đảo xa", nếu phát hiện hàng giả sẽ đền 1000 lần. Nhưng khi nhận hàng, nhiều người mới phát hiện đó chỉ là yến pha trộn, thậm chí không phải yến thật. Những lời quảng bá đầy cảm xúc trên livestream chỉ là chiêu trò để đánh vào lòng tin của khách hàng.

Đáng buồn là niềm tin của công chúng đã bị lợi dụng một cách trắng trợn. Danh tiếng, sự chân thành mà họ từng xây dựng nay lại trở thành công cụ để thao túng cảm xúc người mua. Khi sự việc vỡ lở, những người trong cuộc đưa ra lời xin lỗi theo kiểu "mình xin lỗi được chưa?" và không kèm theo bất cứ bằng chứng, nguyên do nào cho lỗi lầm đó. Hàng trăm, hàng nghìn khách hàng vẫn phải chịu cảnh "tiền mất, tật mang" và không làm được gì dù biết bị lừa.

Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm tiêu dùng, ngay cả lĩnh vực sức khỏe cũng bị ảnh hưởng. Gần đây, một người dẫn chương trình lâu năm được yêu thích đã tham gia quảng bá cho một loại thuốc với những công dụng bị thổi phồng quá mức. Ban đầu, sự xuất hiện của ông trong đoạn quảng cáo khiến nhiều người tin tưởng, bởi ông vốn gắn liền với hình ảnh chân thành, giản dị. Nhưng khi các chuyên gia y tế lên tiếng phản bác về chất lượng sản phẩm, dư luận mới vỡ lẽ. Người dẫn chương trình này sau đó lên tiếng giải thích, nhưng hình ảnh và uy tín đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Câu chuyện đặt ra vấn đề lớn hơn: Người nổi tiếng có thể không trực tiếp lừa đảo, nhưng nếu họ tiếp tay cho những thương hiệu thiếu minh bạch, thì hậu quả vẫn đổ lên người tiêu dùng.

Không chỉ có những gương mặt nổi tiếng trong showbiz hay mạng xã hội, thị trường livestream bán hàng còn xuất hiện những "chiến thần" – những người được gọi là "hot tiktoker" có khả năng chốt đơn với tốc độ chóng mặt, tạo cảm giác mua sắm cuốn hút, khiến người xem không kịp suy nghĩ mà đặt hàng ngay lập tức.

Gần đây, một người từng được ca tụng là "chiến thần livestream" bị bóc trần chiêu trò lừa đảo khi hàng nghìn đơn hàng mà anh ta bán được thực chất chỉ là ảo. Người mua không nhận được hàng, hoặc nhận được những món đồ không đúng mô tả. Điều đáng nói là mô hình lừa đảo này không chỉ dừng lại ở một cá nhân, mà đã trở thành một mạng lưới tinh vi, tận dụng tâm lý ham rẻ, thích săn sale của người tiêu dùng để trục lợi.

Không chỉ có một trường hợp, một số chiến thần khác cũng bị tố cáo khi bán hàng kém chất lượng hoặc cố tình đánh vào hiệu ứng tâm lý đám đông. Các buổi livestream liên tục xuất hiện cảnh khách đặt hàng dồn dập, người bán hò hét vang trời, tạo cảm giác sản phẩm đang cháy hàng, nhưng thực tế, nhiều đơn hàng là do hệ thống tự động tạo ra để kích thích người mua.

Tôi có một người bạn đang kinh doanh online. Cô ấy từng tâm sự rằng bây giờ bán hàng trên mạng không còn dễ dàng như trước. Các nền tảng mạng xã hội đã siết chặt hơn, buộc người bán phải bỏ tiền quảng cáo, trong khi khách hàng thì ngày càng mất niềm tin vì quá nhiều vụ lừa đảo. "Họ không còn tin vào livestream bán hàng nữa, bởi vì có quá nhiều người nổi tiếng cũng lừa họ rồi", bạn tôi thở dài.

Cô ấy nói rằng khách bây giờ ngày càng thận trọng hơn. "Họ hỏi rất kỹ, sợ bị lừa. Nhưng trớ trêu là những người bán thật lại khó tiếp cận khách, vì các nền tảng mạng xã hội giờ không còn ưu tiên hiển thị tự nhiên mà buộc phải chạy quảng cáo", cô ấy tâm sự.

Câu chuyện của cô ấy phản ánh một thực tế đáng buồn: Khi những kẻ lừa đảo chiếm sóng, những người bán chân chính lại phải chịu hậu quả. Không ít người kinh doanh tử tế phải từ bỏ, vì không thể cạnh tranh với những chiêu trò lừa đảo tràn lan trên mạng.

Khi niềm tin bị lợi dụng- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Hiện tại, các nền tảng mạng xã hội đã có những biện pháp kiểm soát nội dung quảng cáo, yêu cầu xác minh đối với những tài khoản bán hàng. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ. Cần có những quy định nghiêm ngặt hơn về việc quảng bá sản phẩm, đặc biệt là khi người nổi tiếng tham gia bán hàng. Trách nhiệm của họ không thể chỉ dừng lại ở lời xin lỗi khi sự việc đã rồi.

Các nền tảng mạng xã hội cũng cần chịu trách nhiệm hơn trong việc kiểm duyệt nội dung livestream bán hàng. Việc yêu cầu ký quỹ đối với các tài khoản kinh doanh, hoặc áp dụng hệ thống đánh giá tín nhiệm dựa trên phản hồi của người mua, có thể là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu lừa đảo.

Bộ Công Thương đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử, và Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng đã quy định rõ mức xử phạt đối với hành vi gian lận thương mại, đặc biệt là hành vi quảng cáo sai sự thật. Nhưng dường như các biện pháp này vẫn chưa đủ sức răn đe vì mỗi trận lừa đảo, các chiến thần kiếm về tiền trăm, tiền tỉ, trong khi phạt hành chính chỉ vài chục triệu đâu là gì.

Về phía người tiêu dùng, mỗi chúng ta cũng cần trang bị kiến thức, kiểm tra kỹ nguồn gốc sản phẩm trước khi mua hàng. Đừng để những lời đường mật hay hình ảnh hào nhoáng đánh lừa. Mất tiền là một chuyện, nhưng nếu cứ mù quáng tin tưởng để mua những sản phẩm kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe thì vô tình chúng ta cũng tiếp tay cho việc lừa đảo bán hàng online ngày một rộ hơn.

Bán hàng online vẫn là một thị trường đầy tiềm năng, nhưng để tồn tại, nó cần được xây dựng trên nền tảng minh bạch và trung thực. Chỉ khi nào lòng tin được khôi phục, người mua và người bán mới có thể cùng nhau phát triển bền vững.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.