Công ty taxi đi... bán bưởi
Vài tuần trở lại đây, trong những lần đi công tác vào khu vực Quận 1 bằng taxi Vinasun, tôi thường thấy trên một số xe có treo 1-2 túi bưởi kèm tờ rơi quảng cáo "Bưởi da xanh Tam Tân", mức giá khoảng 64.000 đồng/kg. Trái bưởi được đóng gói bao bì cẩn thận với nhãn mác rõ ràng, mức giá cũng phù hợp với dân văn phòng - đối tượng khách chủ yếu của Vinasun.
Cảm thấy chút tò mò pha lẫn thú vị, tôi trò chuyện với anh tài xế về việc bán bưởi, không quên mua mở hàng cho anh một bịch gọi là lấy may. Anh “tài” vui vẻ vừa cân túi bưởi, vừa hồ hởi giải thích nguồn gốc xuất xứ của chúng, tiện thể quảng cáo thêm mức độ ngon ngọt với giọng điệu miền Tây không thua kém bất cứ chị bán hàng nào. Anh cho biết đây là sản phẩm bưởi da xanh do ông Đặng Phước Thành (Chủ tịch HĐQT công ty Vinasun) trồng ở Củ Chi. Anh lấy bưởi từ nhân viên điều hành của công ty tại điểm đậu xe, nếu bán hết thì chạy lại trạm điều hành lấy tiếp. Bây giờ anh vừa chạy taxi vừa đi bán bưởi kiếm thêm.
Về tìm thông tin trên mạng, tôi thấy đã có một vị đại diện Vinasun từng chia sẻ về việc tài xế Vinasun bán bưởi nhằm mục đích giúp cánh tài xế có thêm thu nhập trong bối cảnh doanh thu của công ty này ngày càng giảm sút. Tài xế được chia 20% doanh thu bán bưởi. Theo vị này, mỗi ngày tài xế có thể kiếm thêm được khoảng 50.000-100.000 đồng, thậm chí có người còn kiếm được tới 300.000-400.000 đồng. Sau đợt thử nghiệm hiện nay, nếu khách hàng hưởng ứng và tài xế nhiệt tình, Vinasun sẽ mở rộng quy mô bán hàng, có thể không chỉ bán bưởi da xanh, mà bán cả các loại nông sản của trang trại Tam Tân như quýt đường, cam sành...
Có xung đột quyền lợi và quản trị doanh nghiệp?
Dưới góc nhìn kinh doanh, có thể thấy rằng đây là một ý tưởng khá táo bạo. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, người viết thấy nhiều vấn đề không ổn, nhất là từ lợi ích của cổ đông Vinasun.
Có một vài sự kiện phải xác nhận ở đây: Trước hết, bưởi này là của ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT công ty Vinasun trồng, tài xế là nhân viên của công ty và xe là của hãng. Chúng ta không rõ hiện nay Vinasun và ông Thành đã có thỏa thuận phân chia lợi nhuận từ việc bán bưởi này như thế nào. Tuy nhiên, trong chia sẻ của vị lãnh đạo Vinasun ở trên, chúng ta không thấy đề cập đến lợi ích của cả công ty từ việc bán bưởi này.
Do bưởi là của ông Thành (hoặc công ty của ông - công ty TNHH một thành viên Tam Tân), tiền bán bưởi cũng là của ông ấy. Bán nhiều hay ít, Vinasun cũng chẳng được lợi lộc gì từ việc này nhưng công ty sẽ phải chịu các chi phí phát sinh đến việc bán bưởi như chi phí nhân sự, lưu giữ, vận chuyển, bán hàng... Nếu không nhận được lợi ích nào từ việc bán bưởi này, rõ ràng là không công bằng cho Vinasun. Thương hiệu của Vinasun vốn được định vị là một công ty taxi dần dần sẽ bị phai nhạt và về sau sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Ai chắc rằng sau những thú vị ban đầu, khách hàng không cảm thấy khó chịu vì trước ghế ngồi của mình là hai quả bưởi to, chiếm không gian của họ?
Về góc độ quản trị doanh nghiệp (Corporate governance), ông Đặng Phước Thành hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinasun. Theo luật Doanh nghiệp, ông Thành có trách nhiệm phải trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông Vinasun; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Đây là những nghĩa vụ quan trọng và cơ bản của người quản lý trong mọi công ty, nhất là đối với một công ty đại chúng như Vinasun. Ông Thành cũng là chủ sở hữu của thương hiệu bưởi Tam Tân. Nói khác, khi để nhân viên Vinasun đi bán bưởi cho mình, ông Thành đang ở vị thế mâu thuẫn quyền lợi với Vinasun. Mâu thuẫn quyền lợi này chỉ có thể được giải quyết nếu lợi ích của Vinasun và ông Thành được thỏa thuận rạch ròi và hài hòa bằng văn bản. Ngoài ra các thỏa thuận giữa Vinasun và ông Thành phải được HĐQT hoặc Đại hội đồng cổ đông của Vinasun phê chuẩn, tùy theo điều lệ của công ty.
Đứng ở vị trí người lao động của Vinasun, họ cũng gặp rủi ro về pháp lý. Họ phải làm việc cho một bên thứ ba trong thời gian làm việc cho Vinasun, sử dụng tài sản của Vinasun để thu lợi cho mình và cho bên thứ ba. Đành rằng luật Lao động Việt Nam cho phép một người lao động có thể làm việc cho nhiều người sử dụng lao động cùng lúc, nhưng riêng việc sử dụng tài sản của công ty cho lợi ích cá nhân cũng có thể khiến họ chịu rủi ro, bị chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp Vinasun không đồng ý việc đó. Chưa hết, giả sử tài xế của Vinasun gây tai nạn khi đi bán bưởi mà không phải lúc chở khách thì tai nạn đó có được coi là tai nạn lao động của nhân viên Vinasun hay không? Vinasun hay ông Thành sẽ chịu trách nhiệm về việc này?
Tuy nhiên, điều tai hại lớn nhất của thương vụ bán bưởi này, nhìn từ góc độ quản trị doanh nghiệp là các nhân viên của Vinasun đã được “tiêm” vào đầu ý tưởng rằng có thể được hưởng lợi cá nhân từ thời gian làm cho Vinasun và từ tài sản của Vinasun. Một khi ý tưởng đó được nhen nhóm, điều gì sẽ đợi Vinasun ở phía trước và công ty làm sao quản lý được nhân viên và tài sản của mình?
Vinasun có thể được lợi gì, mất gì?
Không thế phủ nhận việc bán bưởi trên taxi Vinasun là một ý tưởng mới lạ. Tuy nhiên, những rủi ro về mặt kinh doanh đối với công ty này nói chung và rủi ro về mặt pháp lý đối với ông Thành và người lao động nói riêng là khá rõ ràng. Vậy có giải pháp nào để hạn chế những rủi ro cho cả Vinasun, ông Thành cũng như người lao động của Vinasun nhưng vẫn đảm bảo lợi ích cho cả 3 đối tượng này? Một giải pháp trung hòa có thể là Vinasun và ông Thành thỏa thuận phân chia hợp lý lợi nhuận từ việc bán bưởi một cách minh bạch, rõ ràng. Còn giải pháp nào để cánh lái xe vẫn đảm bảo doanh số cho Vinasun thì người viết xin nhường lại cho các nhà lãnh đạo vì quản lý con người không chỉ bởi quy định hay ràng buộc mà còn từ những giải pháp nhân văn từ phía công ty.
Lê An Hải
(Công ty Luật TNHH Phước và cộng sự)