Đâm nhau trọng thương để cướp đồ cúng
Theo phản ánh của báo chí, hàng trăm người gồm cả người lớn và trẻ em ở chợ Bưng Tróp, xã An Ninh (Châu Thành, Sóc Trăng) xếp hàng chật kín đường để đợi giật lễ của cô hồn. Theo tục lệ, rằm tháng 7 âm lịch, hầu hết những gia đình người Hoa, người theo đạo Phật... khu vực Nam Bộ bắt đầu cúng cô hồn với quan niệm cứu giúp những linh hồn khốn khổ. Mâm cúng cô hồn được đặt trước hiên nhà để mời những vong linh cơ nhỡ đến ăn uống.
Mang cả bì đi cướp đồ lễ. (Ảnh VNE)
Đối với người dân Nam Bộ, mâm cúng cô hồn thường phải có những món cơ bản như: Hương, hoa, trái cây, đèn, gạo, muối, vàng mã..., nhiều gia đình khá giả thường có cả thịt gà, hoặc lợn và đôi khi còn cúng cả tiền lẻ, tiền xu. Do nóng lòng, nhiều người "đột vòm" vào trong.
Theo tục lệ của bà con ở khu vực này, khi cúng xong, số đồ cúng ít có giá trị thường được để luôn ngoài hiên cho trẻ đến nhặt. Tuy nhiên thời gian gần đây mâm cúng thường không mấy khi còn nguyên vẹn đến lúc hương tàn vì bị trẻ con lẫn người lớn xô nhau giành giật. Hàng trăm người đã đổ ra đường, thậm chí vượt tường giành giật cóc, ổi, gà quay...đã tạo ra một khung cảnh hết sức phản cảm.
Đặc biệt, trong lúc cùng các bạn xông vào giật đồ cúng cô hồn trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP HCM), Huỳnh Huyền Huy (17 tuổi, ngụ quận 5) bị nhóm thanh niên tranh giành đâm trọng thương. Theo điều tra ban đầu, Huy học nghề sơn xe ở quận 10.
Khoảng 17h chiều 14/8, Huy cùng nhóm bạn 3 nam, 3 nữ đi giật đồ cúng cô hồn. Khi đến đường Hải Thượng Lãn Ông (phường 13, quận 5), thấy gia chủ tung tiền và đồ cúng từ trên lầu xuống, Huy xông vào tranh giành. Trong lúc hỗn loạn, Huy bị một thanh niên dùng dao đâm thấu bụng. Bị trọng thương, Huy và nhóm bạn lên xe bỏ chạy. Tuy nhiên, nhóm đối thủ đã dùng xe truy đuổi, đạp đổ xe Huy và dùng nhiều vật cứng đánh nạn nhân đến ngất. Ngay sau đó nhóm hung thủ lên xe tẩu thoát.
Hiểu cho đúng về phong tục
Tín ngưỡng cổ truyền, cúng cô hồn là một hành vi mang tính nhân đạo, để "cứu giúp" những linh hồn khốn khổ. Nhưng đồng thời, cúng cô hồn cũng có thể là một hình thức "hối lộ" để khỏi bị các oan hồn quấy phá, hoặc để được họ "hỗ trợ".
Theo tục lệ, để cúng, người ta hay thắp hương, đèn (hoặc nến). Thường thì người ta khấn vái thầm thì với nội dung mời "bà con cô bác" (ý nói các cô hồn) thụ hưởng các món cúng. Đôi khi người ta đọc một bài văn tế cô hồn (thường là dạng văn vần), trong đó có thể miêu tả các cái chết thảm khốc. Bài văn tế nổi tiếng nhất có lẽ là bài Văn tế thập loại chúng sinh của đại thi hào Nguyễn Du. Nhiều bài tế cô hồn phóng tác dựa theo tác phẩm này với nội dung phù hợp với hoàn cảnh của địa phương nơi cúng.
Các món đem cúng thường luôn có hương, hoa, đèn; gạo, muối, nước lã là những đồ cúng thô hầu như luôn có, kèm theo là các món ăn, tráng miệng v.v. Trong chùa hoặc tại các gia đình có truyền thống Phật giáo, người ta cúng bằng các món ăn chay. Buổi cúng thường kết thúc với việc vãi gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàng mã. ở vài nơi, người ta cho phép trẻ con cướp (cỗ) cô hồn khi việc cúng được tiến hành xong. Tuy nhiên, phong tục này đã bị dung tục hóa khi có nhiều người lớn tham gia việc tranh cướp đồ lễ.
P.V (tổng hợp)