Trao cho Psy giải Thành tựu thúc đẩy hình ảnh Hàn Quốc hồi tháng 1, bà Choi Jung Wha, chủ tịch của Viện Quảng bá hình ảnh Hàn Quốc (Corea Image Communication Institute – viết tắt CICI) nhận định, nam ca sĩ Gangnam Style chính là nhân vật có đóng góp lớn nhất trong việc quảng bá hình ảnh đất nước Hàn Quốc, không chỉ riêng lĩnh vực văn hóa, trong năm 2012.
Tờ Korea Joongang Daily cũng đánh giá, nhờ công của Psy mà “Gangnam, quận giàu có và quý tộc nhất của Seoul, nay cũng nổi tiếng ngang với Beverly Hills của Los Angeles, ít nhất là về cái tên”.
Vụ nổ Big Bang về quảng bá hình ảnh
Thành lập năm 2003, Viện CICI bắt đầu trao giải thưởng Hình ảnh Hàn Quốc. Đến tận năm 2012, với tiếng vang của hiện tượng toàn cầu Gangnam Style, cả CICI, Hàn Quốc và ngành giải trí Hàn Quốc đều như gặp thời.
“Đó giống như một vụ nổ Big Bang cho việc quảng bá đất nước”, nữ chủ tịch 57 tuổi nói với Korea Times. Năm nay, Psy không có đối thủ giành giải thưởng của Viện CICI. Giải thích thêm về việc vinh danh rapper 35 tuổi, bà Choi nói: “Tôi thấy sự hoàn hảo ở Gangnam Style, bùng nổ, không tì vết, và công nghệ thông tin đã khiến bài hát đạt được thành công”.
Ca sĩ Psy nhận giải thưởng Hình ảnh Hàn Quốc năm 2012 từ tay bà Choi Jung Wha, chủ tịch Viện Quảng bá hình ảnh Hàn Quốc, tại khách sạn Grand Intercontinental ở Seoul vào hôm 15/1.
“Psy nói với tôi rằng anh đã hát bằng cả trái tim của mình, bởi anh đang hát bằng tiếng Hàn, thứ ngôn ngữ nhiều người không hiểu. Vì thế anh ấy phải bộc bạch tất cả bằng giọng hát và điều đó đã có hiệu quả”.
Trong một thập kỷ, bà Choi Jung Wha đã đứng đầu tổ chức thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Hàn Quốc: quảng bá hình ảnh đất nước, đặc biệt là thông qua văn hóa. Bà Choi hiểu rõ, trong quảng bá văn hóa, ngôn ngữ là rào cản lớn nhất.
Bà thành lập Viện CICI cách đây 10 năm khi nhận thấy cảm nhận của người nước ngoài về người Hàn Quốc là một dân tộc châu Á xa lạ. Đã đi đến khoảng 60 nước trên thế giới, nhưng đến tận năm 2002 ở Indonesia mới có người đầu tiên hỏi bà Choi rằng liệu bà có phải là người Hàn Quốc.
“Trước đó, mọi người đều hỏi liệu tôi là người Trung Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam. Không ai đoán tôi là người Hàn Quốc. Cho đến khi đó tôi mới quyết định mình là làm việc để hình ảnh đất nước được biết đến rộng rãi hơn”, bà nói.
Hàn Quốc – từ một ẩn số đến “con rồng” văn hóa
Bà Choi Jung Wha có học vấn cao, lấy bằng tiến sĩ tại Pháp năm 1981. Vào thập niên 70, 80, Hàn Quốc còn là một ẩn số trong mắt phương Tây. Tại trường ESIT ở Paris, bà Choi cảm thấy yếu thế trước các bạn học khi giới thiệu mình là người Hàn Quốc. Bà luôn nghĩ rằng đất nước mình có nhiều điều thú vị để khám phá, nhưng thông tin còn quá ít ỏi. Cuốn sách duy nhất liên quan đến từ “Korea” ở thư viện trường ESIT nói về cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Il Sung.
Vào những năm đó, hoạt động quảng bá của Hàn Quốc còn khá nghèo nàn, chỉ dừng lại ở những thước phim quảng cáo cứng nhắc và vài cái tên của các cá nhân tài năng. Mọi chuyện đã thay đổi vào thập niên 90 và ngày càng phát triển mạnh mẽ sau các mốc 2000, 2010.
Với tầm nhìn của mình, hiện bà Choi cùng Viện CICI đã có kế hoạch cho làn sóng Hàn và hình ảnh của đất nước trong 10 năm tới. Hằng năm, ngoài việc trao giải thưởng, Viện còn gửi câu hỏi khảo sát đến các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc về hình ảnh mà họ cho là quan trọng nhất đối với đất nước trong năm qua. Cuộc khảo sát mới nhất đem lại hai câu trả lời: hãng điện tử Samsung và Làn sóng Hàn. Đó là minh chứng về việc quảng bá “trọn gói”: lịch sử – văn hóa, sản phẩm và nội dung.
Trong Chính phủ của Tổng thống mới đắc cử Park Geun Hye, sẽ có một cơ quan quan trọng được lập ra: Bộ Khoa học và Sáng tạo văn hóa. Bà Choi Jong Wha bình luận về việc này: “Khoa học và công nghệ là động cơ của sự phát triển, nhưng đầu tư cho văn hóa cũng không nên cắt giảm. Thành công của các ngôi sao Hallyu đã khiến thế hệ trẻ Hàn Quốc đều muốn trở thành ngôi sao giải trí. Nhưng chúng ta cũng cần các nhà khoa học mới”.
Chủ tịch của CICI cho rằng, người Hàn Quốc cũng cần xem xét lại giá trị xã hội và mục đích sống của họ. Hình ảnh người Hàn đã được nâng cấp trong mắt cộng đồng quốc tế, nhưng trong các thập kỷ tới, thế giới sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở bản sắc Hàn Quốc chứ không chỉ là các hiện tượng mang đậm tính phương Tây dù gây sốt toàn cầu.
“Công nghệ văn hóa”, phải chăng Hàn Quốc sẽ tạo ra cụm từ mới này?
Mi Ly (Thể thao văn hóa)