Khi robot "xắn tay" nấu phở

Ma Thị Kim Thoa

Ma Thị Kim Thoa

Thứ 5, 05/12/2024 11:21

Từ những bát phở thơm ngon do robot chế biến, du khách không chỉ thưởng thức hương vị phở truyền thống mà còn trải nghiệm một phong cách phục vụ độc đáo, mới lạ.

Giữ gìn linh hồn di sản trong từng bát "phở số"

Ẩm thực Hà Nội trong những năm gần đây đã khẳng định được vị thế vững mạnh trên bản đồ ẩm thực thế giới. Từ danh hiệu "Thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á" vào năm 2023 đến "Thành phố ẩm thực hàng đầu thế giới" trong năm 2024.

Mới đây, phở còn được được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, điều này không chỉ khẳng định giá trị văn hóa, mà còn là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa hương vị đặc sắc, kỹ thuật chế biến tinh tế và tình yêu đối với ẩm thực.

Tại Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2024 vừa qua, phở lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý với sự ra mắt của “Phở số Hà thành”, đánh dấu một bước tiến đột phá khi lần đầu tiên ứng dụng robot thông minh vào chế biến và phục vụ món ăn truyền thống này.

Hình ảnh những chú robot khéo léo thực hiện từng công đoạn chế biến bát phở, từ trần bánh, thêm thịt, rau thơm, chan nước dùng cho đến mang tận bàn đã gây ấn tượng mạnh mẽ tại lễ hội. Đây là lần đầu tiên công nghệ hiện đại được ra mắt công chúng.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thanh Hà – đại diện Ban tổ chức, dù phở được chế biến bởi robot, hương vị truyền thống vẫn được giữ nguyên nhờ sự chuẩn bị nước dùng từ các nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm.

“Robot chỉ hỗ trợ phần thao tác cơ học, còn tinh túy trong từng bát phở vẫn đến từ bàn tay con người. Đây là cách chúng tôi kết hợp công nghệ hiện đại mà không làm mất đi giá trị di sản”, bà Hà khẳng định với Người Đưa Tin.

Khi robot "xắn tay" nấu phở- Ảnh 1.

Gian hàng “Phở số Hà thành” tại Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2024.

Bày tỏ về lần trải nghiệm "phở số", thực khách Thu Thảo (Ba Đình, Hà Nội) không giấu nổi sự phấn khích: “Cảm giác ăn món ăn truyền thống nhưng lại được chế biến bởi robot thật sự rất độc đáo. 

Từ sợi phở mềm mại, lát thịt bò tươi ngon đến nước dùng đậm đà, tất cả đều hoàn hảo. Ban đầu tôi nghĩ robot chỉ để trình diễn, nhưng thật ngạc nhiên khi nó làm từ A đến Z và rất chỉn chu".

Ông Vũ Ngọc Vượng - chủ thương hiệu Phở Ngọc Vượng nhận định rằng, việc ứng dụng robot không những giúp giảm tải áp lực cho người chế biến mà còn mở ra một hướng đi đầy tiềm năng để phở Hà Nội chinh phục thị trường quốc tế.

“Phở Hà Nội đang vươn mình ra thế giới với hình ảnh hiện đại, chuyên nghiệp, nhưng vẫn giữ trọn vẹn tinh hoa truyền thống. 

Tôi tin rằng sự tích hợp công nghệ vào quy trình chế biến không chỉ mang đến trải nghiệm mới mẻ cho thực khách mà còn góp phần đưa thương hiệu phở Hà Nội lên một tầm cao mới”, ông Vượng bày tỏ.

Bà Nguyễn Thanh Hà kỳ vọng công nghệ này sẽ không chỉ dừng lại ở lễ hội mà còn ứng dụng rộng rãi trong tương lai.

“Robot chế biến phở hay các máy nấu phở tự động với thời gian chỉ 2 phút rưỡi sẽ giúp phở tiếp cận nhiều hơn đến người dân và du khách, chúng tôi rất ủng hộ điều này. Rất mong muốn chúng ta sẽ cụ thể hoá nhiều hơn nữa về món ăn này ở dạng số”, bà Hà nói.

Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách, từ người dân địa phương đến khách quốc tế. hơn 1.000 bát phở do robot chế biến đã được phục vụ tại lễ hội, ai nấy đều bất ngờ trước những trải nghiệm độc đáo mà "phở số" mang lại. 

Đây cũng là dịp để Hà Nội quảng bá hình ảnh một Thủ đô vừa đậm đà bản sắc, vừa hiện đại và sáng tạo.

Trải nghiệm độc đáo nhưng chưa trọn vẹn

Tại Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2024, mô hình “Phở số Hà thành” nhanh chóng trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách. Tuy nhiên, đằng sau hình ảnh hiện đại của robot chế biến phở là không ít khó khăn và thách thức cần được khắc phục để mô hình này có thể thực sự hòa nhập vào đời sống hàng ngày.

Bà Mai Phương (quận Ba Đình) sau khi thưởng thức “phở số” đã nhận xét: “Việc robot phục vụ là một ý tưởng rất mới mẻ và hấp dẫn, nhưng cách kết hợp giữa công nghệ hiện đại và giá trị truyền thống vẫn còn nhiều điểm cần cân bằng để tạo ra trải nghiệm hoàn hảo hơn”.

Thực tế, dù mang đến sự tò mò và thích thú, quy trình trải nghiệm “phở số” lại khá phức tạp và mất thời gian. Khách hàng phải trải qua nhiều bước: xếp hàng đợi bàn trống, báo số lượng phần ăn, quét mã QR để thanh toán, và chờ đợi robot chế biến. Điều này khiến trải nghiệm trở nên kéo dài, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm.

Bạn Ngọc Hà (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi đã phải mất gần 50 phút xếp hàng và thêm 20 phút để chờ phở được mang tới bàn. Với mức giá 50.000 đồng/bát, đây là một trải nghiệm thú vị, nhưng chưa thực sự tiện lợi. Nếu cần ăn nhanh và tiện lợi, tôi vẫn sẽ chọn quán phở truyền thống”.

Khi robot "xắn tay" nấu phở- Ảnh 2.

Thực tế, dù mang đến sự tò mò và thích thú, quy trình trải nghiệm “phở số” lại khá phức tạp và mất thời gian.

Một số khách hàng cũng chỉ ra rằng, dù ứng dụng robot, nhưng các thao tác thủ công vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Chị Hương Ly (quận Nam từ Liêm) nhận xét: “Robot chế biến phở là ý tưởng hay, nhưng hiện tại quy trình này vẫn chưa tối ưu. Chương trình nên tích hợp thêm tính năng tự động hóa hoàn toàn, từ đặt món đến phục vụ, để giảm bớt sự phụ thuộc vào thao tác của con người”.

Robot vận hành chưa thực sự linh hoạt và còn chậm trong việc phối hợp các công đoạn chế biến. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thời gian chờ đợi của thực khách mà còn làm giảm hiệu quả của trải nghiệm được quảng bá là hiện đại và tiên tiến.

Bên cạnh những hạn chế về công nghệ, việc áp dụng robot vào một món ăn giàu giá trị văn hóa như phở cũng đặt ra câu hỏi lớn về việc giữ gìn linh hồn và cảm xúc trong từng bát phở.

Ông Trịnh Quang Dũng - Phó trưởng ban Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam nhấn mạnh: “Robot có thể hỗ trợ các thao tác cơ học, nhưng không thể thay thế con người trong các công đoạn đòi hỏi cảm xúc và tinh tế, như nấu nước dùng hay trình bày món ăn. Nếu quá lạm dụng công nghệ, món ăn có thể trở nên ‘vô hồn’, mất đi cái hồn cốt vốn có của phở Hà Nội”.

Khi robot "xắn tay" nấu phở- Ảnh 3.

Bên cạnh những hạn chế về công nghệ, việc áp dụng robot vào một món ăn giàu giá trị văn hóa như phở cũng đặt ra câu hỏi lớn về việc giữ gìn linh hồn và cảm xúc trong từng bát phở.

Mô hình “Phở số” rõ ràng đã mở ra nhiều triển vọng trong việc quảng bá ẩm thực Thủ đô ra thế giới. Tuy nhiên, để thực sự trở thành bước đột phá, chương trình cần giải quyết nhiều thách thức như cải thiện trải nghiệm người dùng, giảm tải các thao tác thủ công và nâng cao hiệu quả vận hành của robot.

Đồng thời, yếu tố văn hóa và truyền thống vẫn cần được đặt lên hàng đầu. Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và giá trị di sản phải được thực hiện một cách hài hòa, tránh tình trạng mất đi bản sắc trong hành trình số hóa ẩm thực.

Từ câu chuyện của “Phở số Hà thành,” có thể thấy rằng để đưa ẩm thực Hà Nội vươn xa trên bản đồ thế giới, sự đổi mới và sáng tạo là cần thiết, nhưng không thể tách rời những giá trị cốt lõi làm nên linh hồn của món ăn.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.