Cuối tháng 3, bộ GD&ĐT đã tổ chức lễ bế mạc và trao giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021. Trong số 12 dự án giành giải Nhất, dư luận đặc biệt quan tâm đến dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của học sinh trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình). Bởi lẽ, dự án này có “bóng dáng” của dự án “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” trong cuộc thi năm 2019 và cả hai dự án đều do một giáo viên hướng dẫn tại trường này.
Đáng nói, kể từ năm 2011 đến nay, đã 9 lần cuộc thi được tổ chức, xét lại khách quan, kết quả được áp dụng khá ít nhưng những lùm xùm, tố cáo sau mỗi cuộc thi luôn xuất hiện. Chẳng lẽ, trước đó vào năm 2019, sau khi cuộc thi kết thúc 5/15 giải Nhất, 10 giải Nhì và 4 giải Ba có giải pháp, kết quả trùng lặp với các sản phẩm, nghiên cứu trước, không có sự cải tiến, đột phá riêng (thể hiện rất rõ trên poster). Lần này cũng vậy, chỉ vài tiếng sau khi cuộc thi khép lại, đã có ý kiến phản ánh về việc một trong những dự án đạt giải Nhất có sự trùng lặp với một dự án trước đó.
Hiện, bộ GD&ĐT cho biết đã nhận được thông tin trên và yêu cầu sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình báo cáo. Trong khi đó, Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình khẳng định: “Hai dự án mặc dù có tên gần giống nhau nhưng vấn đề được nghiên cứu, giải quyết là khác nhau”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các sản phẩm nghiên cứu khoa học không được trùng lặp. Thậm chí, một số đề tài còn được đánh giá là “vượt quá tầm của học sinh, không thực chất, không có tính ứng dụng và chấm không khách quan”.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật vốn được sinh ra để trở thành một sân chơi giao lưu trí tuệ, kích thích tư duy sáng tạo và tạo tiền đề thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh.
Ấy vậy, kết quả của cuộc thi qua mỗi năm lại để lại những băn khoăn trong dư luận. Dường như, khi ý tưởng không còn dồi dào, người ta rất dễ vướng vào “lối mòn”, dẫn đến việc cố gò ép mình phải tư duy thì lại bằng cách nào đó vấp phải sự sao chép của những đề tài đã từng đạt giải. Đó có thể sẽ là “sợi dây bảo hiểm” để các nhóm thí sinh có một sản phẩm mà cơ hội chạm đến giải thưởng cao hơn. Chẳng lẽ ngẫu nhiên mà số lượng những dự án có hơi hướng “đạo ý tưởng” lại tồn tại nhiều đến vậy?
Có lẽ, mục đích ban đầu của cuộc thi rất tích cực. Song, vì một suy nghĩ nào đó mà cuộc thi dần trở thành cuộc đua thành tích, danh hiệu, giải thưởng. Chính điều đó đã đẩy cuộc thi theo hướng không thực chất, gây lãng phí và tạo ra những áp lực ngày càng lớn lên những người làm giáo dục và khiến chính những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường dần quen với cách ứng xử thiếu trung thực.
Không thể phủ nhận rằng, “tài không đợi tuổi”, lứa tuổi nào cũng có những người giỏi, năng động và nhiệt huyết. Nhưng lấy gì để khẳng định, hàng trăm dự án khoa học - kỹ thuật hằng năm đều xuất phát từ tư duy của học sinh, trong khi có những ý tưởng trước sau na ná nhau?
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, các dự án giành giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm nay là những công trình nghiên cứu phức tạp, độ khó vượt xa khả năng của học sinh THPT như: Hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ; phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ để định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch; cải tiến peptit polybia-mp1 ứng dụng trong điều trị ung thư; cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo.
Với độ tuổi từ 15-18 tuổi, ngay cả học sinh ở các thành phố lớn cũng ít có cơ hội tiếp xúc với phòng thí nghiệm, môi trường nghiên cứu, các cơ sở dữ liệu, liệu các em làm sao nghĩ ra được những đề tài, dự án nghiên cứu có tính chuyên sâu, hàn lâm tới như vậy? Những dự án này có khi những Thạc sĩ, Tiến sĩ, Phó giáo sư cũng ngại ngùng khi bắt tay làm, chưa nói đến những em học sinh THCS và THPT, còn chưa bước vào ngưỡng cửa đại học.
Để xảy ra điều đó, những người làm giáo dục có thấy đau lòng? Trực tiếp những thầy cô hướng dẫn, những người làm giáo dục tại địa phương có nhận ra, chính những kỳ vọng của người lớn đôi khi lại biến thành áp lực trên đôi vai học trò, khiến sự học hỏi tinh hoa đi trước vô tình trở thành sao chép tư duy.
Địa phương nào nếu chưa tìm ra “viên ngọc sáng” để trao gửi niềm tin thì rất dễ sinh ra đối phó, “luồn lách” để có sản phẩm dự thi, có cơ hội giành giải cao hơn.
Rồi chính những thành viên trong ban giám khảo, những người đảm nhận trách nhiệm “cầm cân nảy mực”, vì lý do gì, lại để lọt những dự án như vậy vào vòng chung kết, thậm chí, giành giải thưởng? Như vậy quá bất công với những dự án khác!
Sân chơi bổ ích dành cho học sinh đang ngày càng mất đi ý nghĩa vốn có, trở thành “đấu trường” bất bình đẳng, không kích thích được sự sáng tạo và tư duy của học sinh mà chỉ mang tính phong trào, vậy còn tiếp tục níu giữ để làm gì?
Trước hết, để đánh giá thực chất, bộ GD&ĐT cần có những quy định, tiêu chí cụ thể, thống nhất trong hội đồng thi, ban giám khảo. Ngoài việc đánh giá dựa trên sản phẩm nghiên cứu, đối với những đề tài đạt giải, ban tổ chức nên có cuộc gặp gỡ thêm với tác giả, nhóm tác giả để tìm hiểu sâu hơn. Từ đó, có cách đánh giá khách quan và chính xác. Giải thưởng sẽ được trao đến tay đúng người, đúng dự án, sự tôn vinh mới thực sự có ý nghĩa.
Còn nếu đã không thể tổ chức một cách nghiêm túc và thực chất thì nên dừng lại càng sớm càng tốt, tránh để lại những hệ lụy không đáng có cho thế hệ trẻ.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Hạ Trúc