Bạn đồng nghiệp của tôi, Jame, một người rất hay nói về sự tử tế và có vẻ bức xúc khi một ai đó không tử tế với một ai đó, nhưng lại là người luôn nhờ đến sự… tử tế của người khác. Nghĩa là, thông thường anh sẽ chẳng nói thẳng vào mặt một kẻ hèn, mà anh sẽ phải sử dụng một người bộc trực để làm giúp anh.
Cho đến một ngày, tất cả mọi người ngán ngấy về sự “tử tế” của Jame, thì nhận được một câu rất gọn: “Chẳng ai thay đổi được ai cả”. Và như một người bạn nói: Ở đời có ối kẻ hài hước, ở chỗ họ sùng bái sự tử tế nhưng họ chả bao giờ sống tử tế. Họ luôn nhờ hay nhường cho người khác tử tế thay. Thi thoảng, họ dấy lên tý xúc động, ra vẻ xót thương cho những người tử tế nhưng rất nhanh sau đó, họ sống đúng với con người mình.
Nó giống như Trung, một người làm về PR cho một công ty dầu khí. Anh ta có rất nhiều bạn và lúc nào anh ta cũng có chuyện làm quà cho các bạn mình. Chuyện đó, sẽ hay và thú vị nếu như là những trải nghiệm nào đó về cuộc sống và công việc. Nhưng dần, mọi thứ trở nên nhàm chán và mệt mỏi, khi những người bạn của anh từ mới gặp cho đến quen thân đều được đưa lên bàn nhậu của anh, với đủ thứ chuyện trên đời từ ăn gì uống gì, mặc quần gì áo gì, đến yêu ai và đang ngoại tình với ai.
Tôi chỉ khẳng định với bạn rằng, dấu hiệu để làm cho người và người ít tử tế với nhau hơn đầu tiên, đó chính là sự nhiều chuyện. Nếu ai cũng nhận thấy một điều rằng, mỗi người một cảnh ngộ không ai giống ai và mỗi người chọn một cách xử lý tình huống trong cuộc sống cho phù hợp với hoàn cảnh của họ, thì câu chuyện chẳng có gì phải bàn cả. Nhiều người nhân danh sự thật để cho mình được cái quyền biết sự thật, nhưng sự thật đúng nghĩa là nó nhất khi nó là của người trong cuộc. Còn nếu bạn biết sự thật mà không để làm gì, không dám đối diện được với nó hoặc biến thành quà những lúc rảnh rỗi, là lúc sự tử tế đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Linda Kaplan Thaler và Robin Koval, hai tác giả người Mỹ đồng thời là hai doanh nhân nổi tiếng ở lĩnh vực truyền thông, trong cuốn sách “Sức mạnh của sự tử tế”, cho rằng, sự tử tế có một sức mạnh không ngờ trong kinh doanh và người ta có thể chinh phục giới kinh doanh, và để đạt được thành công lớn, phải nhờ vào sự tử tế. Họ nhấn mạnh: “Chúng tôi không nói tốt bụng là cách duy nhất để tiến lên. Ai cũng có thể đưa ra những dẫn chứng, rằng có những kẻ ngu xuẩn, tàn bạo mà vẫn giành được công việc tốt, sự công nhận và gái đẹp, nhưng hãy cùng nhìn nhận rằng, tốt bụng và tôn trọng nhau cũng là một cách hợp lý không kém, và hữu hiệu hơn nhiều, so với cách cư xử ích kỷ hoặc hại người. Nó không chỉ đưa bạn đi xa hơn trong sự nghiệp và trong cuộc sống, mà còn làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc hơn”.
Giờ đây, sự tử tế không bao hàm nghĩa giúp đỡ, mà đôi khi, còn là sự từ chối. Dắt một người già qua đường, nói một lời cảm ơn hay xin lỗi một ai đó, chính là sự tử tế. Hiểu hoàn cảnh của một người bạn bất kỳ và không bình luận gì thêm, cũng là sự tử tế. Tuy nhiên, không cho tiền những người ăn xin bị bọn ma cô chăn dắt nằm vật vã giữa đường, không đưa một đứa trẻ giả vờ đứng khóc giữa đường, nhưng thực ra là cái bẫy mà kẻ gian giăng sẵn, mà hãy đưa đứa trẻ đó về đồn công an, cũng là sự tử tế. Không quá che chở cho những người thân không biết cách tự lập, cũng là sự tử tế… Nghe có vẻ hơi ngược đời, nhưng đôi khi, sự từ chối không giúp đỡ một ai đó cũng khiến ta tử tế hơn.
Khi sự giao đãi, sự lợi dụng đang lớn dần lên trong môi trường sống này thì sự tử tế, nó dần ít đi và chỉ hiện diện ở những người sống lùi vào bên trong. Nó giống như nét thanh lịch Tràng An, ẩ sâu trong cuộc sống thâm trầm của một bộ phận rất nhỏ người Hà Nội chẳng hạn
Một buổi sáng thức dậy, đôi khi bạn sẽ tự hỏi mình, ngày hôm nay sẽ biết bao người cười xã giao với bạn? Bao người sẽ mời bạn đi ăn ở một nhà hàng sang chỉ để nhờ vả bạn một điều gì đó? Bao người gặp gỡ bạn chỉ để mong có tình thân hữu nhưng thực tế thì đang ngấm ngầm hại bạn? Gần như những sự không-tử-tế luôn bủa vây lấy ta và nếu ta không tỉnh táo, sẽ thành một kẻ chán chường, bất mãn, chửi đổng và cứ thế ta trở thành một kẻ xấu tính. Vậy ta có còn tử tế nữa không? Chắc chắn không.
Thực ra thì tôi luôn tin, sự tử tế chẳng bao giờ chết cả. Đó cũng là một vẻ đẹp bất tử. Dù ít, dù nhiều, nó vẫn hiện diện ở đâu đó, trong sự sâu kín nhất của sự cảm thông, yêu thương và che chở. Hoặc bạn cứ nhìn cuộc sống theo hướng tích cực và tìm thấy những điều tốt đẹp ở những nơi tưởng chừng sự tốt đẹp chẳng bao giờ hiện diện, thì có nghĩa sự tử tế đang mỉm cười với bạn. Điều đó không hề sáo rỗng, và càng không bao giờ là sự giáo điều.
Trước khi qua đời, tác gia người Anh Aldous Huxley đã hồi tưởng lại cuộc đời và rút ra một điều rằng “let us be kinder to one another” (hãy tử tế với nhau hơn nữa). Chúng ta tin rằng, cuộc sống ý nghĩa là phải làm được những điều lớn lao, nhưng sự thật là, điều quan trọng và lớn lao nhất đối với một cuộc sống, đó chính là sự tử tế.
Nhắc đến giới showbiz, nhiều người vẫn cứ hình dung ở đó sẽ là sự đấu đá, giẫm đạp, đổi chác, háo danh, lợi dụng…được giấu sau những nhân danh là đại sứ của cái đẹp. Điều đó đã thành suy nghĩ chung, khi nhắc đến nó, người ta vẫn nghĩ đến Lindsay Lohan say khật khưỡng hay Paris Hilton quậy phá. Người ta vẫn nghĩ đến chuyện chửi bới nhau của các Diva quốc tế hoặc ngôi sao này chê ngôi sao nọ hết thời. Ở Việt Nam cũng đâu có kém. Một cái ao làng thì cũng có đủ các thứ sống trong cái ao đó kêu gào, triệt hạ lẫn nhau để tồn tại.
Nhưng nó không hoàn toàn là thế. Vẫn còn biết bao câu chuyện đẹp, biết bao cuộc sống đẹp, suy nghĩ đẹp. Ca sĩ Don Hồ từng kể lại những kỷ niệm với ca sĩ bạc mệnh Ngọc Lan, về sự giúp đỡ của Ngọc Lan đối với anh từ ngày anh chập chững bước vào nghề. Khi đó, Ngọc Lan đang là một ngôi sao tiếng tăm ở hải ngoại còn Don chưa là gì cả. Vậy nhưng, khi anh muốn Ngọc Lan hát chung với anh thì cô đã không ngần ngại từ chối, thậm chí khi đưa tiền, Ngọc Lan đã gửi lại chỉ vì: “Lan nghĩ, Don mới vào nghề nên chưa có nhiều tiền. Don cầm lại một ít, xem như Lan biếu Don”. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, Ngọc Lan luôn để lại những ấn tượng đẹp về sự tử tế với đồng nghiệp bằng những giúp đỡ tận tình cũng như luôn tìm những điều tốt đẹp nhất trong mọi người để lạc quan với chính đồng nghiệp của mình. Ca sĩ Kiều Nga trong một lần nhắc về Ngọc Lan, cô đã thừa nhận rằng khi Ngọc Lan mất, cô không muốn lên sân khấu nữa, không chỉ vì mất đi một người bạn song ca ăn ý tuyệt đối mà ở đời mất đi một sự tử tế đúng nghĩa. Để rồi, sau bao nhiêu năm Ngọc Lan về cõi vĩnh hằng, trên mộ cô luôn có hoa tươi của những người yêu quý. Phần thưởng cho những tài năng tử tế không bao giờ có sự kết thúc, và Ngọc Lan sẽ không bao giờ bị quên lãng.
GS Ngô Bảo Châu
Trong một bài báo, PGS. TS. NGDN Tôn Thất Thân, thầy dạy toán của GS. Ngô Bảo Châu ở trường Trưng Vương năm xưa kể rằng, khi đã được vinh danh trên toàn thế giới, Ngô Bảo Châu có gửi cho thầy một bức thư. Trong bức thư này, GS. Châu nhắc lại một chuyện từ thời mình đi học. Do sự việc xảy ra quá lâu, thầy Thân không còn nhớ, nhưng khi đọc xong thư, thầy đã rất xúc động.
Hôm đó, trời mưa to, sau khi tới lớp, thầy Thân vắt chiếc áo mưa lên bàn. Hết giờ giải lao, thầy thấy chiếc áo mưa bị vo tròn như một quả bóng, nằm lăn lốc dưới chân cậu học trò tên Huy. Vì không biết phải trả lời thế nào, Huy đành đứng im chịu phạt.
Thầy Thân nghiêm giọng nói: “Tại sao các em lại làm thế với chiếc áo mưa của tôi? Hôm nay các em làm tôi rất buồn, mất lòng tin. Một là các em không biết tôn trọng tài sản riêng của người khác, hai là các em đã không dũng cảm để đứng ra nhận lỗi cùng bạn Huy”.
Trong bức thư của mình, Châu đã thú nhận với thầy: “Lúc đó, em đã cảm thấy rất xấu hổ vì đã nhiệt tình tham gia đá bóng với cái áo mưa khốn khổ của thầy, mà lại im thin thít. Em học được ở thầy để yêu cái đẹp trong sáng của một bài toán, học được rằng trình bày lời giải cho sáng sủa cũng khó như tìm ra lời giải. Ngoài ra, chúng em học được ở thầy một điều rất quan trọng là: “Muốn sống tử tế, trước hết phải biết xấu hổ”.
Steve Jobs
Đôi khi trong cuộc sống, mình cảm thấy như bị người ta đập vào đầu bằng một viên gạch. Đừng mất niềm tin. Tôi tin rằng điều duy nhất giữ cho tôi đứng vững và tồn tại là tôi yêu thích những gì tôi làm. Mình phải tìm cái mình yêu thích. Cái mình yêu thích có thể là công việc của mình hay người mình yêu. Lao động chiếm một phần lớn trong cuộc đời, và mình chỉ thật sự hài lòng khi nào mình làm công việc mà mình nghĩ là cao quý. Và cách duy nhất để làm việc cao quý là yêu thích việc làm của mình. Mình phải đi tìm việc mình yêu thích. Nếu chưa tìm thấy thì cứ tiếp tục đi tìm. Đừng ngồi một chỗ.
Thời gian của chúng ta rất hạn chế. Đùng phung phí thì giờ để sống cuộc sống của người khác. Đừng trói buộc mình bằng những giáo điều. Đừng để tiếng động của ý kiến người khác làm chìm tiếng động của trái tim mình. Và quan trọng hơn hết, nên dũng cảm để theo đuổi những ý tưởng của con tim và trực giác.
Không ai muốn chết. Không ai có thể tránh khỏi cái chết. Cái chết là một sáng tạo duy nhất và hay nhất của cuộc đời. Cái chết là một tác nhân của sự thay đổi. Nó dọn cái cũ qua một bên để nhường đường cho cái mới. Ngay lúc này, cái mới là các bạn, nhưng một ngày nào đó không xa lắm đâu, các bạn sẽ trở thành cái cũ và bị cái chết dọn đường. Nên nhớ rằng tôi sẽ chết nay mai và đó chính là công cụ quan trọng nhất mà tôi chạm trán để giúp tôi có những lựa chọn lớn trong cuộc sống.
Theo
Ngọc Anh/ Thê giới người nổi tiếng