Nhiều doanh nghiệp phá sản, người dân làm ăn thua lỗ, nợ nần không có khả năng trả, dẫn đến hoảng loạn tâm lý. Rất nhiều con nợ vướng vào các đường dây cho vay nóng của giang hồ, bị dân anh chị có "số má" dồn vào chân tường, túng quẫn tìm đến cái chết để giải thoát.
Mới đây, Đoàn Ngọc S. (33 tuổi, trú tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đã tự sát vì không có tiền trả nợ. Nhiều người chứng kiến sự việc kể lại, trên bàn tay còn nguyên vẹn vắt lại bên đường ray xe lửa của S. còn nắm chặt giấy tờ vay nợ, giấy cầm đồ...
Một trong số rất nhiều vụ tự tử vì nợ xảy ra trong thời gian gần đây, khiến dư luận bàng hoàng nhận ra, nợ nần có áp lực khủng khiếp, nó không chỉ dồn con nợ đến bước đường cùng, mà còn gieo rắc những hậu hoạ khôn lường cho xã hội...
Trả nợ bằng sinh mạng
Trường hợp tìm đến cái chết như anh Đặng Nguyễn Anh D. (38 tuổi, ngụ chung cư A2, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) không hề hiếm. Anh D. đã có những biểu hiện khác lạ, hoảng loạn tinh thần từ khi "lỡ" vay 100 triệu đồng của một số người cho vay nặng lãi. Sau khoảng thời gian ngắn, số tiền anh vay đã sinh lãi lên đến 180 triệu đồng. Dù anh đã cố gắng trả trước 110 triệu đồng nhưng chủ nợ vẫn buộc trả cả gốc lẫn lãi 180 triệu đồng mới buông tha. Liên tục mấy ngày liền, bọn giang hồ đến nhà đòi nợ, hăm dọa xử anh theo luật giang hồ. Và khi công việc làm ăn thất bại, không tìm đâu ra đủ số tiền để trả nợ, trong cơn túng quẫn, chịu nhiều áp lực, anh đã tìm đến cái chết, bỏ lại vợ và ba đứa con thơ.
Chỉ vì bị thúc bách trả nợ, Dư Kim Liên đã cố sát chồng với hy vọng sẽ tự định đoạt tài sản chung của hai vợ chồng.
Người dân sống và qua lại khu vực đường Thích Quảng Đức (phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM) một phen hoảng hốt khi thấy một người đàn ông ngồi giữa đường bốc cháy ngùn ngụt. Sự việc xảy ra vào ngày 23/6/2012 khiến người đàn ông này thiệt mạng ngay sau đó. Qua điều tra, cơ quan công an kết luận người đàn ông quẫn trí do gánh nợ từ cá độ bóng đá mùa Euro 2012, nên đã tự kết liễu cuộc đời để thoát nợ. Có lẽ, anh D. và người đàn ông này nghĩ chết đi để bọn giang hồ không còn quấy nhiễu, có thể tìm đến mình đòi nợ nữa.
Giải quyết nợ nần bằng tính mạng bản thân đã thành nỗi đau lớn, mang cả người thân gia đình vô tội xuống địa ngục còn là cách giải quyết cực kỳ tiêu cực của "con nợ". Mới đây, ngày 7/3/2013, anh Lê Thành Tr. (nhân viên Ngân hàng TMCP Kiên Long, chi nhánh tỉnh Tiền Giang) đã giết chết vợ đang mang thai và đứa con trai 7 tuổi rồi treo cổ tự tử. Trước khi gây ra tội lỗi kinh hoàng, Tr. đã kịp để lại bảy bức thư tuyệt mệnh, biện minh rằng do làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất nên giết vợ con rồi treo cổ tự tử để được giải thoát.
Đau lòng hơn, mới đây người dân Nha Trang phát hiện ra thi thể của hai vợ chồng ông Trần Vũ H. (61 tuổi) và vợ Đoàn Thị Cẩm Th. (60 tuổi) chết trong tư thế cột chặt với nhau bằng dây vải, tay trái người chồng ôm ngang lưng vợ trên mặt biển ven đường Phạm Văn Đồng. Công an TP. Nha Trang thu giữ được một số lá thư tuyệt mệnh khi tiến hành khám nghiệm hiện trường và tử thi, trong đó có đoạn viết: "Tuyết có mượn của Màu 30 triệu đồng cho Thạch, nhưng giờ Thạch không trả được, xin Màu đừng gây khó cho Tuyết và làm phiền hà má Thạch...".
Phạm tội vì nợ
Tự hủy hoại bản thân, hay cùng nhau tự vẫn chưa là cái đích cuối cùng mà nợ dồn “con nợ” vào bi kịch. Dư Kim Liên (45 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) có chồng làm CSGT và hai con đã trưởng thành đã bị nợ làm biến chất và trở nên độc ác. Thói mê cờ bạc khiến bà Liên nợ nần chồng chất, nhiều lần bị giang hồ đe dọa thanh toán. Hoảng sợ, bà bắt buộc chồng bán nhà nhưng chồng không đồng ý và đòi ly hôn. Biết khó có tiền, “xã hội đen” thì đang xiết nợ hàng ngày, Dư Kim Liên nghĩ đến việc giết chồng để có giấy tờ nhà đem bán trả nợ. Không lối thoát, bà Liên đã ra tay sát hại chồng dã man để toàn quyền quyết định tài sản của hai vợ chồng. Tương tự trước đó là vụ Trần Thuý Liễu "hoả thiêu" người chồng của mình - nhà báo Hoàng Hùng cũng chỉ bởi vòng xoáy tình - tiền.
Không ít những trường hợp con nợ vì chậm trả tiền đã bị nhóm đòi nợ thuê thanh toán. Sáng ngày 3/6/2011, một băng nhóm đòi nợ thuê khoảng 20 người chia làm nhiều nhóm, với mã tấu, dao bao vây mọi lối vào chung cư Tôn Thất Thuyết (quận 4) để thanh toán Hồ Giang Tín Nghĩa (39 tuổi). Băng nhóm tới bàn nhậu nơi Nghĩa đang ngồi đòi tiền, nhưng bất thành liền dùng mã tấu rượt đuổi chém Nghĩa tử vong và năm người khác bị thương. Án mạng xuất phát từ việc Nghĩa thua cá độ hơn 100 triệu đồng nên chủ nợ thuê đám giang hồ đi đòi. Hay như ông Võ Văn Tài (59 tuổi) ngụ quận 8 bị nhóm đòi nợ thuê thiêu sống ngày 11/3/2012 (bỏng 40% cơ thể) chỉ vì thiếu nợ 4.000 USD (trên 80 triệu đồng) mà chưa có tiền trả.
Thi thể của hai vợ chồng ông Trần Vũ H. (61 tuổi) và vợ Đoàn Thị Cẩm Th. (60 tuổi) tìm đến cái chết để "giải thoát nợ nần".
Báo động một hiện tượng xã hội
Tìm cách giải thoát khỏi nợ nần bằng cách kết liễu đời mình đang dần tăng lên một cách đáng báo động. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: "Mỗi một người trong cuộc đời mình đều có một nhân sinh quan, một lý tưởng sống khác nhau. Khi họ bị khủng hoảng niềm tin, rơi vào bế tắc, không còn đề cao được giá trị của bản thân, họ thường tìm đến cái chết. Đó là hiện tượng logic tâm lý bình thường, không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà trên khắp thế giới. Khi đối diện với một số nợ khổng lồ, mất hết khả năng chi trả, họ sẽ nghĩ ngay đến việc kéo cày cả đời không thể trả hết, thì sống có khi không bằng chết. Kết thúc cuộc đời, là kết thúc mọi lo lắng, buồn bực vì nợ nần một cách êm đềm nhất".
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm lý giải: "Nợ nần là một trong những lý do khiến con người trở nên hoảng loạn, không còn kiểm soát được hành vi của mình, dễ gây ra án mạng và chọn giải pháp tiêu cực. Nhất là khi họ bị đe dọa, đòi nợ ráo riết từ những nhóm đòi nợ thuê. Những người tìm cách giết người để độc chiếm tài sản là họ muốn tìm cho mình một lối thoát khác, khi bị đẩy vào bước đường cùng. Tự tử, hoặc giết người vì nợ đều do họ không có đủ sức mạnh tinh thần, nghị lực để vượt qua khủng hoảng, sáng suốt tìm ra những cách giải quyết khác. Và họ trượt dài trong cơn bấn loạn của mình, đi từ sai lầm này đến sai lầm khác".
Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Anh, một chuyên viên nghiên cứu xã hội học tại TP.HCM cho biết: "Trường hợp nợ tiền tỉ, thậm chí vài chục, vài trăm tỉ thực tế là rất khó để hoàn trả. Và lựa chọn sau cùng của con nợ là tự tử cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, có những trường hợp chỉ nợ từ 10 - 50 triệu đồng, hoàn toàn trong khả năng trả, nhiều người vẫn tự tử. Đây là một hiện tượng báo động trong xã hội.
Những bức tranh xấu của xã hội đang dần làm cho con người ta trở nên yếu đuối đi. Họ tự tử vì những ràng buộc xã hội ngày càng lỏng lẻo, con người ngày càng ít quan tâm, chia sẻ với nhau. Thêm vào đó "ngôn ngữ bạo lực" đang dần trở thành thường nhật trong xã hội. Ở đó lối ứng xử giữa người với người ngày càng lạnh lùng, nhẫn tâm, đẩy họ vào trạng thái bơ vơ, bất an với những khoản nợ mình đang gánh".
Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Anh cho rằng: "Dịch vụ "tín dụng đen" nở rộ, kéo theo sau nó là dịch vụ đòi nợ thuê. Đây chính là nguyên nhân hình thành những "chiêu" siết nợ theo kiểu giang hồ, xã hội đen. Các dịch vụ núp bóng công ty đòi nợ này thời nào cũng có, nhưng ngày càng nở rộ bởi nền kinh tế hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, đa phần những người bị siết nợ kiểu xã hội đen là người thua cá độ, chơi cờ bạc, hoặc đã thiếu nợ khắp nơi, cùng đường liều mình vay nóng của giới chuyên cho vay nặng lãi". Luật sư Nguyễn Kiều Hưng lý giải: "Nếu vay ngân hàng thì cần có tài sản thế chấp và thủ tục rườm rà, nhiều người muốn nhanh gọn nên ra ngoài vay nóng. Vậy nên khi đòi, chủ nợ cũng yêu cầu nhanh, gọn như lúc cho vay. Nếu khởi kiện ra tòa đòi nợ rất rắc rối, hiệu quả thấp, nên chủ nợ thường tìm đến công ty, nhóm chuyên đòi nợ thuê đòi thay mình. Đối tượng này sẽ không từ bất kỳ thủ đoạn nào để đòi nợ. Không đòi được thì chúng lấy mạng, coi như một cách trả nợ".
Tác động của khủng hoảng kinh tế quá khủng khiếp Bà Nguyễn Thị Kim Anh, chuyên gia nghiên cứu kinh tế tại TP.HCM cho biết, hậu quả của khủng hoảng kinh tế đang thể hiện rõ trên mọi mặt của cuộc sống của người dân. Hậu quả thấy rõ nhất là số người vỡ nợ ngày càng nhiều. Trong rất nhiều vụ vỡ nợ, rất nhiều con nợ đã tìm đến cái chết để giải thoát khỏi chuyện nợ nần. Tuy nhiên, sau khi chết đi, số nợ này đặt lên vai người thân mà những hệ lụy đau lòng lại tiếp tục diễn ra. Hiện nay, việc giải quyết nợ nần trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn là một làm vô cùng khó. Bởi vậy, khi quyết định vay mượn bất kỳ số tiền nào, người đi vay cần suy tính thiệt hơn để ngăn chặn các hệ lụy xấu nhất có thể xảy ra. |
Ngọc Lài - Hương Lam