Thay vì mua than của TKV, EVN có thể mua của các doanh nghiệp khác trong nước với mức giá hợp lý hơn, chấp nhận được mà than vẫn đảm bảo chất lượng cho phát điện. Các doanh nghiệp than khác trong nước cũng sản xuất được than có giá thành hợp lý với cung cầu thị trường.
Cũng kể từ đó, “cuộc chiến 2 triệu tấn than” không chỉ là câu chuyện giữa bên bán – bên mua theo quy luật cung – cầu thị trường mà còn là câu chuyện của hai tập đoàn nhà nước thuộc hai mảng kinh doanh vốn được coi là “độc quyền” bấy lâu nay mà Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương trở thành “người phán xử bất đắc dĩ”.
TKV bán than, EVN bán điện.
Từng đồng chi phí, doanh thu, tiền nộp thuế đều liên quan đến một quỹ chung mang tên Ngân sách Nhà nước. Nhưng đã là doanh nghiệp, lợi ích kinh tế cũng phải được đặt lên trên hàng đầu.
TKV đã ngay lập tức “than thở” đủ điều về đang gặp phải một khó khăn nan giải đó là tồn đọng 9,3 triệu tấn than chưa tiêu thụ được. Rồi rằng “nếu EVN giảm mua than, sẽ có khoảng 4000 công nhân, lao động của tập đoàn này đứng trước nguy cơ thất nghiệp”.
Vậy hóa ra, nỗi khổ của TKV, EVN phải nhận trách nhiệm “giải cứu”, than của TKV tồn kho, EVN phải có trách nhiệm xử lý, công nhân của TKV có nguy cơ thất nghiệp, EVN cũng phải có trách nhiệm.
Nếu EVN chấp nhận việc mua than đắt của TKV, chi phí đầu vào sẽ tăng, giá thành đương nhiên sẽ tăng. Và bật mí thêm, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 24/2017, thay thế Quyết định số 69/2013 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, Trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3%-5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Nói cho dễ hiểu, EVN có quyền tự ý tăng giá điện 3-5% nếu giá thành tăng. Vậy người chịu thiệt trực tiếp nếu EVN vẫn phải tiếp tục mua than của TKV là ai? Là hơn 90 triệu dân - hơn 90 triệu khách hàng của EVN đang sử dụng điện hàng giờ trên khắp các tỉnh thành của dải đất hình chữ S này!
Hoa Liên