* Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! Arsenal tới Việt Nam đang là một sự kiện thể thao lớn, với những nghi thức đón tiếp long trọng, sự hồ hởi đặc biệt của người hâm mộ. Chúng ta đang quá đề cao họ chăng?
- Hồng Ngọc: Tôi quan niệm đây là điều bình thường. Họ được chào đón ở Việt Nam cũng tương tự như đã được chào đón ở Indonesia, hay Manchester United được chào đón ở Thái Lan. Đó là những CLB bóng đá nổi tiếng toàn cầu, trở thành những thương hiệu thể thao toàn cầu, nên họ được chào đón ở khắp nơi là việc bình thường. Ở quê nhà của họ, họ là một câu lạc bộ theo đúng nghĩa, tức là một trung tâm sinh hoạt, tập luyện, thi đấu thể thao của cộng đồng. Đội bóng chuyên nghiệp là cái đỉnh cao, là phần được biết đến nhiều nhất khi ra khỏi khu vực đó, thậm chí chúng ta chỉ biết đến họ ở vai trò đó.
Ở quê nhà của họ, ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một đội bóng để yêu thích, để cổ vũ, thậm chí tới sân cổ động cho họ hằng tuần. Cũng dễ dàng gần như người Hà Nội tiếp cận Hà Nội T&T và cầu thủ của họ, hay người Sài Gòn tiếp cận Sài Gòn Xuân Thành và các “ngôi sao” của đội bóng này. Các đội bóng này còn có những quy định cao về trách nhiệm của cầu thủ với người hâm mộ, như ký tặng, chụp ảnh chung, hay thậm chí dạy bóng đá miễn phí cho trẻ em trong một số chương trình nhất định.
Các cầu thủ Arsenal đã có một chuyến du đấu đáng nhớ tại Việt Nam
Nhưng ra nước ngoài, có thể gần cả một đời người họ mới đến thi đấu giao hữu ở một nơi. Đây là lần đầu tiên Arsenal tới Việt Nam, và cũng là lần đầu tiên một CLB ở giải Ngoại hạng Anh tới Việt Nam, dù người hâm mộ của chúng ta đã ao ước điều đó hai thập kỷ qua. Và đã trải qua 17 năm kể từ khi một CLB nổi tiếng khác của châu Âu là Juventus tới Việt Nam, khi đó họ đến mà thiếu hầu hết các trụ cột vì tập trung đội tuyển quốc gia, còn Arsenal tới Việt Nam chỉ vắng những cầu thủ bị chấn thương.
Một đằng là ở London, nếu người ta muốn xem Arsenal thì sẽ được toại nguyện, nếu muốn chụp ảnh cùng ngôi sao Arsenal nào đó, cũng không quá khó để đạt được. Còn những người Việt Nam yêu mến Arsenal có thể cả đời mới có một cơ hội như thế này. Còn bỏ tiền sang tận London xem họ ư? Đó chỉ là cách của nhà giàu, hoặc trung lưu lớp trên.
* Nhưng đâu nhất thiết phải cần tới 1.000 nhân viên bảo vệ, hay ở khách sạn 5 sao?
- Vấn đề thứ nhất là trong một môi trường mới lạ, tình huống mới lạ, người ta phải chuẩn bị cho vô số trường hợp không lường trước được. Quan niệm chung là thừa hơn thiếu. Vậy mà thực tế mức độ được bảo vệ vẫn thiếu, khi có người hâm mộ đột phá thành công hàng rào bảo vệ để tiếp cận xe bus chở đội bóng, hay Arsenal phải từ bỏ và rút ngắn một số kế hoạch tham quan. Và những chi phí này là đối tác phải lo liệu. Còn ở nước họ, họ thấu hiểu văn hóa bản địa nên không phải quá cầu toàn. Và mọi chi phí họ phải lo liệu, nên cố gắng chuẩn bị ở mức vừa đủ.
Chuyện khách sạn 5 sao chỉ là vấn đề tiêu chuẩn, mức sống. Họ là một thương hiệu thể thao toàn cầu, và đó là tiêu chuẩn sinh hoạt cơ bản của họ khi ra nước ngoài, còn trong mắt chúng ta đó là điều xa xỉ.
Cũng vì họ là một thương hiệu lớn, chúng ta cần họ hơn là họ cần chúng ta. Vì vậy chúng ta phải thích nghi với tiêu chuẩn của họ, chứ không thể đòi họ thích nghi với các tiêu chuẩn của chúng ta.
* Hãy đặt vấn đề theo một cách khác: Họ là một thương hiệu và phải chăm sóc cho khách hàng của mình?
- Tôi vừa nói tới việc những đội bóng như thế này quy định trách nhiệm rất lớn cho các cầu thủ đối với người hâm mộ, đó chính là việc chăm sóc khách hàng. Nhưng chỉ ở quê nhà, họ mới ở trạng thái quen thuộc để dễ dàng làm điều đó. Còn đi ra ngoài là chuyện khác, họ phải đặt nhu cầu an toàn lên trên. Dù vậy, việc áp đặt các tiêu chuẩn cao là mang tính tổ chức dành cho đối tác hơn là việc áp đặt lên khách hàng chính của họ - những người hâm mộ bóng đá. Chúng ta hãy lưu tâm việc Arsenal yêu cầu Ban tổ chức phải cho người hâm mộ vào sân xem buổi tập của họ miễn phí, dù chi phí tổ chức cho buổi tập có rất đông người xem như vậy không phải là miễn phí.
* Chúng ta hãy chuyển sang nhìn nhận vấn đề theo một hướng khác: văn hóa thần tượng. Tình trạng này ở Việt Nam đã rất phổ biến và có những biểu hiện đáng báo động, như khi người hâm mộ đón các ngôi sao K-pop chẳng hạn?
- Văn hóa thần tượng tự nó không xấu, và tôi không coi đó là điều đáng báo động. Với đại bộ phận giới trẻ, đặc biệt trong nền giáo dục của chúng ta chỉ có những giáo điều về đạo đức mà không giáo dục giá trị sống, thì văn hóa thần tượng chính là cách lấp đầy khoảng trống về giá trị sống của họ. Khi thiếu vắng giá trị sống, thì cách dễ dàng nhất là sống theo thần tượng. Ngay cả văn hóa phương Tây dù có nền giáo dục dạy trẻ về giá trị sống từ rất bé thì họ cũng vẫn tôn trọng văn hóa thần tượng.
Chỉ có cách biểu hiện xấu của văn hóa thần tượng. Khi mà người hâm mộ không sử dụng thần tượng như một tấm gương để học cách sống theo đó nữa, chỉ chìm vào sự mê muội thần tượng mà không làm gì cả, không học hành, không làm việc thì đó mới là điều đáng báo động. Nhưng đó lại là một vấn đề khác, không dừng lại ở khái niệm văn hóa thần tượng nữa.
Thứ nhất, đó là việc được tôn trọng với văn hóa thần tượng, và một cách thức giáo dục phù hợp với văn hóa thần tượng. Những người trẻ mới lớn có khát vọng khẳng định rất cao, và khi thần tượng của họ bị phỉ báng thì họ sẽ phản kháng bằng cách… mê muội thần tượng của mình hơn. Đó cũng là con đường mà họ xa cách với những người lớn đã phỉ báng thần tượng của họ. Trong khi người lớn lại không biết sử dụng văn hóa thần tượng để dẫn đường chọ họ học cách sống.
Thứ hai, sự thiếu vắng của lao động trong việc giáo dục thế hệ trẻ hiện nay. Một tỷ lệ rất lớn trẻ em thành thị hiện nay chỉ có đi học và đi học, được miễn giảm không chỉ việc “sản xuất nhỏ” như trước đây, mà thậm chí cả việc nhà hay một phần việc vệ sinh cá nhân. Vì vậy, thần tượng chỉ để làm tượng, không có phần thần để thôi thúc họ làm được như người mà mình tôn thờ, vì không có lao động. Thần tượng Thiery Henry cả chục năm mà… không chịu ra sân đá bóng thì anh không bao giờ có cơ hội thành một cầu thủ như Henry. Và ở lĩnh vực mà nhờ thế anh tôn Henry làm thần tượng anh còn không chịu học theo, thì mong gì anh học tập Henry về cách sống?
*Cám ơn Hồng Ngọc!
Theo Thể thao Văn hóa cuối tuần