Khi trưởng Ban Nội chính xin việc cho thạc sỹ thất nghiệp

Khi trưởng Ban Nội chính xin việc cho thạc sỹ thất nghiệp

Thứ 7, 28/09/2013 15:26

Dư luận vừa qua xôn xao về việc ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban Nội chính Trung ương đã bút phê xin việc giúp cho một thạc sĩ bằng giỏi nhưng lại đang đi làm công nhân ở Đà Nẵng. Sự việc này được nhiều người đánh giá là một hành động bước đầu nhằm tuyên chiến với nạn "chạy việc" vào cơ quan Nhà nước ở Đà Nẵng nói riêng và trong phạm vi cả nước nói chung hiện nay.

Bút phê xin việc cho thạc sĩ thất nghiệp

Vừa qua, ông Nguyễn Bá Thanh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) trên cương vị trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng. Ông đã tiếp thu và giải quyết nhiều thắc mắc của cử tri về nhiều vấn đề liên quan như: Chống tham nhũng, y tế, giáo dục… Nhiều cử tri phản ánh tình trạng con mình học xong nhưng không có việc làm, dù đã phải vay ngân hàng làm "lộ phí chạy việc" cho con. Sau khi nghe cử tri phản ánh về tình trạng trên, trưởng Ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh đã xem xét ngay và viết giới thiệu xin việc cho một trường hợp cụ thể.

Người được ông Nguyễn Bá Thanh xin việc cho là chị Phan Thị Trang Nhung (26 tuổi), tốt nghiệp thạc sỹ loại giỏi nhưng sau khi cầm đơn đi xin việc nhiều nơi, vẫn không có nơi nào nhận. Từ cấp phổ thông Nhung đã có nhiều năm liền đạt học sinh giỏi, cho tới đại học và sau này là thạc sỹ, cô đều được bằng giỏi. Nhung từng được chính ông Nguyễn Bá Thanh tặng thưởng vì được giải nhì môn Văn và học giỏi toàn diện (khi học phổ thông). Học giỏi là vậy, một năm trở lại đây, Nhung phải xin làm công nhân thời vụ cho một công ty sản xuất đồ nhựa với mức lương thấp.

Xã hội - Khi trưởng Ban Nội chính xin việc cho thạc sỹ thất nghiệp

Nhiều thạc sỹ ra trường bằng giỏi nhưng vẫn lận đận tìm việc (Ảnh minh họa).

Sau khi nghe phản ánh, ông Thanh nói xin việc là khó, nhưng bằng giỏi mà không xin được việc thì phải xem lại. Ông Thanh đã xem xét ngay hồ sơ cụ thể của thạc sỹ Nhung. Sau khi xem, ông Thanh nhận xét: "Tôi thấy đúng là học giỏi thật, nên tôi có ghi vô mấy chữ để giới thiệu. Chưa biết được hay không".

Chuyện một số lãnh đạo xin việc cho những thủ khoa không tìm được việc làm không phải là chuyện bây giờ mới thực hiện. Trước đó Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng đã xin việc cho La Văn Ngọ, thủ khoa trường đại học Giao thông vận tải vì anh này không xin được việc làm phù hợp. Tuy nhiên, những việc này chỉ giới hạn trong một phạm vi hẹp và mang tính cá biệt trong khi số lượng sinh viên, thạc sĩ ra trường bằng thủ khoa, bằng giỏi lại rất nhiều như hiện nay.

Hành động xin việc cho thạc sỹ loại ưu của ông Nguyễn Bá Thanh nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội. Ông Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đánh giá: "Ở một mặt nào đó, hành động của ông Nguyễn Bá Thanh rất đáng được hoan nghênh. Điều này thể hiện mong muốn cũng như quyết tâm của ông Thanh trong vấn đề sử dụng nguồn lao động chất lượng cao trong các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên chúng ta cần phải nhìn nhận rằng, đây chỉ là một hành động mang tính cá biệt, đơn thuần vì một lý do cá nhân nào đó mà thôi. Bởi lẽ, ông Thanh không thể xin việc cho toàn bộ những thạc sỹ, cử nhân bằng giỏi trên địa bàn Đà Nẵng được. Trong khi đó, đây không phải là nhiệm vụ của ông ấy mà trách nhiệm bổ sung nhân sự lại thuộc về cơ quan khác. Ông Thanh xin việc dựa trên tư cách cá nhân với những mối quan hệ của riêng ông ấy chứ không phải tư cách là một tập thể đang cần tuyển người. Ông Thanh giúp đỡ thạc sỹ  kia chỉ là trường hợp cá biệt chứ không phải phổ biến, do đó không giải quyết được vấn đề chung  về nguồn nhân lực như hiện nay".

Theo ông Lê Như Tiến thì mấu chốt vấn đề vẫn nằm ở cơ chế tuyển nhân sự vào các cơ quan Nhà nước. "Hiện nay ở nhiều nơi, chúng ta tuyển nhân sự không lấy tài năng làm đầu mà dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau như: Quen biết, tiền lệ, đồ đệ, hậu duệ... còn trí tuệ lại là tiêu chí xếp sau cùng. Rõ ràng, với cơ chế như vậy thì chắc chắn không thể có người tài được. Những người giỏi không sớm thì muộn sẽ bị đánh bật ra khỏi cơ quan, tổ chức vì không thể chịu nổi áp lực" - ông Tiến cho hay.

Xã hội - Khi trưởng Ban Nội chính xin việc cho thạc sỹ thất nghiệp (Hình 2).

Ông Lê Như Tiến: Cần có một chính sách tổng thể hơn là hành động cá nhân.

"Cần một chính sách tổng thể"

Chúng ta đang có nhiều thạc sỹ, tiến sỹ

Theo số liệu thống kê của bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), hiện nay cả nước có hơn 24.300 tiến sỹ (TS) và hơn 101.000 thạc sỹ (ThS). So với năm 2006, con số này tăng bình quân 11,6%/năm, trong đó số TS tăng 7%/năm, ThS tăng 14%/năm. Hiện chưa có một số liệu thống kê nào chỉ ra rằng trong số những thạc sỹ này có bao nhiêu phần trăm đã tìm được việc, bao nhiêu phần trăm phải lãng phí kiến thức học tập được để đi làm trái nghề, bao nhiêu phần trăm chưa có việc làm.

Mặc dù hoan nghênh thái độ của Trưởng ban Nội chính Trung ương nhưng theo ông Lê Như Tiến, việc này cũng cho chúng ta thấy những "vấn đề" tồn đọng trong chính sách tuyển dụng nhân sự ở các cơ quan Nhà nước.

Ông chia sẻ: "Chúng ta cần phải có một cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích những người có trình độ cao vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Những người này được mặc định là có năng lực nhưng lại không thể tự xin việc, phải dựa vào một cá nhân có uy tín, có chức vụ ở tỉnh, ở Trung ương xin việc cho thì rõ ràng cơ chế có vấn đề rồi. Theo tôi, phải có những chính sách xuyên suốt, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội để những người có năng lực được làm việc chứ một lãnh đạo không thể đi xin việc cho toàn bộ mọi người được. Đó không phải là chính sách đãi ngộ mà chỉ mang tính chất cá nhân trong xử lý sự việc".

Vấn đề sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan Nhà nước vốn đã được báo chí đề cập rất nhiều. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ông Tiến thì trong các cơ quan Nhà nước hiện nay, có khoảng 60% công chức có năng lực trung bình và yếu. Nguyên nhân cũng đã được nói rất nhiều và quan trọng hơn, nó diễn ra ở tất cả các lĩnh vực. Bởi thế ông Tiến nhận định: "Có lẽ vì thực trạng chung như vậy mà ông Nguyễn Bá Thanh mới quyết định xin việc cho thạc sỹ kia. Riêng hành động này cũng nói lên được nhiều vấn đề. Vì thế, thay vì hành động mang tính cá thể, chúng ta có thể ban hành một chính sách quyết liệt, mang tính phổ biến toàn xã hội hơn là đi xử lý từng cá nhân, vụ việc. Một thực tế là nhiều người giỏi ở các cơ quan Nhà nước bị đánh bật ra khỏi cơ quan hoặc không có cơ hội phát triển trong cơ quan đó. Vì vậy, tạo chính sách thu hút người tài là một chuyện quan trọng nhưng việc để họ phát huy tốt khả năng, trình độ của mình lại càng quan trọng hơn".

Ông Tiến cũng cho rằng, một mặt cần hoan nghênh thái độ của ông Nguyễn Bá Thanh, nhưng một mặt phải có chính sách tổng thể. Điều quan trọng nhất là phải đề ra một hệ thống chính sách cho toàn xã hội thực hiện chứ không phải đi thực hiện từng cá nhân cụ thể. Như vậy, công cuộc chống nạn chạy việc mới có thể phát huy hiệu quả được.

Phạm Thiệu - Thành Huế

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.