Thổ Nhĩ Kỳ đang bị hút về phía Nga và dần từ bỏ mối quan hệ với Mỹ - điều từ vài tháng nay đã gây ra những căng thẳng trong nội bộ các nước NATO. Đến thời điểm hiện tại, mọi thứ thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi Moscow có thể gián tiếp khiến cho khối quân sự lâu năm của phương Tây trở nên chia rẽ, bình luận viên Polina Tikhonova từ trang Value Walk nêu quan điểm.
Trong thời gian gần đây Thổ Nhĩ Kỳ đã xem Moscow như một quyền lực quan trọng ở khu vực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Niềm tin này lớn mạnh đến mức ngay cả vụ ám sát Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov hôm 19/12 cũng không thể phá vỡ sự tái lập quan hệ Nga-Thổ.
Ngược lại, một số quan chức ở cả hai quốc gia còn ám chỉ thảm kịch này thể đã có bàn tay của Mỹ tham gia.
Ngay sau ngày diễn ra vụ việc, một cuộc họp thảo luận giải pháp cho cuộc chiến Syria đã được tổ chức tại Moscow giữa các quan chức Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhưng Mỹ không được mời tham gia. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ không là một thành phần giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Trong khi Mỹ đang bị bỏ rơi một mình, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có với nhau những hợp tác trung gian mà có thể là những giải pháp cho cuộc xung đột.
Hồi đầu tháng này, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một bàn đàm phán tại Ankara giữa các quan chức Nga và phiến quân Syria. Cuộc đàm phán đưa đến một thỏa thuận sơ tán dân chúng ở Aleppo. Trong khi thỏa thuận ngừng bắn trở nên khó khăn, việc di tản ở Aleppo vẫn được tiến hành.
Cho đến hiện tại nhiều người vẫn ngạc nhiên khi Nga thể hiện những bước đi rất hợp lý để trở thành bạn bè với Thổ Nhĩ Kỳ - lực lượng quân đội lớn thứ hai của NATO. Mặc dù Moscow và Ankara có quan hệ kinh tế thân thiện trong nhiều thập kỷ nhưng trên khía cạnh ngoại giao, cả hai không có sự hòa nhịp với nhau.
Nhưng sự tái lập trong quan hệ Nga-Thổ gần đây chỉ ra rằng Nga đã sẵn sàng để thực hiện những thay đổi rất lớn về mặt địa chính trị. Dù Ankara hỗ trợ phe đối lập, Moscow ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy nước này sẵn sàng để thỏa hiệp. Cũng trong cuộc gặp tuần trước, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã ký vào bản đề nghị của Nga đối với giải quyết cuộc xung đột Syria trong một thỏa thuận gọi là Tuyên bố Moscow.
Aaron Stein, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và một thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, mô tả tái lập quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga chính là hình thức "Thổ Nhĩ Kỳ ngả về phía Nga". Stein nói trong cuộc phỏng vấn với The New York Times rằng lập trường "Assad phải đi" của Thổ Nhĩ Kỳ giờ đã "không còn" là chính sách cố hữu.
Mỹ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đến với Nga
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã luôn mong ngóng trong nhiều thập kỷ về việc gia nhập Liên minh châu Âu, nhưng trong năm nay, Ankara có vẻ ít quan tâm về điều này. Kể từ khi cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7, những chỉ trích về nhân quyền của phương Tây đối với Ankara chính là "giọt nước tràn ly" khiến quốc gia này tiến dần về phía Nga.
Với sự lệ thuộc lớn vào Moscow trong lĩnh vực năng lượng và du lịch, tìm kiếm các mối quan hệ ấm áp hơn với ông Putin dường như là cách tốt nhất mà Ankara nên lựa chọn.
Cũng từ điều này Thổ Nhĩ Kỳ không còn tin rằng quan điểm của mình về Syria trùng với Mỹ nữa, Ankara thậm chí nghĩ họ không có nhu cầu muốn mời Washington để bàn về Syria.
Bình luận viên Polina Tikhonova chỉ ra 4 lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm sự gần gũi với Nga:
1. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đối mặt với áp lực lớn từ phương Tây sau cuộc đảo chính vài tháng trước. Cáo buộc không ngừng của Mỹ về nhân quyền mà Ankara xem là điều vô lý đã dần kéo nước này rời khỏi Washington.
2. Tổng thống Erdogan phải đối mặt với áp lực đáng kinh ngạc trong nước về lập trường với Mỹ sau những cáo buộc nói trên.
Về cơ bản tư tưởng "bài Mỹ" tại Thổ Nhĩ Kỳ lớn dần từng ngày khi nhiều người phàn nàn mối quan hệ giữa cả hai trong những năm gần đây chỉ nói mà không đi đôi với làm.
3. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ dựa chủ yếu vào du lịch và nó đã chịu ảnh hưởng nặng nề sau lệnh cấm du khách Nga đến quốc gia này. So về lượng khách du lịch đến Ankara, Mỹ kém hẳn so với Nga.
4. Ankara không còn mặn mà với chính sách của Mỹ ở Syria. Nhiều nhà phân tích của Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng chính sách của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đã thất bại. Họ cũng tin rằng Nga đã đóng một vai trò rất lớn trong việc tiêu diệt IS và đạt được hòa bình ở Syria.
NATO có thể sụp đổ khi Nga-Thổ gần nhau
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa từ bỏ lập trường "Assad phải đi", thế nhưng với việc Mỹ cho thấy sự suy yếu trong vài tháng qua, Ankara không còn đặt niềm tin ở Washington trong việc hậu thuẫn phe đối lập Syria.
Ankara đang quan tâm đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria càng sớm càng tốt, vì nước này sợ rằng một khu vực người Kurd tự trị có thể được thiết lập dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Căng thẳng giữa Ankara và Washington cũng đang phát triển bởi Mỹ ủng hộ một nhóm gọi là Lực lượng Dân chủ Syria vốn được cấu thành từ các chiến binh người Kurd.
Kể từ khi người Kurd bắt đầu gia tăng sức mạnh ở miền bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhảy vào can thiệp quân sự. Ankara tin rằng nếu không có sự ủng hộ của Moscow, người Kurd có thể tạo ra một nhà nước trên thực tế dọc biên giới.
Ngoài tình hữu nghị trong giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, điều này cũng làm chia rẽ nội bộ NATO. Nếu một tình huống đụng độ giữa Nga và một thành viên NATO diễn ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tuân thủ theo Điều 5 của liên minh và bắt buộc phải tham gia vào một cuộc xung đột quân sự với Nga.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không sẵn sàng làm như vậy, nhiều khả năng NATO sẽ bắt đầu phân chia thành hai phe khác nhau và với sự tiên phong của Ankara, các thành viên khác cũng sẽ đứng lên đưa ra lựa chọn của riêng mình.
Nhà báo Thomas Guchker viết trên Frankfurter Allgemeine Zeitung rằng mọi thứ cho đến thời điểm hiện tại đều hết sức trôi chảy đối với Tổng thống Putin. Sau khi chinh phục Crimea, Nga đã một lần nữa trở thành ông chủ ở Biển Đen, còn Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ bảo vệ con đường ra biển Địa Trung Hải.
Nếu Moscow thuyết phục được Ankara rút khỏi NATO thì đó sẽ là thành công lớn hơn cả ở Ukraine hay Syria. Còn đối với Phương Tây và NATO những diễn biến hiện tại đang đi theo chiều hướng "đáng báo động", tác giả Frankfurter Allgmeine kết luận.
Đọc thêm>>> Chờ đợi gì từ Tổng thống Putin trong năm 2017
Quốc Vinh