Đưa con đi viện, bố mẹ bị cho là... bạo hành
Cô Christine Butcher đang sống cùng chồng là anh Pete Jensko cùng cô con gái 15 tháng tuổi Madison tại hạt Oxfordshire (Anh). Khi nhìn đứa con bé bỏng của mình chập chững bước những bước đầu tiên trong đời, cả hai đều ứa nước mắt. Kỷ niệm không lấy gì làm vui vẻ từ hơn một năm trước chợt ùa về khiến họ có cảm giác ớn lạnh.
Một ngày trong tháng 11/2011, bé Madison xuất hiện một vài vết tấy đỏ trên ngực và chân. Vị bác sĩ gia đình đến khám, ông khuyên vợ chồng cô Christine nên đưa con đến bệnh viện John Radcliffe trong khu vực để thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Và khi bé Madison được đưa đến bệnh viện này, mọi chuyện bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Sau khi thăm khám, vị bác sĩ ở đây hỏi thẳng vợ chồng cô: Anh chị đã đánh cháu phải không?
Gia đình cô Christine (trái) và cô Heather khi được đoàn tụ cùng con.
Hai người đã thực sự cảm thấy bị sốc trước câu hỏi ấy. Làm sao họ lại có thể đánh cô con gái bé nhỏ mới ba tuần tuổi của mình được? Cho rằng bác sĩ bông đùa, anh Pete đề nghị ông cho đơn thuốc và tỏ ý muốn đón con về điều trị tại nhà cho tiện chăm sóc. Nhưng vị bác sĩ ấy đã không đùa chút nào. Ông tuyên bố, những vết tấy đỏ trên người bé là dấu hiệu cho thấy rất có thể cha mẹ đã bạo hành cô bé. Theo luật, nạn nhân bạo hành phải được chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện chứ không được điều trị ngoại trú. Tức giận, anh Pete kiên quyết đưa con về nhà.
Buổi tối hôm đó, một bác sĩ gọi cho đôi vợ chồng này và nói, họ cho hai người một cơ hội cuối cùng để đưa con quay lại bệnh viện, ngay lập tức. Nếu không, bệnh viện sẽ báo cảnh sát. Lúc đó, bé Madison đang ngủ, và cô Christine trả lời rằng, họ sẽ đưa con vào bệnh viện vào sáng ngày mai, rồi úp máy. Chỉ ít phút sau khi cuộc điện thoại kết thúc, một xe cảnh sát và một xe cứu thương hú còi ầm ĩ, đỗ xịch trước cửa nhà cô. Hai viên cảnh sát cùng một đội ngũ đông đảo bác sỹ, y tá, điều dưỡng tiến vào. Cảnh sát tuyên bố, theo tố cáo của bệnh viện, họ nghi ngờ bé Madison đang gặp nguy hiểm do bị bố mẹ bạo hành. Vị bác sĩ đi cùng thì nói, bé phải được đưa vào bệnh viện ngay lập tức để thực hiện các xét nghiệm máu quan trọng và khẩn cấp. Vợ chồng cô Christine không còn cách nào khác là phải chấp hành, dưới sự giám sát của hai viên sĩ quan. Bé Madison được đưa tới bệnh viện, nhưng các bác sĩ đã để mặc cô bé ngủ tiếp trên giường bệnh chứ không hề có bất cứ xét nghiệm máu nào được thực hiện như họ từng tuyên bố. Trong khi đó, cô Christine và anh Pete được mời vào một phòng riêng, và hai viên cảnh sát ban nãy bắt đầu thẩm vấn họ để làm rõ cáo buộc đã bạo hành con mà bệnh viện đưa ra.
Những cáo buộc chủ quan, vô lý
Cả hai đã kịch liệt bác bỏ những lời buộc tội vô lý này, và đòi được gặp con. Nhưng cảnh sát chỉ cho họ tiếp xúc với bé Madison dưới sự giám sát của hàng tá các nhân viên y tế và nhân viên bảo trợ xã hội. Điều này không phải diễn ra trong một vài ngày, mà trong những ba tháng trời. Suốt thời gian đó, bé Madison không được rời khỏi bệnh viện. Hàng ngày, vợ chồng cô Christine vào viện, xin phép bác sỹ được thăm con, và chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của họ. Cảnh sát cũng liên tục lấy lời khai của hai người, hết lần này đến lần khác. Những vết tấy đỏ trên chân bé Madison được suy diễn là do bị cha mẹ kéo lê trên sàn nhà, còn vết trên ngực là bởi bị cấu véo (!).
Trong khi vợ chồng Christine vô cùng tức giận và quyết tâm giành lại con thì phía cảnh sát cũng khăng khăng buộc tội vợ chồng cô, khiến mọi việc cứ mãi nhùng nhằng. Khi bé Madison được 5 tháng tuổi, bệnh viện cùng cảnh sát thông báo, cô bé sẽ được chuyển giao cho một trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. Cha mẹ bé được phép thăm bé mỗi ngày một lần, mỗi lần kéo dài 90 phút. Mọi cố gắng ngăn chặn việc con mình được đưa đi nuôi như một đứa trẻ mồ côi của hai vợ chồng Christine đều vô hiệu trước quyết tâm sắt đá của những người bảo vệ pháp luật. La hét, cãi vã, gào khóc, van xin, cuối cùng Christine và Pete đành gạt nước mắt nhìn theo chiếc xe chở con gái dần rời xa.
Phải ba tháng sau, phiên tòa sơ thẩm mới được mở ra. Tại tòa, một bác sĩ đại diện cho bệnh viện nói rằng, vợ chồng cô Christine đã không bạo hành bé Madison. Các vết tấy đỏ của cô bé là do nhiễm trùng bởi virus lupus, khiến bé bị phát ban, một dạng bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh nhưng vô hại, không gây nguy hiểm gì. Dựa vào khẳng định này, các cáo buộc nhằm vào vợ chồng Christine được gỡ bỏ, tòa tuyên bố họ được trả lại quyền nuôi con. Nhưng cũng phải đợi đến ba ngày sau, khi mọi thủ tục giấy tờ hoàn tất, bé Madison mới được trở về nhà. Đó là thời khắc vô cùng xúc động của hai vợ chồng. Cả hai òa khóc khi giang tay đón con. Tám tháng trời đằng đẵng phải rời xa cô bé khiến họ cảm thấy dài như cả thập kỷ vậy. Nhiều ngày sau đó, Christine vẫn thường mơ thấy cảnh sát và bác sĩ đến nhà kéo con cô ra khỏi vòng tay cha mẹ. Nhiều đêm, bà mẹ này bật dậy chỉ để chạy sang phòng nhìn ngắm con cho thỏa mắt.
Công chức Paul Crummey cũng không tránh khỏi bị nghi ngờ ngược đãi con.
Bất kỳ ai đều ở trong "tầm ngắm"
Câu chuyện oái oăm xảy ra với gia đình cô Christine, đáng tiếc lại không phải là duy nhất. Sau khi báo chí đưa tin, đã có nhiều bậc cha mẹ khác cũng lên tiếng phàn nàn rằng, họ cũng đã từng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Một người phụ nữ khác là Heather Toomey cho biết, cô cùng chồng đã bị các bác sĩ cáo buộc đã đánh con trai ba tuần tuổi đến mức bị xuất huyết não. Cũng giống như Madison, cậu bé này bị giữ lại trong bệnh viện, và cha mẹ cậu mỗi khi ở bên con đều phải chịu sự giám sát của các bác sĩ và nhân viên an sinh xã hội. Phải 18 tháng sau, khi các bác sĩ phát hiện ra cậu bé bị mắc chứng động kinh bẩm sinh, cáo buộc này mới bị rút lại. Dẫu vậy, vợ chồng cô Heather Toomey vẫn nằm trong diện bị theo dõi đặc biệt trong một năm sau đó.
Ngay cả nhân viên chính quyền cũng bị nghi ngờ. Anh Paul Crummey là một công chức, nhưng khi cậu con trai sáu tuần tuổi của anh bị gẫy chân, hai vợ chồng bị các bác sĩ nghi ngờ đã bạo hành cậu bé. Cảnh sát xông đến bệnh viện, lôi hai người về đồn và liên tiếp thẩm vấn. Do không có bằng chứng rõ ràng, hai người không bị bắt giam, được phép đón con nhưng phải chuyển đến một trung tâm bảo trợ xã hội để sống. Camera giám sát họ được đặt khắp nơi, kể cả trong nhà vệ sinh. Cảnh sát vẫn tìm đến để lấy lời khai hết lần này đến lần khác. Sự căng thẳng, ức chế tâm lý đã khiến hai vợ chồng cãi vã và suýt ly hôn. Phải một năm rưỡi sau, các bác sỹ mới tìm ra nguyên nhân khiến cậu bé bị gẫy chân: Cậu bị mắc chứng xương thủy tinh, xương rất giòn và dễ gẫy. Những lời buộc tội được rút lại, và họ được phép đưa con rời khỏi trại bảo trợ xã hội. Thật may, hai người chưa đến mức ly hôn.
Xem xét khởi kiện vì gây tổn thương trầm trọng Điều đáng nói là sau tất cả những điều kinh khủng đã phải trải qua, cả ba cặp vợ chồng trên đều không nhận được bất kỳ lời xin lỗi nào từ phía các bác sĩ cũng như cơ quan cảnh sát. Giờ đây, khi đã quen biết nhau, cả ba đôi đang thành lập một tổ chức bênh vực các ông bố bà mẹ lâm vào hoàn cảnh tương tự. Christine cho biết, cô sẽ khởi kiện bệnh viện và cảnh sát, buộc họ phải chịu trách nhiệm vì đã gây cho họ những tổn thất to lớn về vật chất cũng như tinh thần bởi những hành vi bảo vệ trẻ nhỏ thái quá đến lố bịch và vô cảm của mình. |
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Gia Hân (Theo DailyMail)