Đi sâu vào rừng Bakawan (Philippines), trong những thân đước mục nát của cây ngập mặn đã chết lại là nơi trú ẩn của loài sâu gỗ Tamilok, hay còn được biết đến với cái tên sâu gỗ mọt.
Chúng có vẻ ngoài nhầy nhụa, trơn trượt đặc trưng của sinh vật nhuyễn thể giống như hàu.
Loài sâu này được tìm thấy trong các khúc gỗ mục nát hoặc thân cây dày chìm dưới nước ở rừng ngập mặn. Khi cây gỗ được lôi ra, người ta sẽ thấy sinh vật nhầy nhụa ngọ nguậy trong những chiếc lỗ dọc theo thân cây. Một con sâu Tamilok trưởng thành có thể dài đến hơn 30cm.
Sâu Tamilok ưa môi trường gỗ mục, đó cũng là nguồn thức ăn duy nhất của chúng trong điều kiện nước mặn. Thực tế chúng sẽ chết ngay khi tiếp xúc với không khí bên ngoài.
Tuy có vẻ ngoài đáng sợ nhưng sâu Tamilok lại là đặc sản đối với người Philippines. Nó rất phổ biến tại các tỉnh như Aklan hay Palawan.Những người biết ăn miêu tả Tamilok có vị ngon như hàu sống nhưng thịt ngọt hơn, mùi hơi tanh với kết cấu sền sệt kem màu trắng đục, phảng phất mùi gỗ.
Người dân bản địa thường ăn sống món này theo kiểu bỏ đầu, đuôi, bóp hết thức ăn trong ruột sâu, trộn với ớt và cho vào bát nước sạch.
Thực khách cũng được khuyến cáo nên nuốt cả con thì mới ngon. Để thưởng thức đặc sản kinh dị này, bạn có thể dùng kèm giấm hoặc thứ nước sốt làm từ trái cây họ nhà cam quýt.
Nếu vẫn còn e ngại, bạn có thể lựa chọn sâu Tamilok chiên giòn hay nướng. Bạn có thể tìm mua những con sâu gỗ ở những quầy bán hàng rong đường phố tại Philippines với giá bình dân. Các nhà hàng cũng phục vụ món tamilok sống hoặc nấu chín.
Sâu gỗ Tamilok chứa giá trị dinh dưỡng cao, giàu sắt, canxi, kẽm, vitamin A và B12.
Khi món ăn được biết tới nhiều hơn, người ta phải thu hoạch số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu, vì thế gây thiệt hại cho hệ sinh thái của rừng ngập mặn.
Minh Hoa (t/h)