Hàng nghìn cột đá nhấp nhô bên những nấm mồ ẩn hiện trong khu rừng mịt mùng với những nét họa khắc bằng chữ Hán. Đó là nét phác họa ban đầu về khu thánh địa quan Mường thuộc xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Rất nhiều người biết đến khu mộ cổ ấy của nhà lang, nhưng tên tuổi của chủ nhân khu mộ và những bí mật bên trong các ngôi mộ cổ hay lý do tại sao những cột đá xanh có nguồn gốc từ Thanh Hóa lại có mặt làm hòn mồ trong khu mộ cổ thì chắc còn ít người biết tới.
Trải mấy trăm năm, cột đá ghi thông tin về Quận công Đinh Công Kỷ vẫn còn sắc nét
Đào trộm mộ tìm cổ vật
Mất gần 6 tiếng đồng hồ trong cuộc hành trình, chúng tôi đã đến được địa phận Vĩnh Đồng, nơi có rừng mộ nhà quan Mường nổi tiếng về bề dày lịch sử và sự huyền bí bởi những truyền thuyết thực ảo cổ xưa. Trong tiết trời về thu, gió lạnh đầu mùa thổi rít qua từng vách đá khiến cho chúng tôi, những người khách lạ đứng trên khu mộ thiêng có cảm giác ớn lạnh, rờn rợn. Có lẽ, phải dũng cảm lắm, cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi mới không bật lên những tiếng kêu sợ hãi.
Theo lời giới thiệu của anh Thành (người dân bản xứ tình nguyện làm người dẫn đường cho chúng tôi), thì thân nhân của rừng mộ đá kia thuộc dòng họ Đinh Công, mà chủ nhân là Đô đốc Uy lộc hầu Đinh Công Kỷ. Nhắc đến dòng họ Đinh Công, người ta nghĩ ngay đến chế độ Lang đạo, một chế độ phong kiến tồn tại lâu đời ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc, nhưng tập trung chủ yếu ở Hòa Bình, nơi có đông đồng bào Mường sinh sống từ thời Hùng Vương.
Xưa kia, sống dưới chế độ Lang đạo, người dân bị bần cùng hóa, bị bóc lột hết sức dã man. Nhà Lang đặt ra nhiều luật lệ và quy định hà khắc để bóc lột sức lao động và vơ vét của cải của người dân. "Mặc dù là dòng tộc duy chì chế độ Lang đạo, thế nhưng dòng họ Đinh Công ở Vĩnh Đồng lại là một dòng họ có công phò vua giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm và giúp triều đình trong việc cai quản dân chúng", Thành kể lại.
Dẫn chúng tôi đi sâu vào khu mộ đá, Thành (người dân bản xứ) giải thích cặn kẽ: "Trước đây quần thể này có cả rừng mộ đá, với hàng trăm ngôi mộ và hàng nghìn phiến đá chôn xung quanh. Thế nhưng, không hiểu sao, càng ngày khu mộ đá càng thu hẹp và cũng bị mất đi vơi nửa, chuyện này có lẽ là do bọn "đạo chích" chuyên đào trộm mộ cổ gây ra".
Theo quan sát, các ngôi mộ có dạng tròn hoặc vuông với các dãy đá bao quanh. Đầu mộ thường chọn ba hòn đá cao, to nhất thành một đường thẳng, trên các hòn đá được ghi tên tuổi, công trạng, ngày mất của người dưới mộ bằng tiếng Hán. Những tảng đá lớn trong khu mộ được xác định không phải là đá của địa phương, mà nó ở tận xứ Thanh, nơi có loại đá cẩm thạch nổi tiếng, thường được các quan lại, dòng tộc lớn dùng để khắc… hoặc bia mộ cho người đã mất.
Vừa mân mê từng gợn đá, Thành vừa kể những câu chuyện kì lạ xung quanh khu mộ quan Mường. Câu chuyện đã xảy ra từ lâu, nhưng mỗi lần nhắc đến khiến những người yếu vía không khỏi rùng mình.
Chuyện kể rằng, có người đi làm đồng về tối đã nhìn thấy một đoàn người ngựa ăn mặc theo lối cổ xưa, dừng lại nghỉ ngơi bên những cột đá, họ nói chuyện, ăn uống và đốt lửa, người này còn nhìn thấy những quan binh nhà tướng, gươm giáo tua tủa sáng loáng trong màn đêm. Hoảng sợ trước những gì xảy ra trước mắt, người nông dân này bỏ chạy, vứt lại toàn bộ đồ nghề làm đồng.
Sáng hôm sau, người này cùng một số người thân trong gia đình tìm ra khu mộ đá xem thực hư thế nào. Đến nơi, ngoài những phiến đá to cao sừng sững thì không thấy có bóng dáng người nào, nhưng điều kì lạ là, chiếc quang gánh của người nông dân đã bị di chuyển đến một nơi khác và trong chiếc rổ đựng đầy những hòn đất và viên đá có hình dạng lạ. Nhiều người đã rất ngạc nhiên, nhưng không lí giải được câu chuyện hư thực kì bí đã xảy ra.
Ông Bùi Văn Binh nói rằng đã bắt gặp nhiều toán đào trộm mộ
Bí ẩn của hai tuyến mộ
Nếu không đi sâu tìm hiểu, chắc chắn chúng ta khó mà biết được các ngôi mộ trong khu mộ cổ này được phân chia thành hai tuyến mộ. Khi tiến hành khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện trong khu mộ cổ này có hai nhóm mộ khác nhau (nhóm mộ khu A và nhóm mộ khu B) với những đặc điểm giống và khác nhau khá đặc biệt.
Nhóm mộ khu B nằm cách nhóm mộ khu A chừng 200m về phía Tây Nam. Địa thế khu này cao hơn khu A. Không giống như khu A có hòn mồ nổi trên mặt đất, hòn mồ ở khu B hầu như đều được lấp kín dưới đất, thi thoảng có viên đá hé lộ khoảng 20 - 30 cm trên mặt đất nên khu mộ này ít thấy dấu vết bị đào bới trộm. Nhóm mộ khu A chủ yếu được chôn theo đồ gốm sứ nước ngoài, ngược lại đồ gốm sứ được phát hiện ở khu B đều là chế tạo trong nước.
Nhóm mộ khu A hoàn toàn không thấy dấu vết của quan tài, nhóm mộ khu B lại có biểu hiện của chủ nhân các mộ với dấu vết của quan tài, hài cốt. Vấn đề đặt ra ở đây phải chăng có hai tuyến mộ cùng tồn tại trong cùng thời gian. So sánh hai khu mộ, kết quả khai quật đã cho thấy chúng đồng nhất về phong cách táng tục, hiện vật tùy táng, chắc rằng chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau và có cùng niên đại.
Đối chiếu với nguồn tài liệu dân tộc học, phối hợp với tư liệu chữ viết ghi trên các hòn mồ cho thấy, trong lễ thức tang ma của người Mường có hai giai đoạn. Giai đoạn đầu người chết được quản xác tại nhà từ 3 đến 5 năm, sau thời gian đó mới đưa ra huyệt an táng. Cùng với những vấn đề trên, nhiều tư liệu lịch sử chuẩn xác cũng giúp cho chúng ta biết được chức tước của quan Lang thổ tù được triều đình phong kiến ban tặng.
Chế độ tập quyền cha truyền con nối, quyền trưởng nam trong dòng họ gia đình cùng với những đóng góp của dòng họ Đinh - chủ nhân của khu mộ táng đối với triều đại phong kiến, triều Lê ở miền sơn cước trong những tháng năm lịch sử.
Mộ Mường từ lâu đã trở thành đối tượng được nhiều ngành khoa học quan tâm nghiên cứu, trong đó có khảo cổ học. Nhiều khu mộ Mường cổ đã được ngành khảo cổ học tiến hành khai quật và cung cấp nhiều tư liệu có giá trị làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà ngành khảo cổ học quan tâm cũng như các ngành khoa học khác.
Trong các cuộc khai quật mộ Mường, có ý kiến cho rằng: Tục lệ tang ma của người Mường là hỏa táng. Kết quả khai quật khu mộ Đống Thếch cho thấy dấu vết quan tài còn lưu trong hộp than, cụ thể hơn còn tìm thấy nhiều mảnh gỗ quan tài lưu lại. Ngoài dấu vết quan tài ở đây còn tìm thấy đá chèn quan tài giúp cho hình dung cụ thể hơn về hình dáng và cách đặt quan tài. Đó là quan tài làm bằng thân cây, khi an táng dùng đá chèn để tạo thế ổn định.
Đặc biệt trong mộ còn phát hiện xương của chủ nhân ngôi mộ. Tất cả những dữ liệu trên khẳng định mộ Mường có chôn theo chủ nhân. Điều này phù hợp với văn bản được khắc trên hòn mồ ghi rõ tên, tuổi, ngày sinh, ngày mất cùng phong tục táng chủ nhân ngôi mộ.
Nguyệt Hà - Cao Tuân