Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã nhận được chia sẻ của ông Hoàng Viết Tiến, Phó Tổng thư ký hiệp hội Internet Việt Nam về những khó khăn trong việc xử lý.
Ông Tiến chia sẻ: “Thực tế hiện nay, các bộ phim nước ngoài, Việt Nam, các đơn vị giữ bản quyền giải ngoại hạng Anh, cúp C1… đương nhiên muốn thu tiền bản quyền đó. Tuy nhiên, vi phạm bản quyền trên Internet hiện nay rất nhiều. Họ chỉ cần tung một đoạn clip quay bằng điện thoại lên youtube, lên kênh riêng của họ là có thể lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội. Các đơn vị giữ bản quyền phát hiện việc vi phạm đã khó, việc xử lý vi phạm còn khó hơn. Việc phát hiện vi phạm bản quyền có rất nhiều công cụ. Chúng ta có thể phát hiện ở trang này nhưng ngày mai nó có thể xuất hiện trên trang khác. Việc đó mất nhiều thời gian và chi phí”.
Không những về vấn đề bản quyền, việc xử lý các clip, trang web có nội dung xấu cũng có khó khăn tương tự. Ông Tiến nhấn mạnh: “Chúng ta có thể xử lý được các vi phạm bản quyền, các clip có nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục nếu nằm trên server của nhà mạng Việt Nam. Đơn vị chủ quản có thể yêu cầu các nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ hoặc nhờ sự can thiệp của các bộ - ban - ngành gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền. Thực tế, các clip, các trang có nội dung xấu vi phạm pháp luật chủ yếu có server ở nước ngoài nên không thể can thiệp được."
Về vấn đề có khó khăn nào trong kỹ thuật khiến các doanh nghiệp không quản lý được quảng cáo trên các nội dung xấu, ông Tiến chia sẻ: “Doanh nghiệp cũng không muốn nội dung sản phẩm của mình xuất hiện trong các clip này. Chúng ta có công cụ phát hiện ra các vi phạm thì có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, họ lại có thể nghĩ ra công cụ để “lách” những kiểm soát ấy”.
Hoàng Mai