Hàng trăm ca nhập viện một ngày
Ghi nhận tại khoa Nhiễm D, bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, tháng bình thường có khoảng 40 ca bệnh điều trị nội trú vì sốt xuất huyết, nhưng tới thời điểm từ đầu tháng Sáu đến nay đã có 60 bệnh nhân điều trị nội trú vì sốt xuất huyết, có ngày lên tới 80 bệnh nhân nhập viện. Số lượng bệnh nhân nhập viện đang gia tăng từng ngày tại bệnh viện chưa có dấu hiệu giảm.
Tại bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết cho biết, từ tháng Sáu, các ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng 10 – 15% so với tháng trước. Trung bình có 70 – 72 ca nhập viện mỗi tuần, trong đó 10% là các ca nặng và đang có xu hướng tăng nhẹ.
Thời điểm PV ghi nhận, tại khoa đang có 116 bệnh nhân điều trị nội trú, 9 ca sốc sốt xuất huyết với các biểu hiện như mạch nhanh, khó bắt, tụt huyết áp.
BS Tuấn cho biết, các trường hợp sốc sốt xuất huyết là do tình trạng thất thoát huyết tương, xuất hiện trong thời điểm bé bắt đầu hạ sốt nhưng tình trạng bệnh không đỡ với các triệu chứng như đau bụng nhiều, nôn ói, bé không chịu ăn uống, không chịu chơi, quấy khóc, bứt rứt khó chịu. Rất may, hầu hết các ca sốc này đều được phát hiện và điều trị kịp thời.
BS Tuấn cho biết, từ đầu năm đến nay, tại bệnh viện Nhi đồng 1 đã có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết đều được chuyển đến từ các tỉnh và diễn tiến quá nặng.
Nguy kịch vì nhập viện chậm
Một điểm đáng ngại, nhiều phụ huynh nhầm lẫn do con bị sốt xuất huyết với viêm màng não nên mua thuốc hạ sốt cho con uống. Khi nhập viện, bệnh trở nặng và nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết thêm, bệnh viện có 8 bé nhập viện điều trị viêm não biểu hiện tương tự sốt xuất huyết nhưng không đưa đến bệnh viện kịp thời. Trong đó có trên 50% là do viêm não Nhật Bản, còn lại là viêm não khác do vi rút, môi trường...
Chị Trần Lê M. có con nhập viện tại khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 2 kể: “Con gái tôi bị sốt, co giật. Nghĩ con bị sốt xuất huyết, tôi mua thuốc hạ sốt cho con uống. Hai ngày sau vẫn không khỏi nên tôi đã chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 2 khám và điều trị. Bác sĩ cho biết con tôi bị viêm màng não do vi rút. Lúc con nôn ói nhiều, người tím tái, co giật rồi li bì, chúng tôi rất lo lắng. Ở quê nên mỗi lần con sốt, chúng tôi cứ nghĩ là bình thường và cho uống hạ sốt. Rất may, tình trạng con đã đỡ hơn”.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho hay, thời điểm mùa mưa bắt đầu, khu vực phía Nam đã xuất hiện các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết. Theo thống kê mới nhất, tuần 23, toàn thành phố có 230 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh ở trẻ em chiếm tỉ lệ trên 50%.
Gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ thông tin, trong 6 tháng qua, bệnh viện Nhi Cần Thơ đã tiếp nhận và điều trị nội trú gần 853 trường hợp mắc sốt xuất huyết là bệnh nhân trú tại Cần Thơ và các tỉnh miền Tây lân cận như Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre… Bệnh viện cũng tiếp nhận và điều trị ngoại trú khoảng 2.600 trường hợp sốt xuất huyết và liên quan. Số ca điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện chiếm đa số là trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm 84%). Theo tính toán, số bệnh nhân nhập viện, điều trị tại bệnh viện đã tăng lên 10% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái (năm 2016). Điều đáng nói, số ca sốt xuất huyết chuyển từ những bệnh viện tuyến dưới tăng lên ngày càng nhiều. |
Lành Nguyễn