Kinh doanh mặt hàng thiết yếu như xăng dầu những tưởng sẽ là "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp đi qua đại dịch Covid-19, thế nhưng, nửa đầu năm 2020 với những biến động giá dầu sụt giảm khó lường từ thị trường thế giới lại khiến các "ông lớn" cũng không tránh khỏi thiệt hại nặng nhề.
Báo cáo tài chính quý II/2020 của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố cho thấy, doanh thu trong 3 quý vừa qua đạt 26.708,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 733,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 46,3% và 45,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong kỳ, doanh nghiệp đã tiết giảm được 129,1 tỷ đồng chi phí tài chính, tức giảm 38,7% so với cùng kỳ về mức 204,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ghi nhận tăng lợi nhuận khác 59,5 tỷ đồng, lên 103,6 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Petrolimex đạt doanh thu là 65.186,6 tỷ đồng, giảm 28,9% so với cùng kỳ, và ghi nhận lỗ 1.080 tỷ đồng trong khi 6 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp báo lãi tới 2.656,9 tỷ đồng.
Trong năm 2020, Petrolimex đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 122.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.570 tỷ đồng, lần lượt bằng 64% và 28% thực hiện năm 2019. Ngoài ra, doanh nghiệp dự kiến cổ tức tối thiểu 12%.
Xét về dòng tiền hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm dòng tiền hoạt động kinh doanh chính dương 2.359,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ dương 933,4 tỷ đồng.
Tính tới 30/6, giá trị hàng tồn kho của Petrolimex giảm 24,3%, tức giảm 2.862,1 tỷ đồng về mức 8.910,6 tỷ đồng. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 147,9 tỷ đồng, trong khi cách đây 3 tháng, mức dự phòng này còn 1.658,9 tỷ đồng. Điều này được lý giải do giá dầu trên thế giới biến động khó lường thời gian qua, giá dầu lao dốc không phanh trong quý I/2020 và đảo chiều hồi phục trong quý II.
Mặc dù kiểm soát chi phí có phần tốt hơn Petrolimex nhưng sự sụt giảm về doanh thu thuần cũng như lợi nhuận gộp vẫn khiến Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil, UPCoM: OIL) không thoát khỏi cảnh thua lỗ.
Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ của PVOil đạt trên 29.300 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù các chi phí đều được tiết giảm triệt để như chi phí bán hàng giảm 7%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 16% và chi phí tài chính giảm gần 3%, PVOil báo lỗ sau thuế hơn 350 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Một đại gia sản xuất xăng dầu khác là CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UpCOM: BSR), thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), nơi cung ứng khoảng 30% nhu cầu năng lượng cả nước cũng không tránh khỏi xu hướng tiêu cực.
Doanh thu quý II/2020 của BSR đạt được là 13.736 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2019.
Do giá vốn hàng bán cao lên đến hơn 15.615 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của BSR đạt được trong kỳ âm 1.878 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận gộp của BSR là 440 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của BSR tăng trưởng tới 150%. Cộng với việc tiết kiệm chi phí tài chính chi phí bán hàng trên 22%. Tuy nhiên, thu vẫn không đủ bù chi khiến cho BSR báo lỗ sau thuế 1.898 tỷ đồng trong quý này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, khoản lỗ ròng của BSR đã lên tới 4.230 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu thuần sụt giảm 38% còn 31.730 tỷ đồng. Năm trước, doanh nghiệp lãi sau thuế 110 tỷ trong quý II và 700 tỷ đồng sau 6 tháng.
Tại đại hội đồng cổ đông diễn ra đồng loạt trong tháng 6 vừa qua, các "ông lớn" ngành phân phối xăng dầu đều đặt mục tiêu kinh doanh khá tham vọng với tiền đề là dịch Covid-19 tại Việt Nam được khống chế trong quý II. Tuy nhiên, kế hoạch này đã "vỡ tiền đề" khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại Việt Nam từ tháng 7/2020 và đến nay vẫn diễn biến phức tạp.
Mai Hoa