Chuyến công tác đầu tháng 5 dẫn tôi đến trường mầm non số 1 xã Đakrông (thôn Xa Lăng, H.Đakrông). Đó là một ngôi trường nhỏ nhắn nằm cạnh cầu treo Đakrông hùng vĩ, thoạt nhìn cũng rất đỗi bình thường. Nhưng ở lại trường chừng 1 tiếng đồng hồ thì sẽ nhận ra rằng đây là một ngôi trường “khát nước”. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân, hiệu trưởng nhà trường cho biết trường được xây dựng từ năm 1993 nhưng từ đó đến nay, chưa một giọt nước nào mà giáo viên và học sinh sử dụng lại không phải đi xách từ nơi khác. Nước không có, công trình nhà vệ sinh càng xa vời vợi... Cực chẳng đã, cô trò phải dắt nhau “đi bụi, đi bờ”.
Nước sạch luôn là “nỗi ám ảnh” của học sinh và giáo viên Trường mầm non số 1 xã Đakrông
Trường thực hiện chế độ bán trú nên để có nước sinh hoạt và nấu nướng, các cô giáo hằng ngày phải thay nhau gánh nước từ nơi khác về sử dụng. Chưa hết, trường hiện có 170 trẻ, 23 giáo viên nhưng chỉ có một phòng học, trong khi có một phòng khác được xây dựng từ năm 1997 nay đã quá xuống cấp đành để không. “Hằng năm trường vẫn làm báo cáo gửi lên trên nhưng 20 năm qua có thay đổi được gì đâu”, cô Vân thở dài.
Chung cảnh ngộ, tại điểm trường mầm non thôn Ba Ngào (xã Đakrông), 2 công trình thiết yếu bậc nhất là nước sạch và nhà vệ sinh vẫn còn để ngỏ. Một cô giáo ở đây cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu nước, mỗi sáng khi đưa trẻ đến trường, phụ huynh phải mang theo 1 chai nước uống và 5 lít nước sinh hoạt. Dù vậy, phương pháp tạm thời này cũng không thể đáp ứng được lượng nước vào những ngày nóng nực... “Thấy tụi nhỏ khát nước, “nhịn” đi vệ sinh ai mà không thương nhưng UBND xã thì làm gì có nguồn để lo cho những việc này?”, ông Hồ Văn Linh, chủ tịch UBND xã Đakrông nói.
Ông Nguyễn Sĩ Huấn, phó phòng GD-ĐT H.Đakrông, thừa nhận rằng có khoảng 70% điểm trường mầm non trên địa bàn thiếu nước sạch và nhà vệ sinh. Chỉ có 14 điểm trường chính tại 14 xã, thị trấn cơ bản đảm bảo, còn 50 điểm trường lẻ, phụ huynh, giáo viên phải “tự khắc phục”... “Trong kế hoạch thì đều có cả rồi, chính quyền cũng như ngành chức năng rất quan tâm nhưng do số lượng học sinh tăng nhanh nên khó mà đầu tư, xây dựng kịp. Hiện, phương châm trước mắt là phải giải quyết cho được nhu cầu về phòng học, còn những công trình phụ trợ thì... tính sau”, ông Huấn nói.
Thế mới biết, để trẻ vùng cao biết được cái chữ đã khó, còn giữ được các em gắn bó với những ngôi trường có điều kiện thiếu thốn như thế này càng khó trăm lần...
Theo Thanh niên online