Khổ như Vietravel Airlines

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 7, 09/10/2021 16:02

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã khiến Vietravel kiệt quệ, "mỗi ngày đẩy một chiếc Camry xuống sông" để nuôi 3 chiếc máy bay "trùm chăn" suốt 4 tháng.

Sau khi được Bộ GTVT cấp phép bay ngày 29/10/2020, Vietravel Airlines trở thành hãng hàng không nội địa thứ 6 của Việt Nam bên cạnh Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific, VASCO, Bamboo Airways hiện thực hoá "giấc mơ bay".

Hãng hàng không có trụ sở tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế) với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) góp 100% vốn.Vietravel Airlines hiện có 3 máy bay với 200 tiếp viên, phi công. Thời điểm ra mắt, hãng dự kiến khai thác hơn 40 chuyến bay mỗi tuần với kỳ vọng đạt 1 triệu lượt khách trong năm đầu tiên, được đánh giá là bước tiến quan trọng cho Vietravel trong việc chủ động, không còn phụ thuộc các hãng bên ngoài.

Mặc dù là doanh nghiệp lữ hành thuộc top đầu trên thị trường, song việc thành lập hãng bay của Vietravel vào thời điểm toàn ngành đang gặp khó vì dịch bệnh khiến nhiều người e ngại về sự thành công của hãng này. Đó là chưa kể, Vietravel Airlines ra đời vào thời điểm công ty mẹ Vietravel cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19.

Bất chấp những lo lắng của thị trường, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel từng khẳng định: "Với lợi thế từ nguồn khách có sẵn (hơn 1 triệu khách hàng), Vietravel Airlines hoàn toàn thực hiện khả thi kế hoạch của mình đề ra trong năm đầu tiên với doanh số xấp xỉ 2.000 tỷ (chỉ bằng 55% chi phí vận chuyển bằng hàng không hiện nay Vietravel phải trả cho các hãng hàng không hiện tại). Vì thế, với tôi, vấn đề tài chính của Vietravel Airlines không đáng ngại".

Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ giữa năm 2021 đã thổi bay toàn bộ dự định của ông chủ Vietravel. 

Mỗi ngày đẩy một chiếc Camry xuống sông

Hồ sơ doanh nghiệp - Khổ như Vietravel Airlines

Vietravel Airlines chính thức khai thác chuyến bay thương mại từ cuối tháng 1/2021. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, Vietravel lỗ hơn 72 tỷ đồng - gần gấp đôi con số cùng kỳ năm trước. Đến hết ngày 31/3, doanh nghiệp ôm khoản lỗ luỹ kế hơn 102 tỷ đồng, bào mòn vốn chủ sở hữu.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư cũng âm tương ứng 31 tỷ đồng và 62 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Đến tháng 10/2021, Vietravel vẫn "nợ" báo cáo tài chính quý II vì lý do Tp.HCM thực hiện giãn cách, công ty phải tạm ngưng hoạt động.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, từ khi cất cánh đến nay, hãng không hề có lãi. Thậm chí, tháng 5/2021, đại diện Vietravel phải bác các tin đồn về việc bán Vietravel Airlines để thoát lỗ sau 4 tháng bay. 9 tháng đầu năm 2021, Vietravel chỉ đón khách trong nước, du lịch nội địa; khách quốc tế đã ngưng đón từ tháng 3/2020. 

Theo Chủ tịch HĐQT Vietravel, doanh thu của hãng trước đây là 7.000 - 8.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp có thể không đạt được 10% so với trước đó.  “Trước đây, doanh thu Vietravel khoảng 1-1,5 triệu USD/ngày, giờ có ngày nhìn không có đồng nào”.  

Ông cho biết tổn thất lớn nhất nằm ở việc duy trì cơ sở vật chất. Ba máy bay của hãng đã nằm đất "trùm chăn" 4 tháng, không phải muốn là dỡ ra là bay do quy định về an toàn bay. Cần lượng tiền lớn để có thể cải thiện trang thiết bị, kiểm tra… rồi mới bay trở lại. "Điều này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn", ông nói. 

"Tôi vẫn nói vui Vietravel Airlines có 3 chiếc máy bay, để nuôi thì 7 ngày đẩy một chiếc Range Rover, mỗi ngày đẩy một chiếc Camry xuống sông", ông Kỳ cho hay.

Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong suốt 4 tháng giãn cách vì dịch bệnh, Vietravel bay 22 chuyến trong tháng 6, chỉ 3 chuyến trong tháng 7 và không bay chuyến nào trong tháng 8 và tháng 9.

Trước tình hình này, ông Kỳ cho biết phải kiên nhẫn chờ đợi. Tuy nhiên, kiên nhẫn không có nghĩa là ngồi im mà phải suy nghĩ để chọn giải pháp, bước đi cho hợp lý. Bên cạnh đó, phải tìm con đường doanh nghiệp hướng tới để tái cấu trúc. Đặc biệt, phải có các biện pháp giúp doanh nghiệp "gọn" lại, "bớt mỡ" để "chạy" nhanh nhất.

Hồ sơ doanh nghiệp - Khổ như Vietravel Airlines (Hình 2).

Theo đánh giá của Chủ tịch Vietravel, thời gian tới nếu không đạt trạng thái bình thường mới, việc quay lại hoạt động là vấn đề lớn do phải giải quyết tâm lý và độ an toàn cho khách đi. Trước đây, người ta hay chú ý đến khuyến mãi tối đa, lợi nhuận khách hàng tăng nhiều lần... nhưng hiện, độ an toàn mới là ưu tiên hàng đầu của họ. 

"Điều này vừa là trách nhiệm vừa là lương tâm. Chúng tôi cần đánh giá kỹ các yếu tố xây dựng những kế hoạch, chương trình phù hợp với yêu cầu mới", ông Kỳ nói.

"Tuy nhiên, nếu máy bay hoạt động trở lại mà khách hàng ngồi trên máy bay phải giãn cách theo các yêu cầu an toàn bay, chắc không hãng nào chịu được", ông nói thêm. 

Với ông Kỳ, hàng không là một trong những loại hình đóng vai trò huyết mạch kết nối nền kinh tế. Việc quay lại là bắt buộc, tất yếu nhưng phải thông minh, vừa sức và đúng yêu cầu của thị trường. 

Lực lượng lao động "sứt mẻ" sau dịch

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết khó khăn khi sắp xếp nhân sự trong bối cảnh giãn cách xã hội. Ngành du lịch sử dụng lao động nhiều, riêng ngành hàng không sử dụng lao động chất lượng cao. Khi quay trở lại, lực lượng này bị "sứt mẻ", không dễ đắp lại. 

"Vietravel vốn là đơn vị đứng đầu về lao động ngành du lịch với khoảng 1.700 nhân viên, nhưng từ khi có dịch, có thời điểm gần như nghỉ hết, chỉ còn 15-20 nhân viên tới cơ quan để duy trì hoạt động hành chính thông thường và một số bảo vệ, lao động đến bảo trì các thiết bị", lãnh đạo Vietravel nói. 

Lãnh đạo Vietravel cho biết tình hình dịch khiến tất cả nhân viên không thể cùng đi làm việc, nhiều bộ phận không có việc. Do vậy, doanh nghiệp chia lực lượng nhân sự làm 4 nhóm: nhóm cốt lõi, nhóm cơ bản, nhóm thông thường, nhóm hỗ trợ. Mỗi nhóm có chính sách cụ thể.

Sẽ có nhóm ở nhà không được hỗ trợ cho đến khi có thông báo, có nhóm đi làm 50% thời gian, có nhóm vẫn đi làm như chưa có dịch... Ngoài ra, công ty làm công tác tư tưởng với cán bộ, nhân viên để họ hiểu tại sao họ được xếp vào nhóm đó. 

"Điều đáng sợ nhất trong doanh nghiệp là sự không bình đẳng. Xử lý lao động phải công bằng, rõ ràng và có lộ trình để làm", ông nói.

Hồ sơ doanh nghiệp - Khổ như Vietravel Airlines (Hình 3).

Ngoài nhiều bộ phận buộc phải nghỉ, Vietravel đặt ra các bộ phận chủ chốt là những bộ phận vẫn hoạt động, ví dụ marketing và truyền thông. Theo ông, thời gian dịch khách hàng dễ quên đi thương hiệu, nếu không có cách cho họ vẫn nhớ đến mình thì khó có thể quay lại.

"Không có phương án nào là hoàn hảo, nhất là trong trường hợp doanh thu về 0, các dòng tiền dừng đột ngột. Người lao động khi họ hiểu, họ sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp", ông giải thích.

"Nếu mình minh bạch, rõ ràng, luôn tìm cách bảo vệ lợi ích người lao động, họ sẽ ở lại", ông Kỳ nói thêm.

Đến 2024 mới có thể quay trở lại

Vietravel hiện chia quãng thời gian tới làm 3 mốc. Mốc đầu tiên là từ nay đến tháng 6/2022, mốc 2 tiếp đến tháng 6/2023, và mốc 3, từ năm 2024 trở đi mới có khả năng quay trở lại, nhưng với điều kiện mở biên giới. Nếu chỉ mở đường lại du lịch nội địa, khả năng quay của ngành du lịch và hàng không như trước đây rất khó.

Năm 2020, trong 4 ngày từ ngày 23/7, Vietravel phải sơ tán 11.000 khách ra khỏi Đà Nẵng do dịch Covid-19 mà không có nhiều chuẩn bị nên sẽ nhìn lại để rút kinh nghiệm. "Chúng tôi xây dựng kịch bản, chia thời gian để đưa yêu cầu, nhiệm vụ phù hợp vào với mục tiêu của mình cũng như yêu cầu an toàn bay, yêu cầu nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng của nhân viên cũng như người dân", ông Kỳ nói.

Thời gian nghỉ dịch, Vietravel lên phương án để tái cấu trúc lại cho gọn nhẹ, chuyên nghiệp hơn, sẵn sàng phục vụ khách khi quay lại. Ngoài ra, xây dựng nhiều kịch bản con lăn để có thể "trượt" theo các quy định được ban hành. 

Ngoài ra, Vietravel đang tìm kiếm các cơ hội bằng cách xây dựng kịch bản cụ thể, tư vấn cho chính quyền thành phố. Mới đây nhất là phương án du lịch ở Tp.HCM tại Cần Giờ, Củ Chi để "người thành phố du lịch thành phố". 

"Nhiều người nói Tp.HCM không an toàn, nhưng điều này cần xem lại. Gần 96% người trên 18 tuổi tại Tp.HCM đã tiêm một mũi vắc-xin phòng Covid" và sẽ còn tăng, ông Kỳ đánh giá con số này an toàn để tiếp tục cuộc sống bối cảnh có dịch. Ngành du lịch và hàng không trở lại cũng là cách khiến tâm lý xã hội trở lại bình thường.

Hồ sơ doanh nghiệp - Khổ như Vietravel Airlines (Hình 4).

Vietravel cũng đã sẵn sàng cho tình hình thay đổi của năm 2022. Vắc-xin đang tiêm đại trà nhưng phải lường trước các khả năng xảy ra như lạm phát, đơn vị cung ứng gãy nguồn cung... Chưa kể, khách hàng đã thay đổi tập quán của họ khi có dịch. Bản thân các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch và cần thay đổi phù hợp với tình hình, liên kết chặt chẽ mới có thể vượt qua được đại dịch. 

Kiến nghị những chính sách để tháo gỡ khó khăn, tiến tới phục hồi ngành du lịch, hàng không, Chủ tịch cho rằng, các tỉnh hiện chưa có thống nhất về quy chuẩn đi lại khiến ngành du lịch khó hoạt động trở lại. "Mỗi tỉnh đều đặt ra các quy định riêng, khó đi lại giữa các tỉnh thành", ông nói. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Vietravel hy vọng nhiều người dân sẽ được cấp "Thẻ xanh Covid". Khi không còn rào chắn mới khai thông được vận chuyển, giao thông, từ đó phục hồi du lịch. 

Cùng với đó, ông cũng đề xuất phương án dùng chính doanh nghiệp để hỗ trợ cho người lao động bởi việc thu thu thuế, bảo hiểm xã hội, y tế... đều thu qua doanh nghiệp, nhưng các gói hỗ trợ lại đưa về địa phương. Đồng thời, theo ông, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có những tính toán hợp lý để gỡ khó cho các doanh nghiệp ngành hàng không. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.