Anh Chiến - chồng chị Thìn (quận 4, TP HCM) tuy ngoại hình bình thường nhưng được cái ăn nói khéo léo, không cờ bạc, rượu chè, trai gái, không nghiện game và rất yêu con. Nhìn từ ngoài vào, ai cũng bảo chị Thìn số sướng, lấy được ông chồng tốt. Nhưng mấy ai biết, bao năm hôn nhân là từng ấy năm chị phải câm nín chịu đựng. Lý do duy nhất là vì anh Chiến vẫn chưa… "cai sữa mẹ"!
Hồi yêu nhau, có lần 2 người cãi nhau, trong lúc nóng giận chị Thìn có nói những câu không kiềm chế được. Không ngờ tất cả đều đến tai mẹ anh Chiến. Cũng vì thế mà bà không mấy thiện cảm với chị.
Chị cũng bất ngờ về hành động đó của người yêu. Nhưng rồi chuyện qua đi, chị không cho đó là vấn đề lớn. Ai ngờ được, sau này đó lại chính là nhân tố khiến cuộc hôn nhân của chị đứng trên bờ bực sụp đổ.
Anh Chiến yêu quý, thân thiết với mẹ anh quá mức bình thường. Khi có vợ, thậm chí có con gọi anh bằng bố rồi mà anh vẫn không thể độc lập trong suy nghĩ và hành động. Cái gì anh cũng phải hỏi mẹ, nói với mẹ mới chịu được. Lời nói và ý muốn của mẹ chồng là tôn chỉ mục đích hành động cho anh và dĩ nhiên anh bắt vợ con không được ý kiến nửa lời.
Trong mắt anh, mọi thứ vợ làm đều không bao giờ bằng mẹ. Món cá kho chị nấu nêm nếm gia vị rất ngon, anh đánh nhẵn nồi cơm nhưng vẫn khăng khăng: “Chẳng bằng một góc của mẹ làm!”. Rồi trong cách nuôi dạy con, các cụ lạc hậu nhiều khi có những kinh nghiệm rất phản khoa học, nhưng chị Thìn mà hễ phản ứng là ăn ngay cái lườm cháy mặt của chồng: “Biết gì mà nói!”.
Ảnh minh họa
Mọi công việc trong nhà, chị Thìn mà để mẹ chị động ngón tay út vào là anh xót xa đứt ruột, đay nghiến, mặt nặng mày nhẹ với vợ cả mấy ngày trời: “Cô làm dâu kiểu gì mà để mẹ phải động tay làm hả?”. Tất nhiên, mọi xung đột, khúc mắc trong quan hệ mẹ chồng - nàng dâu từ bé như con kiến đến to tày trời, anh đều chụp mọi tội lỗi lên đầu vợ.
Thấy anh Chiến có vẻ thân thiết trên mức bình thường với một cô nàng đồng nghiệp, chị chỉ gọi điện cho em kia “hỏi thăm sức khỏe” rất nhẹ nhàng. Ấy thế mà, anh Chiến đã tức tốc về mách mẹ: “Vợ con nó ghen tuông vô lối làm con xấu hổ, mất hết mặt mũi với đồng nghiệp! Con không thể tiếp tục sống với cô ta được nữa! Con muốn li dị!”. Và vụ việc anh Chiến đòi li dị kia, đến được với chị Thìn cũng là qua mẹ chồng kể lại.
Đến nước này thì chị Thìn bó tay toàn tập. Chồng muốn ly hôn lại không nói chuyện thẳng thắn với vợ mà thông qua cho mẹ chồng để mẹ chuyển lời và đứng ra giải quyết.
Rất nhiều lần chị đã nói với chồng: “Anh phải là người ở giữa làm cầu nối cho mẹ và em mới đúng, nhưng đằng này cái gì anh cũng mách mẹ trước tiên, không thèm nghe em giải thích, biện mình gì cả. Anh làm thế mẹ nhiều khi hiểu lầm em, xung đột ngày càng lớn hơn mà thôi. Chả lẽ anh muốn như thế à?”.
Lúc ấy thì anh Chiến ậm ừ có vẻ cũng hiểu hiểu. Nhưng sau đó thì đâu lại đóng đấy, không thay đổi chút nào. Có chăng chị nên gửi lại cho mẹ chồng nuôi thêm vì anh vẫn còn bện hơi... sữa mẹ lắm. Mà có khi cả đời không hết được cũng nên…
Lưu - chồng Thương (Long Biên, Hà Nội) nhìn bề ngoài là một người đàn ông bảnh bao, thông minh, tốt bụng, tử tế, nói chung là được 9.5/10 điểm. Ai cũng xuýt xoa cô vận may, lấy được người chồng gần như hoàn hảo. Nhưng về ở với nhau chưa được bao lâu, Thương đã phải khóc thét.
Lưu được mẹ chiều từ bé, chăm bẵm cho từ chân tơ kẽ tóc, thế nên, giờ đã 3 chục tuổi đầu và có gia đình riêng nhưng anh vẫn nhất quyết không chịu… cai sữa. Bố mẹ chồng đã cho vợ chồng cô ra riêng nhưng vì 2 nhà cách nhau có vài km nên Lưu vẫn rất chăm chỉ về với mẹ.
Được cái mẹ Lưu cũng quấn con trai. Con chỉ cần hắt hơi một cái, bà cũng chạy đến chăm sóc Lưu vài ngày đến khi khỏe hẳn mới thôi. Câu cửa miệng của bà là: “Thương lắm cậu ấm của mẹ!”. Và câu cửa miệng của Lưu là: “Con yêu mẹ nhất trên đời!”.
Vợ chồng trẻ sao tránh được những lúc tranh cãi, khúc mắc. Nhưng cứ hễ vợ chồng khục khặc nhau hôm trước là y như rằng hôm sau mẹ chồng lại "bay" sang làm công tác tư tưởng với Thương: “Chuyện 2 đứa mẹ nghe thằng Lưu kể rồi, con là phụ nữ, là vợ phải biết nhẫn nhịn chứ! Một điều nhịn là 9 điều lành con ạ!”.
Nhiều lần Thương ngọt nhạt thủ thỉ với chồng: “Sao anh không giúp em gần gũi với mẹ, lại còn toàn làm mẹ và em hiểu lầm nhau. Có khi em bị mẹ ghét mà không biết. Chuyện gì vợ chồng mình không giải quyết được mới phải nhờ mẹ. Mà mẹ cũng có tuổi rồi, anh làm thế các cụ làm sao mà vui vẻ tuổi già được. Không thương em thì anh cũng phải thương mẹ chứ!”.
Nhưng tất cả chỉ như nước đổ đầu vịt, vì Lưu vẫn gân cổ lên: “Mẹ chứ có phải người ngoài đâu! Bao năm qua anh vẫn thế, có sao đâu!”. Thương lắc đầu ngán ngẩm, sao Lưu không hiểu một điều, anh cần phải lớn, phải thôi mặc... bỉm.
Có đợt, do công ty tạm thời chuyển địa điểm để sửa sang mở rộng quy mô, Lưu phải đi làm xa, cứ cuối tuần mới về. Cả tuần không được gặp mẹ, cứ cuối tuần về là anh lại về thẳng bên nhà nội rồi bảo mẹ gọi điện cho Thương đưa con sang cho con thăm bố.
Ở hết 2 ngày nghỉ, Lưu lại thẳng tiến đến chỗ làm, chẳng có nhu cầu về nhà của vợ chồng. Hai ngày nghỉ ở nhà nội, Lưu chỉ chăm chăm đưa mẹ đi chợ, đi mua sắm, đi lễ chùa, đi hội họp các bà bạn già. Về nhà lại quanh quẩn gần mẹ để tâm sự, kể chuyện kết chuyện nọ đến chuyện kia. Đến mức mà bé con nhà Thương chẳng mấy khi theo bố, cứ đưa Lưu bế là con khóc ré lên.
Trên facebook của Lưu, từ ngày yêu Thương đến khi cưới và có con, chẳng có một cái ảnh người yêu, ảnh vợ, ảnh con nào. Nhưng lại có la liệt ảnh bố thắp hương đêm giao thừa, bố mẹ về quê ngoại ăn giỗ, bác ở bên Mỹ về chơi... và đặc biệt là vô số ảnh anh "tự sướng" của anh bên mẹ.
Ngoài việc là một mama-boy đích thực thì hình như Lưu không có gì đáng chê cả. Nếu ly hôn vì lí do ấy thì Thương cũng thấy hài hước. Nhưng nếu cứ sống thế này hết đời, Thương chỉ sợ, Lưu sẽ chẳng bao giờ là chồng của mình, là bố của con trai mình đúng nghĩa mà vẫn là cậu bé con chưa cai sữa của mẹ chồng mà thôi.
Theo Tri thức trẻ