Kho xương người nơi miếu lạ hé lộ địa danh lịch sử?

Kho xương người nơi miếu lạ hé lộ địa danh lịch sử?

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Mỗi khi có mưa lớn, xung quanh ngôi miếu cổ "Ba Thắc Cổ Miếu" ở ấp Chợ Cũ, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng lại xuất hiện nhiều bộ xương người. Từ những bộ xương vô danh ấy, người ta thêu dệt nên những câu chuyện mang màu sắc huyền bí, dị đoan.

Truyền thuyết huyền bí, liêu trai

Tương truyền, cách đây hơn 40 năm, tại ngôi miếu thờ "Ba Thắc Cổ Miếu" bỗng xuất hiện một cặp rắn hổ ngựa rất to. Ban ngày, cặp vợ chồng rắn trú ngụ trong hang cây bồ đề trước ngôi miếu, tối đến lại bò vào trong miếu để trấn giữ. Theo những người lớn tuổi ở địa phương, cặp rắn này chưa từng làm hại dân làng. Chỉ ngóc đầu ra ngoài hang cây nghe ngóng rồi thụt vào rất nhanh. Những ai có căn tu lắm mới được nhìn thấy rõ cặp "tiên" này. Sau gần 20 năm tu luyện, cặp vợ chồng rắn hổ ngựa này đã thành chính quả và bay về trời (?!).

Mặc dù câu chuyện rắn thần rất hoang đường nhưng bất kì người già nào trong khu vực miếu cổ đều kể một cách rành mạch để tôn lên vẻ linh thiêng của ngôi miếu hơn 100 năm tuổi này. Có một điều đặc biệt là, ngôi miếu không thờ một vị thần, thánh nào cụ thể mà chỉ thờ một tảng đá có hình đầu người.

Xã hội - Kho xương người nơi miếu lạ hé lộ địa danh lịch sử?

Ông Ngô Văn Minh - phó Ban trị sự quản lý ngôi miếu bên cạnh nấm mồ chôn những bộ hài cốt vô danh.

Ông Ngô Văn Minh - phó Ban trị sự quản lý miếu cho biết, ngôi miếu được cất từ khi nào không ai rõ. Cho đến năm 1927, thấy ngôi miếu hư hỏng nặng nên ông Thái Chấn An (Hội trưởng Ban Tế tự) và ông Lê Văn Hoạch (Lý Tổng cai trị thời Pháp) đã đứng ra quyên góp xây cất. Ngôi miếu từ kiến trúc cổ Khơmer được xây cất kiên cố theo lối kiến trúc Triều Châu cổ. Trên tấm biển được ghi là "Miếu thờ ông Bassac". Mãi đến năm 1995, thấy ngôi miếu đã xuống cấp nên Ban trị sự "Ba Thắc Cổ Miếu" mới tiến hành tu sửa lại.

Chúng tôi thắc mắc, ông Bassac là ai và vì sao được tôn thờ như vị thần linh, bà Mười, người trông coi ngôi miếu "Ba Thắc Cổ Miếu" kể lại: Ông Bassac là một tráng sĩ của nước Lào tên thật là Bak Sak. Bak Sak đã đem lòng yêu thương công chúa con vua Lào và hai người đã thề non hẹn biển mặc cho nhà vua phản đối. Vị vua đã âm thầm ra lệnh cho quân sĩ phải lấy mạng Bak Sak. Biết tin, công chúa đã cùng Bak Sak lên thuyền trốn khỏi sự săn lùng của vua cha và quyết đi tìm hạnh phúc.

Hai người xuôi thuyền theo dòng sông Mekong nhắm hướng hạ nguồn để đi tìm vùng đất mới định cư. Ai ngờ khi ra đến cửa biển Trấn Di (nay là cửa biển Trần Đề) chiếc thuyền bị sóng đánh chìm. Bak Sak và công chúa may mắn thoát chết. Không có thuyền để đi tiếp, họ quyết định chọn vùng đất này để định cư. Vùng đất ấy được gọi là Sóc Lèo. Hiện, Sóc Lèo là một ấp của xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Sau một thời gian định cư ở vùng Sóc Lèo mà cuộc sống vẫn vất vả, ông Bak Sak quyết định cùng vợ đi khai hoang vùng đất mới ở xã Bãi Xàu (nay thuộc ấp Chợ Cũ, Mỹ Xuyên). Từ khi sinh sống ở vùng đất mới Bãi Xàu, cuộc sống gia đình của ông Bak Sak trở nên giàu có. Ông cũng chính là người có công mở cửa cảng giao thương buôn bán, thu hút rất nhiều ghe thuyền đến trao đổi, mua bán hàng hóa nhộn nhịp vào giữa thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Thời điểm đó, rất đông thương buôn người Hoa đến đây mua bán và định cư.

Khi ông Bak Sak qua đời, người dân địa phương đã xây tháp thờ tại chùa Bốn Mặt (tức chùa Bassac). Sau đó, người dân 3 dân tộc: Kinh, Hoa và Khơmer tiếp tục xây thêm một miếu thờ ông Bak Sak và đặt tên là miếu "Ba Thắc Cổ Miếu". Có điều lạ là, nếu như "Ba Thắc Cổ Miếu" được xây lên để thờ ông Bak Sak thì tại sao trong chánh điện chỉ thờ một tảng đá, chứ không phải là di ảnh của ông?

Xã hội - Kho xương người nơi miếu lạ hé lộ địa danh lịch sử? (Hình 2).

Bên trong "Ba Thắc Cổ Miếu" chỉ thờ tảng đá hình dạng đầu người.

Những bộ xương vô danh, là chứng nhân của lịch sử?

Bất ngờ, vào năm 2000, sau một trận mưa lớn người dân sống gần khu miếu cổ "Ba Thắc Cổ Miếu" phát hoảng khi phát hiện rất nhiều bộ xương người trồi lên mặt đất nằm ngổn ngang. Từ những bộ xương người vô danh ấy, mọi người lại càng tin câu chuyện về cặp rắn thần là có thật. Họ đồn đoán rằng, có thể cặp rắn kia không hại người trong địa phương nhưng tối đến, cặp rắn ấy đã bò đi nơi khác để bắt người về ăn thịt và vùi xương xuống lòng đất?

Đến năm 2005, những thợ hồ được thuê đến để lát lại nền gạch cho miếu cũng phát hiện rất nhiều bộ xương người nằm chồng chất lên nhau giống như nấm mồ chôn tập thể. Và gần đây nhất, năm 2008, ông Chín Minh và những người thợ đào đất để xây hàng rào bảo vệ ngôi miếu cũng đã phát hiện rất nhiều bộ xương người lộ thiên. Ban trị sự quản lý ngôi miếu quyết định gom lại chôn chung trong một nấm mồ để tiện nhang khói thờ cúng.

Từ khi kho xương người vô danh ấy được phát hiện thì những người có kiến thức lịch sử đã "đóng" lại những truyền thuyết mang tính huyền bí về ngôi miếu cổ và "mở" ra nhiều chứng cứ lịch sử về trận đánh đẫm máu giữa quân Xiêm và nghĩa quân Tây Sơn vào năm 1784. Và rất nhiều những bộ hài cốt vô danh ấy chính là những binh lính chết trận.

Trận chiến ấy khởi nguồn từ việc vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đánh bại đã sang Xiêm cầu viện vào khoảng tháng Giêng năm Giáp Thìn (1784). Vua Xiêm tên là Chakkri là một người rất tham vọng, muốn mở rộng bờ cõi bằng cách thôn tính Chân Lạp và Gia Định. Khi được Nguyễn Phúc Ánh cầu viện, vua Chakkri nhanh chóng ra lệnh cho cháu mình là Chiêu Tăng và Chiêu Sương thống lĩnh hai vạn thủy quân và 300 chiếc thuyền phối hợp cùng quân của Nguyễn Phúc Ánh kéo lên đánh chiếm Gia Định.

Xã hội - Kho xương người nơi miếu lạ hé lộ địa danh lịch sử? (Hình 3).

"Ba Thắc Cổ Miếu" được xây dựng lại theo kiến trúc Triều Châu cổ năm 1927.

Đạo quân của nước Xiêm quá mạnh khiến cho trấn thủ Gia Định là Trương Văn Đa phải ra lệnh cho quân lính vừa đánh vừa rút để tránh hao tổn lực lượng. Trong khi đó, quân Tây Sơn giữ đạo Kiên Giang ở Rạch Giá và đạo Châu Đốc ở biên cương cũng rút về Cần Thơ, thấy thế quân Xiêm đuổi theo ráo riết.

Nhưng quân Xiêm không ngờ rằng khi đang hăng máu đuổi quân Tây Sơn xuống tận Ba Thắc, bất ngờ quân Tây Sơn đã có chiến thuật phục kích đánh úp khiến quân Xiêm không kịp trở tay phải bỏ chạy tán loạn.

Còn tại sông Tiền nơi Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn cũng đã đánh tơi tả một đạo quân Xiêm. Cuộc chiến giữa quân Tây Sơn và quân Xiêm không chỉ diễn ra ở trên sông Tiền mà kéo dài qua sông Hậu, đến tận Bãi Xàu - nơi tọa lạc của "Ba Thắc Cổ Miếu".

Chính những trận chiến ác liệt này đã khiến cho nhiều quân sĩ của hai bên tử trận. Chiếu theo lịch sử, nếu trong khu vực "Ba Thắc Cổ Miếu" chính là trận địa giữa quân Tây Sơn và quân Xiêm thì dưới nền miếu chính là nấm mồ chôn tập thể của những binh lính chết trận. Để tưởng nhớ đến những người lính chết trận, nhân dân địa phương đã lập ngôi miếu để nhang khói và thờ tảng đá hình đầu người để tượng trưng thay di ảnh.

Vào những ngày cuối tháng 2 âm lịch, người dân khắp nơi nô nức đổ về đây cúng viếng, đọc kinh cầu an. "Ba Thắc Cổ Miếu" đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa tín ngưỡng của địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại dưới nền ngôi miếu cổ vẫn còn rất nhiều bộ xương người tồn tại. Để tránh những lời đồn đại thêu dệt mang màu sắc dị đoan, các cơ quan chức năng ở địa phương sớm tìm hiểu, tiến hành khai quật để có kết luận chuẩn xác về những bộ hài cốt bí ẩn xung quanh ngôi miếu cổ. Các nhà khoa học lịch sử cũng cần nghiên cứu để đưa ra những kết luận chính xác về nguồn gốc cũng như sự tồn tại của ngôi miếu cổ này.

Huyền Thoại


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.