Năm 2008, các nhà khoa học theo dõi đôi giày mới đi của 10 người tham gia nghiên cứu trong 2 tuần. Họ phát hiện vi khuẩn coliform như E. coli xuất hiện nhiều bên ngoài đôi giày. E. coli là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường ruột và đường tiết niệu cũng như viêm màng não...
Các nhà nghiên cứu và nhà khoa học cũng tìm thấy vi khuẩn Clostridium difficile gây tiêu chảy và có thể gây ra viêm đại tràng. Điều nguy hiểm là Clostridium difficile có khả năng kháng với hầu hết các loại kháng sinh. Đặc biệt họ tìm thấy trên giày dép tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus - một trong số những loại vi khuẩn nguy hiểm nhất.
Charles P. Gerba, một giáo sư và nhà vi sinh vật học tại đại học Arizona (Mỹ) nghiên cứu về số lượng và loại vi khuẩn tồn tại dưới đế giày, cho biết những phát hiện này đã khiến ông thay đổi một số hành vi của chính mình. "Nó khiến tôi không còn đặt chân lên bàn của mình nữa", giáo sư Charles chia sẻ.
Theo Timesnownews, cởi giày dép trước khi vào nhà giúp giữ không gian trong nhà sạch sẽ và có thể giúp mọi người trong nhà khỏe mạnh hơn. Cụ thể, lợi ích của việc này là:
-Đảm bảo bụi bẩn và các chất gây ô nhiễm khác sẽ không vào nhà
-Giảm thời gian lau dọn nhà cửa.
-Bỏ giày bên ngoài giúp giảm khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh bám trên giày khi bạn đã đi bộ ngoài trời, đến nhà vệ sinh công cộng và những nơi có nhiều mầm bệnh.
Do đó, dù không thấy giày ở lối vào, bạn vẫn luôn cần hỏi chủ nhà có cần phải cởi giày trước khi bước vào không.Tốt nhất bạn nên bỏ giày ở ngoài nếu trong nhà có trẻ nhỏ bò trên sàn nhà hoặc những người bị dị ứng.
"Trong trường hợp hệ thống miễn dịch bị tổn hại, ví dụ những người bị ung thư đã trải qua cấy ghép nội tạng, bị nhiễm trùng, thì càng cần có nhiều lý do để cởi giày dép khi về nhà", Giáo sư khoa học y sinh Cuchara nói.
Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe bạn cũng không nên bỏ qua những nguy cơ khác, chẳng hạn: Trong nhà có ai bị ốm không? Có ếch, rùa, rắn hoặc loài động vật nào gần đó có thể mang vi khuẩn salmonella không? Thực phẩm có được bảo quản và chế biến đúng cách không?
Tiến sĩ Aaron E. Carroll , giáo sư Nhi khoa tại đại học Y khoa Indiana ở Indianapolis (Mỹ) cho biết những vật dụng có tác dụng giữ nước và vụn thức ăn, là "ổ chứa" vi khuẩn. Ngoài ra, còn có những đồ vật và bề mặt chúng ta thường xuyên tiếp xúc nhưng hiếm khi được vệ sinh như tiền mặt, thẻ ATM, tay nắm cửa,...Nhìn chung, các chuyên gia nhấn mạnh rửa tay bằng xà phòng và nước vẫn là cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Thanh Niên)