Khoản lỗ 26.000 tỷ đồng của EVN nằm trong báo cáo tại Quốc hội

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 2, 22/05/2023 12:13

Theo Uỷ ban Kinh tế, năng lực quản lý đối với các tổ chức tín dụng còn hạn chế, tình trạng “sở hữu chéo”, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp.

Sau báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày thẩm tra, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch năm 2023.

Thị trường BĐS “đóng băng”

Tại báo cáo này, cơ quan thẩm tra nêu rõ một số vấn đề cần quan tâm. Trong đó, ngoài chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, còn có thêm một chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch là tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76%, thấp hơn mục tiêu đề ra (25,5-25,8%).

Đáng lưu ý là cả 2 chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng và chất lượng nền kinh tế còn hạn chế.

Thêm vào đó, thu ngân sách vượt 28,6% so với dự toán, phản ánh dự toán quá thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa, là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.

Kinh tế vĩ mô - Khoản lỗ 26.000 tỷ đồng của EVN nằm trong báo cáo tại Quốc hội

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày thẩm tra trước Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn).

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại và đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá việc xử lý sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo.

Đồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng để xảy ra các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng.

“Những khó khăn trên thị trường tài chính và thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến thị trường bất động sản gần như “đóng băng”, ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc làm của người dân”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu rõ.

Doanh nghiệp bán mình cho đối tác nước ngoài

Trong năm 2023, Ủy ban Kinh tế đánh giá bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn đã có tác động tiêu cực nhất định, cả trực tiếp và gián tiếp đến tình hình kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, các hạn chế, yếu kém của nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ nét hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn về suy giảm các động lực chính như xuất khẩu, đầu tư FDI, sản xuất công nghiệp, chậm giải ngân vốn đầu tư công, lãi suất cho vay cao.

Tiếp đến, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng, xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới; số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.

Kinh tế vĩ mô - Khoản lỗ 26.000 tỷ đồng của EVN nằm trong báo cáo tại Quốc hội (Hình 2).

Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Thực trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.

Cũng tại báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế nêu một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030; chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, vướng mắc, bất cập trên thị trường trái phiếu, bất động sản.

Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, nhất trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn.

Cụ thể, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 là gần 290.000 tỷ đồng, trong đó quý III lớn nhất với khoảng hơn 104.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường trong thời gian tới.

Đáng nói, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chậm cũng có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất của các tổ chức tín dụng.

Nợ xấu có xu hướng tăng, trong khi tỉ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tài chính. Năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng còn có phần hạn chế; tình trạng “sở hữu chéo”, tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp.

“Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngân hàng thương mại lãi cao, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng so với năm 2021 . Với tình hình khó khăn như hiện nay, nếu không được cải thiện thì dự báo số nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới và sẽ bào mòn đáng kể năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại”, Uỷ ban Kinh tế nêu.

Làm rõ khoản lỗ 26.000 tỷ đồng của EVN

Báo cáo thẩm tra của cũng nhấn mạnh về vấn đề năng lượng như xăng dầu, điện, năng lượng tái tạo còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Về vấn đề xăng dầu, Ủy ban Kinh tế nhắc lại thực trạng từ tháng 10/2022 đến nay, tuy giá xăng dầu được kiểm soát, nguồn cung trong nước có đủ nhưng nhiều cửa hàng xăng dầu ngừng kinh doanh, dẫn đến tình hình thiếu hụt xăng dầu cục bộ diễn ra tại một số địa phương.

Kinh tế vĩ mô - Khoản lỗ 26.000 tỷ đồng của EVN nằm trong báo cáo tại Quốc hội (Hình 3).

Vấn đề xăng dầu được Ủy ban Kinh tế đề cập tại báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo phản ánh của các tổ chức, doanh nghiệp, nguyên nhân chính của tình trạng này là do các quy định về phương pháp tính giá chưa phù hợp với biến động thị trường, chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, không có tính cạnh tranh, chưa đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương áp dụng giải pháp tình thế là sử dụng lực lượng Quản lý thị trường để xử phạt các cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng “đối phó” bằng cách bán hàng “nhỏ giọt”.

Về vấn đề điện lực, Ủy ban Kinh tế đánh giá chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.