Khoán xe công sẽ tiết kiệm triệt để ngân sách Nhà nước?

Khoán xe công sẽ tiết kiệm triệt để ngân sách Nhà nước?

Thứ 4, 29/05/2013 14:10

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, năm nay, Chính phủ cho biết sẽ đẩy mạnh khoán xe công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị... Trong kế hoạch chi tiêu chung, việc khoán xe công sẽ "triệt để tiết kiệm".

Xe tăng vì... không thể dừng?

Theo báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước trong năm 2012, số xe công tăng 2.391 chiếc với tổng giá trị 2.756 tỷ đồng; trong đó Trung ương tăng 973 chiếc, với tổng giá trị 956 tỷ đồng; địa phương tăng 1.418 chiếc, với tổng giá trị 1.799 tỷ đồng.

Số xe "quá tuổi" gia nhập nhóm xe sử dụng trên 10 năm là 1.999 chiếc, mặc dù trong năm 2012, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện thanh lý một số xe quá cũ. Lý giải về số xe công tăng trong năm qua, Chính phủ báo cáo, ngoài việc thay thế cho xe già cỗi, còn để bố trí cho một số chức danh có tiêu chuẩn mới được bổ nhiệm nhưng chưa có xe do yêu cầu tạm dừng mua sắm xe, tài sản trong năm 2011 để tiết kiệm chi thường xuyên theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Xã hội - Khoán xe công sẽ tiết kiệm triệt để ngân sách Nhà nước?

Mua sắm xe công lại tăng

Việc mua sắm xe công qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương được Chính phủ khẳng định "đảm bảo phù hợp với mức giá quy định của Thủ tướng, đúng đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng". Chính phủ cũng cho hay, yêu cầu về nguồn kinh phí để thực hiện thay thế số xe quá tuổi đang ngày càng tạo sức ép lên ngân sách, cùng với việc mua sắm bổ sung cho các chức danh, các cơ quan, đơn vị chưa được bố trí xe ô tô để phục vụ công tác. Các tài sản trị giá lớn (từ 500 triệu đồng trở lên) trong năm 2012 cũng tăng thêm 1.328 tài sản, với tổng giá trị 2.756 tỷ đồng. Số lượng tài sản tăng thêm này được xác nhận là nhiều hơn mức giảm, đồng thời giá trị mua sắm cũng cao hơn so với trước đây.

Giảm mua, tăng khoán sẽ "tiết kiệm triệt để"?

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, năm nay, Chính phủ cho biết sẽ đẩy mạnh khoán xe công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; nghiên cứu, xây dựng mô hình tập trung xe công theo phạm vi cấp bộ, ngành, tỉnh, huyện có trụ sở, địa bàn hoạt động tập trung nhằm sử dụng tối đa hiệu năng và tiết kiệm. Trong kế hoạch chi tiêu chung, việc mua xe công sẽ "triệt để tiết kiệm".

Mặc dù, chưa có con số chính xác về số tiền ngân sách Nhà nước hằng năm phải chi phí lương cho lái xe, xăng xe, bảo dưỡng... để phục vụ việc đi lại của quan chức, song chắc chắn số tiền được dự đoán cũng không hề nhỏ.

Ông Hà Tuấn Trung - nguyên ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương khóa VII cho rằng: "Rõ ràng, việc xe công tăng, theo báo cáo của Chính phủ với Quốc hội cho thấy, việc thực hành tiết kiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước còn nhiều điều phải nói. Việc thực hành chống lãng phí vẫn chưa thực hiện được là bao. Trong bối cảnh kinh tế của nước ta, theo báo cáo tại Quốc hội còn nhiều khó khăn thì mức tăng 2.391 xe với tổng giá trị 2.756 tỷ đồng quả là con số không nhỏ. Dù có quy định cụ thể về hạn mức, khoán chi phí thì việc mua sắm xe công của các đơn vị vẫn chưa giảm. Nó cho thấy một thực tế, nếu người ta muốn thì vẫn có thể "luồn lách" để hợp lý việc mua sắm?. Quan trọng nhất là việc kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên và việc làm quyết liệt của người duyệt chi và quyết toán. Nếu người duyệt chi cả nể, không chặt chẽ thì việc chi tiêu từ nguồn ngân sách nhà nước khó có thể giảm".

Xã hội - Khoán xe công sẽ tiết kiệm triệt để ngân sách Nhà nước? (Hình 2).

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch

Ông Trung cũng đưa ra một thực tế, có không ít trường hợp xe công phải đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) để đón các "sếp" đi công tác về. Thậm chí, có ngày cả chục xe và tất cả các xe này đều phải chạy hai chiều, trong đó có một chiều chạy xe không. Nếu như trường hợp đó, vị quan chức có thể linh động đi taxi về thì Nhà nước chỉ phải trả tiền cho một lượt chạy thay vì hai lượt của xe công.

"Theo tôi, chúng ta nên giảm mua xe và khuyến khích thực hiện hình thức khoán xe công. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ công. Khi dịch vụ công phát triển, các công ty cho thuê xe nhiều lên (cả về chất lượng và số lượng-PV) đáp ứng được yêu cầu đầy đủ hơn thì các cơ quan chuyển hẳn sang khoán sử dụng xe dịch vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch vụ công chưa phát triển, trước mắt chúng ta nên giảm xe mua mới, chuyển sang khoán thì một năm cũng tiết kiệm được nhiều tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước", ông Trung phân tích.

Theo tìm hiểu của PV, quy định về sử dụng phương tiện đi lại, trong đó khuyến khích thực hiện cơ chế khoán kinh phí sử dụng ôtô, đã được Chính phủ ban hành từ đầu tháng 5/2007, song việc các bộ, ngành, địa phương không mặn mà áp dụng hình thức khoán.

Trả lời báo chí, thẳng thắn nhìn nhận về vấn để sử dụng xe công, ĐBQH Trần Du Lịch (đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, cán bộ sử dụng xe Nhà nước vào việc riêng rất nhiều. Thứ bảy, chủ nhật, từ đám cưới đến đám ma, về quê cán bộ đều dùng xe Nhà nước. Ai chống được cái này? Ông Lịch đưa ra ví dụ, lương của một ông thứ trưởng hơn chục triệu đồng/tháng nhưng chi phí cho chiếc xe công mà ông này đi gấp ba lần (chi phí trả lương tài xế, phí bảo trì, bảo hiểm...). Trong khi đó, một lần ông Lịch đi công tác ở Bắc Âu, thấy một nữ nghị sĩ rất nổi tiếng đạp xe đạp đi họp.

“Ở các nước này, người ta đưa tiền lương để họ tự chi hết. Ở ta, chi phí cho xe công trừ vào tiền lương được không?", ông Lịch đặt vấn đề. Theo ông, khoán xe công rõ ràng ngân sách sẽ tiết kiệm được. Như Văn phòng QH cũng có vị đề nghị phát 7,5 triệu đồng mỗi tháng thì không lấy xe, tự đi đến nơi làm việc bằng phương tiện của mình. Rõ ràng, ngân sách tiết kiệm được.    

Từng kiến nghị thành lập “đội xe Chính phủ”

Trước đây, cùng với việc tăng cường khoán xe, thắt chặt thay thế xe mới, bộ Tài chính đã có kiến nghị thành lập "đội taxi Chính phủ" hoạt động theo phương thức hạch toán. Tất cả cơ quan thuộc Chính phủ đều có thể thuê đội taxi này để phục vụ việc đi lại. Đội taxi Chính phủ sẽ đảm bảo ba tiêu chí: Xe tốt, phục vụ kịp thời (có mặt tối đa sau 5 phút) và thái độ phục vụ tận tình. Thời điểm ấy (năm 2007), bộ Tài chính cũng tính đến phương án phối hợp với các cơ quan trong hệ thống thuế, kho bạc ký hợp đồng thuê một công ty taxi hoặc thành lập một đội xe chung thay vì mua sắm xe riêng như hiện nay. Các cán bộ được sử dụng xe sẽ được phát vé và được thanh toán theo chiều dài tuyến đường đi.

Ngân Giang - Đỗ Thơm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.