Dịp cuối năm, trò chuyện với Người Đưa Tin, ông Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã thông tin về cuộc sống của cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia.
Theo ông Nghị, cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia đã có một lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm nay. Trên thực tế, họ đã có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Campuchia. Tuy nhiên, một bộ phận người gốc Việt đến nay vẫn mang địa vị pháp lý chưa rõ ràng.
Theo thống kê của Việt Nam cùng với phía Campuchia, có khoảng 110.000 người gốc Việt hiện đang sinh sống ở hầu hết các tỉnh, thành phố của Campuchia. Trong số đó, nhiều bà con sống và mưu sinh ở khu vực Biển Hồ thuộc 5 tỉnh của Campuchia.
Trong nhiều năm vừa qua, chúng ta đã phối hợp với phía Campuchia để giải quyết các giấy tờ pháp lý cho người gốc Việt. Cho đến nay, về việc cấp phát giấy tờ ngoại kiều của phía Campuchia cho người gốc Việt, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đánh giá là đạt vào khoảng 70 đến 80%.
Thứ nhất, cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia tuy đông nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế về mặt văn hóa cũng như về mặt ngôn ngữ. Bên cạnh đó, các phương thức mưu sinh của nhiều gia đình cũng không ổn định, mà nay đây mai đó, sống ở trên Biển Hồ qua nhiều thế hệ nên nhận thức và tuân thủ pháp luật chưa cao. Điều đó dẫn tới hiện tượng khi phía Campuchia tạo điều kiện để bà con ra đăng ký, thì nhiều người gốc Việt không ra làm giấy tờ pháp lý cho bản thân.
Trong thời gian vừa qua, nhằm ổn định phát triển cho cộng đồng cũng như để tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt ở Campuchia có địa vị pháp lý rõ ràng, ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho các cháu bé đi học, phía Campuchia đã ban hành Nghị định 129 vào tháng 9/2017, rà soát lại và phối hợp cùng với phía Việt Nam cấp giấy tờ pháp lý cho bà con gốc Việt. Cho đến nay, đã đạt khoảng 70% - 80%. Số còn lại chưa ra đăng ký sẽ bị xử lý theo các quy định Xuất nhập cảnh về di trú của Campuchia.
Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và Campuchia tuyên truyền về sự cần thiết của các giấy tờ pháp lý để đảm bảo cuộc sống ổn định cho bà con. Uỷ ban Nhà nước về NVNONN hy vọng những người còn lại trong thời gian tới sẽ ra đăng ký để làm các giấy tờ trên.
Thứ hai, hiện nay chúng ta có Tổng hội Khmer - Việt Nam với 25 chi hội ở 25 tỉnh của Campuchia. Bà con cũng đã có rất nhiều các hoạt động, trước hết là tuân thủ luật pháp Campuchia, sau nữa là hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Phải nói rằng, trong thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ tích cực, vào cuộc khẩn trương của chính phủ hai nước và của các chi hội Khmer - Việt Nam tại các khu vực, cuộc sống của người gốc Việt tại Campuchia mặc dù còn khó khăn nhưng địa vị pháp lý được đánh giá về cơ bản là tương đối ổn định.
Theo luật pháp Campuchia, sau 6 năm định cư, được cấp giấy tờ pháp lý, bà con có thể xin đăng ký quốc tịch Campuchia. Uỷ ban Nhà nước về NVNONN rất mong muốn mọi người nhận thức được vấn đề đó, cố gắng học tốt ngôn ngữ Khmer và tìm hiểu kỹ hơn văn hóa phong tục tập quán của Campuchia để sau này có thể hội nhập sâu rộng hơn, ổn định hơn vào xã hội của đất nước bạn.
Chủ trương của phía Campuchia là di dời những người dân sinh sống ở khu vực Biển Hồ lên trên bờ, khu vực này bao gồm người gốc Việt, người Khmer và người Khmer theo đạo Hồi (người Chăm) nhằm tạo môi trường và điều kiện sống tốt hơn cho cho bà con và phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương ở khu vực Biển Hồ.
Quan điểm của chúng ta là ủng hộ những nỗ lực, chủ trương của Campuchia, vì xét về lâu về dài, thì nếu bà con thay đổi được phương thức mưu sinh, có chỗ ở ổn định và có một cái địa vị pháp lý vững chắc, thì sẽ tốt hơn rất là nhiều so với việc phải sống theo kiểu “du canh, du cư” trên sông nước. Trong thời gian vừa qua, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN cũng đã có sự phối hợp rất tốt và tích cực với các cơ quan chức năng của Campuchia để giải quyết vấn đề này.
Vừa rồi, phía Campuchia thực hiện thí điểm ở tỉnh Kampong Chnang, di dời hơn một 10.000 người, trong đó có khoảng từ 6.000 - 7.000 người gốc Việt, còn lại là người Khmer và người Chăm. Vừa rồi, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN đã có chuyến khảo sát và gặp gỡ bà con để động viên, khuyến khích bà con đồng thuận với chủ trương, tuân thủ quy định pháp luật của Campuchia, duy trì được cuộc sống ổn định lâu dài, các cháu nhỏ có điều kiện được lên bờ, để học hành đến nơi đến chốn hơn.