Khoảng lặng ở xóm chài nhỏ trên dòng Lô Giang

Khoảng lặng ở xóm chài nhỏ trên dòng Lô Giang

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Nằm giữa trung tâm thành phố Tuyên Quang, nhưng ít ai biết đến những con người không một tấc đất cắm dùi, phải sống trên những chiếc thuyền nhỏ bé, tròng trành đầu con sóng. Những con người cùng số phận tạo thành xóm chài nhỏ mưu sinh cùng dòng nước lúc vơi, khi cạn. Cuộc sống của họ như một mảng màu trầm trong cuộc sống muôn màu sắc.

Bốn đời sống cùng sóng nước

Ngay bến sông Lô, khu vực xã Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) có đến gần 100 hộ gia đình sinh sống. Họ là những con người không tên, không tuổi và đã quá quen với tên gọi: Xóm chài. Cuộc sống của họ là một thế giới khác lạ, tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động ở giữa phố phường nhộn nhịp.

Bao đời nay, cuộc sống của những con người ấy đã dập dềnh theo sông nước. Nếu tính những hộ gia đình có đến bốn, năm đời gắn trọn duyên cùng dòng sông Lô thì nhiều vô kể. Họ mưu sinh trên sông nước trong những ngôi nhà nổi lúp xúp và lênh đênh trên những mạn thuyền xuôi ngược. Trong cái lênh đênh vô định ấy có cả những cụ ông, cụ bà đã sống cả cuộc đời với sông nước cho đến khi "nhắm mắt, xuôi tay".

Xã hội - Khoảng lặng ở xóm chài nhỏ trên dòng Lô Giang

Mọi sinh hoạt, ăn uống, tắm giặt đều dùng nước sông Lô.

Dưới chân cầu sông Lô có khoảng gần chục chiếc thuyền với cả trăm nhân khẩu vẫn bám víu vào nhau sống qua ngày. Đây là một xóm chài nhỏ bé và có lẽ là cuối cùng của thành phố này bởi hầu hết những ngư dân trước kia đều đã chuyển nghề vì nhiều lý do khác nhau. Lúc chúng tôi đến thăm, đang là ngày triều kiệt, nước sông rất cạn, các thuyền khác bên cạnh cũng phải tìm cách di tản đi nơi khác để đánh bắt, nếu chậm trễ họ có thể mắc kẹt lại ven bờ cho tới hết đợt triều.

Bác Hoa (57 tuổi), một cư dân xóm chài kể: "Tôi năm nay bao tuổi thì cũng ngần ấy năm sống cùng sông nước. Trước tôi thì bố mẹ, ông bà cũng đều gắn bó với nơi ở nửa thuyền, nửa nhà này. Nhiều khi nhìn cuộc sống trên bờ tấp nập mà thèm, chỉ thương bọn nhỏ cũng sống địa phận thành phố mà khác xa với chúng bạn trên bờ".

Riêng gia đình ông Tư kế bên thì thường đi đánh bắt cá ở xa. Ông bảo: "Những ngày triều xuống, nước chảy khá mạnh, cá thấy động, thường theo dòng mà di chuyển, đó là dịp để mình kiếm ăn. Nếu may mắn, một ngày có thể kiếm được cả trăm ngàn chứ không ít. Còn bình thường, một ngày chỉ dăm chục ngàn thôi, bởi hiện nay cá trên sông Lô cũng chẳng còn nhiều".

Gọi là xóm chài bởi cư dân ở đây đều là dân tứ xứ, cùng về cư ngụ một góc sông tạo thành xóm, sống bằng nghề chài lưới và chở đò. Một số cư dân khác thì làm nhà trên mặt nước, bám vào các mom sông và sống bằng nghề buôn bán hàng hóa. Từ lâu sông Lô đã được mệnh danh là một trong những dòng sông có màu nước đẹp và có nhiều loại cá nổi tiếng như: Cá dầm xanh, cá anh vũ, cá chiên... Xóm chài nơi đây mưu sinh chủ yếu dựa vào đánh bắt cá trên sông.

Dân chài lưới ở sông Lô có nhiều cách để đánh bắt cá sông như đánh lưới, xẻo, cụp, thả nắn, tra câu... Phương thức lâu đời và được nhiều người dùng nhất hiện nay là đánh kích điện. Họ thường kéo điện trong nhà ra sông kích hoặc dùng bình ắc quy cho mỗi chuyến đánh bắt cá xa. Sau mỗi chuyến đánh bắt về, người nhà lại mang lên bờ bán lấy tiền, rồi mua những thứ cần thiết xuống bè.

Sống đời du mục

Làng chài cũng có nhiều cụ già đã tám, chín mươi với nếp da đen ngăm nhưng đôi mắt sáng quắc. Dù cho năm nay đã bước sang cái tuổi xế bóng nhưng trí nhớ của cụ Hùng, một lão thuyền chài vẫn minh mẫn. Nhấp ngụm trà nhạt, ông lão cười buồn: "Đời vạn chài như sống đời du mục, vì mưu sinh có mấy khi ở lâu một chỗ, cứ phải lăn lóc nay đây, mai đó, trần mình để kiếm miếng ăn trong cuộc sống lúc nào cũng óc ách sóng nước dưới chân và gió ràn rạt thổi trên đầu. Ấy vậy mà tính đến nay cũng đến bốn thế hệ gắn bó trên sông nước rồi. Cứ ở mãi dưới sông có lẽ nghèo mãi thôi mà nếu có kéo nhau lên bờ biết làm gì để nuôi sống mình. Vạn chài chỉ gắn với sông nước, sống nhờ sông nước, nhiều khi ước ao được lên bờ nhưng vẫn mãi dở dang...".

Mặt trời đã ngả bóng, phía xa xa vẫn còn bóng dáng những ngư dân bắt cá lo bữa cơm cuối ngày. Nhìn phía bên trên đường, những ngôi nhà tầng cao vút, khang trang khiến người dân ở xóm chài này không khỏi chạnh lòng rầu rĩ. Họ vẫn chưa biết rồi mai này mình sẽ đi về đâu? Tuy nhiên, đó là chuyện của sang năm còn hôm nay, mọi người ở đây vẫn phải vật lộn với từng con sóng cho bữa cơm của gia đình mình.

Xã hội - Khoảng lặng ở xóm chài nhỏ trên dòng Lô Giang (Hình 2).

Trên những cây luồng ghép lại, có đến hai hộ gia đình sinh sống.

Giật nổ chiếc ghe tam bản có gắn máy, anh Nguyễn Văn Kiên, 39 tuổi chạy xuôi về hướng huyện Chiêm Hóa, Na Hang thả lưới. Anh bảo, những hôm triều xuống, sông cạn, cá tầng đáy ở dưới thường ngoi lên mặt nước kiếm ăn, đó là dịp để mình bắt. Chủ yếu là cá rô, cá lóc, cá trê và cá tạp. Nhìn đôi bàn tay săn chắc, nước da sạm nắng gió của anh quăng lưới trong bóng hoàng hôn sông nước mà tôi không khỏi nao nao buồn.

Phía xa xa, dưới đáy sông, nơi chiếc lưới vừa bủa xuống, bóng những tòa nhà cao tầng bên bờ sông in xuống lộng lẫy. Trong cuộc mưu sinh, hình như đâu đó vẫn đọng lại tiếng thở dài...

Làng chài này vốn có truyền thống "cha truyền con nối", tiếp qua bao thế hệ. Những đứa trẻ lên ba, bốn tuổi đã biết bơi, nước da lúc nào cũng đen sạm, môi thâm tím. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước, sự vất vả mưu sinh đã khiến họ chẳng mấy quan tâm đến việc phải cho con em đến trường. Ông Tần, một ngư dân bày tỏ: "Ở xóm chài này nhà nào lỡ có người qua đời, thì người còn sống lại khổ. Người ta bảo người sống làm khổ người chết, nhưng ở đây chúng tôi chết đi để lại cái khổ cho con, cho cháu. Muốn được chôn ở trên bờ nhưng cũng không có lấy một đồng để mua mấy tấc đất mà mai táng".

Điều mà cư dân nhà bè phải chấp nhận lâu nay đó là mọi sinh hoạt như tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ, nuôi gia súc, gia cầm... đều diễn ra trên sông. Thậm chí chỉ cần múc nước sông lên và đánh phèn chua cho lắng là có thể sử dụng làm nước ăn, uống. Nguồn điện sinh hoạt đối với dân nhà bè bấy lâu nay đã là cả một sự may mắn. Vì không đảm bảo an toàn cho việc sử dụng điện ở dưới nước, nên không có hệ thống lưới điện cung cấp điện cho cư dân nhà bè. Họ phải dòng dây lấy điện từ những hộ gia đình trên bờ. Chỉ trên một khúc sông ngắn chảy qua thành phố nhưng dân nhà bè lại có một cuộc sống khác hẳn với cuộc sống nhộn nhịp ở trên bờ. Họ lầm lũi và cần mẫn với cuộc sống mưu sinh.

Khổ nhất, mỗi khi nước thủy triều rút, những bãi lầy án ngự càng dày dấu vết thời gian càng tích tụ đủ các loại rác trôi dạt về đây. Những xác túi nylon lâu ngày nằm vật vờ rêu phủ, chưa ai dọn đi thì lại tiếp tục có thêm bạn mới. Khi chúng tôi đặt chân xuống bãi lầy, thật khủng khiếp khi bên chiếc thuyền hỏng mục nát nằm bên gốc sú thì gặp ngay xác con lợn đang thối rữa. Chưa hết, những lông gà, lông vịt và cả những vỏ chai vỡ được đổ xuống góp thêm mùi xú uế đặc biệt cho xóm chài.

Cứ vậy, năm này qua năm khác, khát khao lên bờ của xóm vạn chài lại tiếp tục dang dở. Thậm chí nhiều người còn không muốn xa sông nước bởi dường như nó đã gắn với cái nghiệp của họ...

Kể về cuộc đời sông nước của mình, gương mặt người ngư phủ ấy bỗng nhiên bừng sáng. Có lẽ, với ông Tư, những con sóng đã trở thành máu thịt, thành một phần của cuộc đời mất rồi. Ông Tư bảo, ông bắt đầu theo nghiệp chài lưới trên sông Lô từ khi còn rất nhỏ. Lớn lên, lấy vợ, sinh con rồi vẫn ngày ngày quăng lưới. Trước kia, khúc sông này có rất nhiều cá tôm, bạn bè chài lưới đánh cá cũng nhiều. Tối nào bạn bè cũng tụ tập nhậu nhẹt, rất xôm tụ. Với những người lênh đênh sông nước, bến nào cũng là nhà, làm được bao nhiêu, ăn uống hết bấy nhiêu, chẳng lo nghĩ gì nhiều. Với gia đình ông, xóm chài góc sông Lô này đã trở thành quê hương.

Cao Tuân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.