Vì một không gian mạng an toàn với trẻ em
Sau hơn một năm triển khai dự án "Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google'', đã có hàng nghìn giáo viên ở các tỉnh, thành phố được tập huấn giảng dạy trẻ kỹ năng sử dụng internet an toàn và hiệu quả, với hơn một triệu học sinh hưởng lợi từ chương trình.
Mới đây, Google phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng kết dự án giáo dục "Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google" sau hơn một năm triển khai tại Việt Nam.
Dự án "Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google" được khởi động từ tháng 10/2021 cung cấp bộ giáo trình đa dạng và hoàn toàn miễn phí, cùng trò chơi interland phiêu lưu về an toàn kỹ thuật số.
Đến năm 2022, Google giới thiệu "Internet phiêu lưu ký" phiên bản Việt hóa, giúp các bậc cha mẹ cùng trẻ học hỏi và phát triển trong môi trường mạng một cách tự tin và an toàn. Riêng bộ giáo trình được thiết kế đặc biệt nhằm hướng dẫn trẻ sử dụng internet một cách an toàn, cẩn trọng và tránh các hành vi xấu có nguy cơ ảnh hưởng tới trẻ, cũng như dạy trẻ các nguyên tắc cơ bản về an toàn kỹ thuật số và quyền công dân số để các em có thể tự tin khám phá thế giới trực tuyến.
Theo đại diện Google, sau hơn một năm triển khai dự án "Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google", đã có 7.443 giáo viên tại 1.115 trường tiểu học ở 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái được tập huấn giảng dạy trẻ kỹ năng sử dụng internet an toàn và hiệu quả.
Chương trình nhận được sự đồng hành của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng quốc gia - VNCERT/CC (Bộ Thông tin và Truyền thông), Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (C.F.C Việt Nam), các sở giáo dục và đào tạo cùng trường học tại nhiều tỉnh, thành phố trong việc biên soạn và tổ chức thẩm định tài liệu bồi dưỡng giáo viên. Trong tháng 7/2022, chương trình đã tổ chức tập huấn cho giáo viên tại các địa phương, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hà Nam.
Đánh giá về dự án, đại diện VNCERT/CC cho biết, đây là chương trình hữu ích, có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, góp phần triển khai Quyết định 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.
Đại diện Google cho biết thêm, chương trình mong muốn nội dung giáo trình hướng dẫn trẻ sử dụng internet một cách an toàn được áp dụng rộng rãi, không ngừng tạo nên môi trường an toàn mạng dành cho trẻ em Việt Nam.
Cha mẹ hành động cùng con em mình
Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, hiện nay, với nhiệm vụ chuyển đổi số ngành giáo dục, song song việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, một nhiệm vụ quan trọng là phát triển các kỹ năng an toàn trên mạng cho cả giáo viên và học sinh. Đặc biệt, sau thời gian học sinh học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng càng cấp thiết.
Theo một khảo sát của Google và Qualtrics về ý kiến của cha mẹ về sự an toàn trên mạng trong đầu năm 2022, cha mẹ Việt đã cảm thấy tích cực và tự tin hơn khi cùng gia đình sử dụng công nghệ so với năm ngoái với 81% cha mẹ tin tưởng rằng con họ sẽ trao đổi với họ khi gặp vấn đề trên mạng.
Bên cạnh đó, mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh là thói quen lành mạnh trên môi trường kỹ thuật số, quyền riêng tư - bảo mật và nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, cứ 3 phụ huynh thì có 1 người cảm thấy con mình không hiểu rõ các vấn đề về sự an toàn trên mạng; độ tuổi trung bình của trẻ sở hữu điện thoại di động là 9, nhưng độ tuổi trung bình của trẻ được trò chuyện về sự an toàn trên mạng lại là 13, nghĩa là có 4 năm thiếu sự trao đổi về an toàn mạng với trẻ.
“Với sự phát triển của công nghệ, trẻ em sử dụng mạng internet cho việc học và giải trí có thể sẽ phải đối mặt với nội dung bạo lực, bắt nạt trên mạng, tin giả hay nhiều nguy cơ đáng quan ngại khác. Tuy nhiên, không phải trẻ em nào cũng được trang bị đầy đủ kiến thức và những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trước những nguy cơ đó”, bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc C.F.C Việt Nam chia sẻ.
Trúc Chi (theo Hà Nội Mới, Giáo Dục Thủ Đô, Vietnamnet)